Hỗ trợ bình đẳng giới ở bản Chiềng

07/10/2014 15:06

(Baonghean) - Bản Chiềng là một bản thuần dân tộc Thái thuộc xã Tri Lễ (Quế Phong). Do đời sống kinh tế - xã hội còn khó khăn nên tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu như: tảo hôn, bạo hành gia đình, vai trò của phụ nữ bị xem nhẹ… Từ khi mô hình “Dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới” được triển khai thực hiện, bản Chiềng đã có những đổi thay tích cực…

Tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới ở bản Chiềng.
Tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới ở bản Chiềng.

Chúng tôi về bản Chiềng vào đúng thời điểm chi hội phụ nữ bản đang tổ chức nói chuyện chuyên đề bình đẳng giới ở lĩnh vực gia đình. Hội trường đã kín chỗ ngồi, với sự góp mặt của cả nữ giới và nam giới. Những ý kiến trao đổi thẳng thắn của hội viên tạo nên không khí sôi nổi. Tất cả đều xoay quanh các ý kiến như: cần tạo thêm việc làm cho chị em để đỡ đần người đàn ông trong gia đình phát triển kinh tế; hay cần có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể thao để chị em tham gia nhiều hơn … đã chứng tỏ sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân nơi đây về bình đẳng giới. Có mặt trong buổi nói chuyện, anh S, trước đây thường hay say rượu, có hành vi bạo hành vợ con, nay đã tu chí làm ăn, cho biết: “Trước đây không biết việc mình làm là sai mô. Từ khi có điện, được tiếp cận với thông tin truyền thông, tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới của bản tổ chức mới biết việc mình làm như rứa là vi phạm pháp luật. Phải sửa sai chứ cứ để bị nhắc nhở trước dân bản thì xấu hổ lắm. Dừ biết thương vợ con rồi”.

Trao đổi với chị Lang Thị Huyền - Chi hội trưởng phụ nữ bản Chiềng được biết: Hiện nay, bản Chiềng có 74 hộ/376 nhân khẩu, phụ nữ chiếm gần một nửa dân số. Trước đây, phần lớn phụ nữ trong bản suốt ngày lam lũ từ việc đồng áng đến việc nhà, rồi còn phải gánh vác những việc nặng như vào rừng kiếm củi, hái măng… nhưng vẫn bị xem nhẹ. Họ ít được học hành đến nơi, đến chốn nên hạn chế về nhận thức pháp luật nên cam chịu khi bị bạo hành, lấn quyền... Trước thực trạng đó, bản Chiềng được xã Tri Lễ chọn thí điểm mô hình “Dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới” do Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Phòng Bình đẳng giới (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức trong giai đoạn 2013 – 2015. Qua đó, đưa kiến thức bình đẳng giới đến gần hơn với đồng bào, kịp thời giải đáp những thắc mắc liên quan đến bình đẳng giới mà người dân quan tâm. Sau hơn 1 năm đưa vào thí điểm, hiện nay bản Chiềng không còn tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3. Tình trạng bạo lực gia đình giảm đáng kể. 100% đàn ông trong bản đã đảm nhận việc đi rừng lấy củi; biết chia sẻ việc nhà với vợ như nấu ăn, giặt quần áo, đưa con tới trường… Tạo điều kiện cho chị em tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của bản, xã tổ chức. Chị em tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình như tham gia mô hình trồng rau sạch thu nhập 3 – 4 triệu đồng/mùa, lo cho các con được đến trường. Khi ốm đau, thai sản, dân bản đã biết đến trạm xá để thăm khám chứ không gọi thầy về cúng bái như trước đây…”..

Để có được kết quả tích cực đó, ngoài triển khai hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới trên loa phát thanh của bản, trong các cuộc họp hội phụ nữ, xã viên hay chi bộ hàng quý, nội dung về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới đều được lồng ghép để tuyên truyền. Đối với những gia đình có dấu hiệu vi phạm thì tổ tư vấn gồm xóm trưởng và cán bộ hội phụ nữ kịp thời xuống tận nhà để nhắc nhở, chấn chỉnh. Soạn tờ rơi bằng tiếng dân tộc phát cho bà con. Đặc biệt, tổ tư vấn kịp thời giải quyết các thắc mắc, cung cấp các kiến thức về bình đẳng giới cho người dân trong các buổi nói chuyện…”. Khi người phụ nữ đã hiểu biết và nhận thức được sự bình đẳng giữa người vợ và người chồng, họ đã mạnh dạn tham gia vào các hoạt động đoàn thể để nâng cao vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Trước sự động viên và ủng hộ của người chồng, phụ nữ bản Chiềng đã có 3 chị đảm nhiệm trưởng, phó các đoàn thể trong bản như: Chị Huyền; chị Hà Thị Chiến – Chi hội phó phụ nữ kiêm cộng tác viên dân số; chị Lô Thị Duyên – Chi hội trưởng Hội Nông dân. Toàn xã Tri Lễ hiện có gần 75 chị đảm nhiệm các trọng trách trong công tác xã hội, góp phần nâng vị thế của người phụ nữ dần bình đẳng với nam giới trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Bài, ảnh: Lê Hoa

Mới nhất
x
Hỗ trợ bình đẳng giới ở bản Chiềng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO