Hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP: “Đợi” báo cáo!

13/12/2012 18:52

Từ năm học 2010 - 2011, việc chi trả học phí cho học sinh, sinh viên con em gia đình chính sách đã được thực hiện theo NĐ 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ. Qua gần 3 năm thực hiện, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc và nhiều gia đình đến nay vẫn chưa nhận được tiền cấp bù học phí.

(Baonghean) Từ năm học 2010 - 2011, việc chi trả học phí cho học sinh, sinh viên con em gia đình chính sách đã được thực hiện theo NĐ 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ. Qua gần 3 năm thực hiện, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc và nhiều gia đình đến nay vẫn chưa nhận được tiền cấp bù học phí.

Thay mặt các thành viên trong Ban liên lạc 30/4 xã Quỳnh Hoa (huyện Quỳnh Lưu), ông Lê Đức Cường ở xóm 3, phản ánh: Ban liên lạc 30/4 của xã có 23 thành viên là thương binh, hầu hết đều đang có con em học tại các trường đại học, cao đẳng. Thế nhưng từ năm 2010 đến nay, kể từ khi việc chi trả học phí cho học sinh, sinh viên được thực hiện tại địa phương, thì quá trình chi trả thường chậm, thủ tục phiền hà. Nhiều trường hợp hồ sơ thủ tục đã làm xong từ gần một năm nay, giờ đã bước sang năm học mới được hơn 3 tháng , nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền chi trả. Bản thân các thương binh, bệnh binh, hầu hết hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn, để có tiền nộp học phí cho con em đa phần phải đi vay tiền từ ngân hàng chính sách, mỗi tháng phải trả lãi suất rất vất vả.

Cùng tâm trạng đó là hàng chục thương binh, bệnh binh ở huyện Hưng Nguyên. Toàn huyện Hưng Nguyên để chi trả theo Nghị định 49 cho tất cả các đối tượng hiện đang thiếu 4,3 tỷ đồng, riêng đối tượng chi trả tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội còn thiếu gần 700 triệu đồng. Với gần 1.000 lượt học sinh sinh viên chưa được chi trả thì phòng đang rất khó khăn, theo bà Nguyễn Thị Hồng - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện thì: “Hồ sơ của người dân đã gửi về hơn một năm, nhưng nay ngân sách chưa đủ nên chúng tôi không thể chi trả đủ, dẫn tới thiệt thòi cho các gia đình chính sách, bởi nhiều gia đình để có tiền cho con nộp học phí đã phải đi vay chịu lãi suất cao. Việc chậm có tiền còn khiến người dân phải đi lại nhiều lần nên rất bức xúc”.

Có trường hợp như thương binh Lê Văn Tân (xóm 4, xã Hưng Đông, TP. Vinh), nộp tiền học phí cho con gái đang học ở Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 10/2010, nhưng đến cuối năm 2011 mới được cấp tiền, do ngân sách không đủ, phòng cũng chỉ chi trả được 1 triệu đồng, hiện tại vẫn còn nợ gia đình 450.000 đồng.

Tại huyện Quỳnh Lưu, việc chi trả cũng chỉ mới được thực hiện trong năm 2010, 2011. Hiện tại, toàn huyện đang còn trên 7 tỷ đồng chưa chi trả được cho các gia đình chính sách - ông Dương Danh Hòa - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết.

Theo ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở LĐ-TB&XH thì một trong những nguyên nhân khiến việc chi trả chế độ cho các gia đình chính sách, hộ nghèo... theo Nghị định 49 gặp khó khăn bởi phạm vi điều chỉnh của Nghị định rộng lớn, có nhiều loại đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi, liên quan đến nhiều ban, ngành quản lý, dẫn đến công tác xác nhận và tổng hợp đối tượng, lập dự toán, cấp kinh phí, tổ chức chi trả dàn trải, manh mún; việc xác định đối tượng học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cũng không dễ dàng. Hơn nữa, trong quá trình triển khai, dù Nghị định 49 là nghị định mới, liên quan đến nhiều văn bản (riêng việc hướng dẫn các đối tượng được thụ hưởng đã có tới 13 văn bản), nhưng cán bộ, nhân viên thực hiện lại không được tập huấn, hướng dẫn cụ thể, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong thực hiện, gây khó khăn cho các đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh những khó khăn mang tính khách quan trên, ông Nguyễn Viết Hưng - Phó phòng Ngân sách tỉnh, Sở Tài chính cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan khác. Như từ năm 2010 đến nay tỉnh đã chi 329 tỷ đồng cho các đối tượng theo Nghị định 49; trong đó, riêng năm 2010 - 2011 do không có dự toán trước nên tỉnh đã thực hiện cấp ứng trước 206 tỷ đồng và trong năm nay là 123 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện nay hầu như chưa có huyện, thành, thị nào báo cáo rõ ràng về việc chi trả nên Sở Tài chính cũng không tổng hợp được số tiền còn thiếu của toàn tỉnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, để đốc thúc các địa phương sớm làm báo cáo số liệu về nhu cầu thực hiện và quyết toán kinh phí từ tháng 6/2011 đến nay, Sở Tài chính đã có 5 công văn, mới đây nhất là Công văn số 3073/STC-NST ngày 16/11/2011 nhưng hiện vẫn còn gần 90% địa phương chưa thực hiện báo cáo. Ông Hưng thắc mắc: “Không hiểu sao càng cấp tiền, các huyện càng không báo cáo. Điều đó gây khó khăn cho sở trong việc quyết toán, thậm chí hiện tại ngân sách để chi trả cho Nghị định 49 vẫn còn thừa 3 tỷ đồng, nhưng chưa thể quyết toán được vì không biết nơi nào thừa, nơi nào thiếu”. Về phía các huyện, tìm hiểu cho thấy, giữa các phòng như lao động, phòng kế hoạch tài chính, phòng giáo dục cũng chưa có sự phối hợp với nhau. Như tại huyện Quỳnh Lưu, trong hai năm 2011 - 2012, mặc dù ngân sách tỉnh đã cấp về 28 tỷ đồng nhưng đến ngày 23/11 huyện vẫn chưa cấp cho phòng LĐ-TB&XH 7 tỷ đồng để chi trả, với lý do phòng LĐ chưa tổng hợp số liệu. Thế nhưng, cũng câu hỏi trên thì ông Dương Danh Hòa - Trưởng phòng LĐ-TB&XH lại khẳng định: Đã báo cáo đầy đủ cho phòng Tài chính và Sở LĐ-TB&XH.

Trước việc chậm trễ này, Sở Tài chính cũng không khẳng định được đến khi nào việc chi trả mới thực hiện xong nếu như các địa phương chưa tổng hợp được báo cáo tài chính. Đây là một điều quá thiệt thòi cho con em gia đình chính sách cũng như con em hộ nghèo và làm giảm đi ý nghĩa một chủ trương nhân văn của Nhà nước. Từ sự việc kéo dài này, tỉnh cần vào cuộc chỉ đạo đôn đốc các ngành và phòng ban các địa phương sớm hoàn thành báo cáo để chi trả chế độ cho các gia đình chính sách. Trong trường hợp các địa phương làm quá chậm hoặc không báo cáo cần có biện pháp xử lý, nhắc nhở. Huyện nào đã làm xong báo cáo thì nên cấp, không vì một số địa phương tắc trách mà phải “đợi” nhau, “níu” nhau.


Mỹ Hà

Mới nhất
x
Hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP: “Đợi” báo cáo!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO