Hiệu quả xã hội từ các dự án may mặc

22/02/2013 22:47

(Baonghean) - Một trong những kết quả nổi trội trong thu hút đầu tư thời gian vừa qua của tỉnh ta là đã thu hút khá nhiều dự án may mặc xuất khẩu cả trong nước và nước ngoài. Việc triển khai các dự án may mặc theo đúng thoả thuận đầu tư đã tạo bước chuyển trong vấn đề sử dụng lao động, giải quyết được căn bản áp lực sử dụng lao động nông thôn trên địa bàn…



Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà máy may NamSungViNa (Diễn Châu).

Nở rộ dự án dệt may

Theo quốc lộ 46 từ Thành phố Vinh lên huyện Nam Đàn đến địa phận xã Nam Giang, hình ảnh một nhà máy có quy mô đầu tư lớn mọc lên giữa làng mạc, đồng quê như một điểm nhấn về một miền quê đang đổi mới. Đó là nhà máy may Haivina - Kim Liên có vốn đầu tư 100% của doanh nghiệp Hàn Quốc. Khó nói hết sự phấn khởi của cán bộ, nhân dân huyện Nam Đàn khi doanh nghiệp đầu tư dự án trên địa bàn, bởi đây là dự án giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân rất hiệu quả. Chính vì lẽ đó, ngay từ khi dự án mới bắt đầu triển khai xây dựng đầu tư, huyện Nam Đàn đã đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong thời gian xây dựng nhà máy có thể tổ chức sản xuất bằng việc cho mượn tạm một số phòng học chưa sử dụng của Trường THCS Kim Liên; hỗ trợ tuyên truyền GPMB nhanh để đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Nam Giang. Người dân đồng tình cho nhà đầu tư mượn tạm địa điểm sản xuất, ủng hộ doanh nghiệp giải phóng mặt bằng nhanh theo cơ chế chính sách quy định để xây dựng nhanh nhà máy. Nhờ đó, sau một năm vừa sản xuất, vừa xây dựng nhà máy, Dự án Nhà máy may Haivina - Kim Liên (Nam Đàn) có tổng mức đầu tư 288 tỷ đồng chính thức đi vào hoạt động sản xuất ổn định tại cụm công nghiệp Nam Giang. Hiện tại, dự án đã đạt 80% công suất, với 3 triệu sản phẩm/năm, thu hút 2.300 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông ở địa phương. Doanh thu năm 2012 của nhà máy đạt hơn 123 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 7 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho người lao động với thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng/người. 100% người lao động được doanh nghiệp đóng BHXH và đảm bảo đầy đủ các chế độ theo Luật Lao động.

Cũng là dự án thu hút đầu tư trên lĩnh vực may mặc xuất khẩu nhưng so với Nhà máy may Haivina - Kim Liên, thì dự án Nhà máy may công nghiệp của Công ty NamSungViNa có quy mô nhỏ hơn. Dự án được đầu tư xây dựng từ năm 2011 trên diện tích 5 ha ở khu công nghiệp Tháp - Hồng - Kỷ (huyện Diễn Châu). Dự án 100% vốn của doanh nghiệp Hàn Quốc, với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng và khi hoàn thành dự án, nhà máy có thể thu hút trên 4.000 lao động. Có thể nói đây là dự án đầu tư trên lĩnh vực may mặc có tiến độ xây dựng, hoạt động nhanh nhất. “Chỉ 6 tháng tính từ thời gian xúc tiến đầu tư, rồi khởi công xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động sản xuất cho ra sản phẩm. Và kể từ ngày đi vào sản xuất đến nay cũng mới chỉ hơn 6 tháng đã tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 2,5 đến 2,8 triệu đồng/tháng/người. Đây là dự án được đầu tư nhanh và hiệu quả sớm nhất kể từ trước đến nay trên địa bàn Diễn Châu” - ông Lê Văn Cầm - Bí thư Huyện ủy Diễn Châu đã khẳng định như vậy. Công ty NamSungViNa tuy mới đi vào hoạt động không lâu những cũng đã thể hiện sự đóng góp tích cực vào hoạt động xã hội như tham gia hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ xây dựng Đài liệt sỹ huyện với tổng giá trị 250 triệu đồng. Hiện tại, doanh nghiệp đang tiếp tục làm thủ tục đầu tư xây dựng một trường học cho xã nghèo, trị giá khoảng 2 tỷ đồng.

Cùng với 2 dự án trên, hiện tại ở Nghệ An còn có 2 dự án được đầu tư trên lĩnh vực may xuất khẩu từ nguồn vốn nước ngoài cũng có hiệu quả. Đó là Công ty TNHH Prex - Vinh tại xã Lạc Sơn (Đô Lương), tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, thu hút hơn 3.000 lao động; Dự án may của Công ty TNHH Lan Lan - Nhật Bản, mức đầu tư 37 triệu USD, tại huyện Yên Thành, thu hút gần 1.000 lao động. Ngoài các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, mấy năm gần đây, Nghệ An cũng đã thu hút một số dự án đầu tư trong nước về lĩnh vực may mặc, gồm Công ty TNHH may thêu xuất khẩu Khải Hoàn - Anh Sơn (mức đầu tư 40 tỷ đồng, thu hút hơn 2.000 lao động); Dự án cụm dệt may Nam Đàn Hanosimex (mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, thu hút hơn 2.000 lao động); Dự án Công ty Tuấn Phương (vốn đầu tư 16 tỷ đồng, trên diện tích 6.500m2, thu hút trên 500 lao động)... Có một số doanh nghiệp bằng kinh nghiệm và uy tín kinh doanh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, như Công ty TNHH Phú Vinh; Công ty may Lam Hồng (Quân khu IV); Công ty cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan...

Chủ trương trúng và đúng

Nhận xét ban đầu về đầu tư trên địa bàn Nghệ An, ông Kim Tae Hyung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Haivina Kim Liên cho biết: “Tỉnh Nghệ An có lực lượng lao động trẻ dồi dào, mức lương chi trả cho người lao động tương đối thấp so với các vùng khác. Lực lượng lao động chủ yếu đều tốt nghiệp THPT. Tỉnh và huyện đều quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi cần. Nếu tỉnh quan tâm hơn nữa về cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, bao gồm điện, nước, giao thông, cấp thoát nước; chú trọng đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao (doanh nghiệp muốn tuyển lao động giỏi tiếng Hàn và tiếng Anh rất khó); cải thiện nâng cao chỉ số năng lực canh tranh của tỉnh; quan tâm công tác trị an..., chắc chắn sẽ thu hút nhiều dự án lớn hơn nữa vào địa bàn Nghệ An, đặc biệt là các dự án may mặc và các dự án cần nhiều lao động khác”.

Với nhận thức và quan điểm trong thu hút đầu tư là phải có tính chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, dự án ít tác động đến môi trường, mấy năm trở lại đây, chất lượng và hiệu quả các dự án được thu hút trên địa bàn Nghệ An nói chung là khá rõ nét, dần loại bỏ được các dự án thiếu tính bền vững, tác động xấu đến môi trường. Lĩnh vực may mặc là một trong những nhóm được quan tâm thu hút và thực tiễn triển khai đạt nhiều hiệu quả về kinh tế và xã hội. Ông Nguyễn Huy Cương - Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Chủ trương thu hút đầu tư các dự án may là đưa về các cụm công nghiệp các huyện của tỉnh thời gian gần đây là rất trúng và đúng. Một mặt đưa công nghiệp về vùng nông thôn, một mặt nhằm khai thác nguồn lao động tại chỗ, tạo việc làm và thu nhập cho người dân trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn số lao động nông thôn dư thừa ngày càng nhiều”. Như vậy, có thể thấy rằng, thu hút đầu tư trên lĩnh vực may mặc xuất khẩu trong thời gian qua đã thực sự có hiệu quả, nhất là giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn. Chỉ tính sơ bộ các doanh nghiệp may mặc mới đầu tư đi vào hoạt động gần đây đã tạo việc làm cho trên 10 ngàn lao động. Tuy nhiên, để dệt may trở thành ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu của tỉnh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, thì ngoài chuẩn bị các điều kiện đầu tư như mặt bằng, hạ tầng thì công tác đào tạo nguồn nhân lực lao động có tay nghề cần phải coi trọng, mới có thể đón đầu thu hút đầu tư cũng như tăng hiệu quả sử dụng lao động.


Bài, ảnh: MAI HOA

Mới nhất

x
Hiệu quả xã hội từ các dự án may mặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO