Hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu thuyền: Sớm khai thông nguồn vốn

17/11/2014 13:12

(Baonghean) - Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách hỗ trợ về tín dụng đối với ngư dân khi vay vốn đóng mới tàu, thuyền đánh bắt xa bờ. Với những cơ chế kích thích lớn, nên ngay từ khi mới ban hành, chính sách thu hút được sự quan tâm của đông đảo ngư dân. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 4 tháng triển khai, ngư dân vẫn còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Đóng tàu cá công suất lớn ở xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu)
Đóng tàu cá công suất lớn ở xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu)

Sau khi Nghị định 67/CP ra đời, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức tập huấn triển khai các nội dung cho đối tượng liên quan. Về phía các ngân hàng thương mại đã tổ chức quán triệt, phổ biến các quy trình nghiệp vụ cho cán bộ và lãnh đạo chi nhánh các ngân hàng huyện có biển. Qua triển khai, người dân 5 huyện, thị xã có biển trên địa bàn tỉnh (Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX. Cửa Lò và TX. Hoàng Mai) đã đăng ký đóng mới, nâng cấp 874 tàu thuyền, tương đương số vốn khoảng 4.305 tỷ đồng. Trước đó, trên cơ sở cân đối nguồn lực và thực trạng đánh bắt ở Nghệ An, Chính phủ đã phân bổ cho tỉnh được đóng mới 100 tàu thuyền, trong đó giai đoạn 1 năm 2014 là 50 chiếc, giai đoạn 2 năm 2015 là 50 chiếc; ngoài ra, Chính phủ giao cho địa phương huy động nguồn vốn khác để hỗ trợ ngư dân nâng cấp 50 chiếc….

Ngày 15/10/2014, UBND tỉnh đã có Quyết định 5295/QĐ.UB phân bổ chỉ tiêu đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ đợt 1 năm 2014. Theo đó, triển khai Nghị định 67, toàn tỉnh có 129 chiếc (đóng mới 75 tàu khai thác và 4 tàu dịch vụ, nâng cấp 50 tàu), trong đó Quỳnh Lưu nhiều nhất với 51 chiếc, TX. Hoàng Mai 41 chiếc, TX. Cửa Lò 16, Diễn Châu 11 và Nghi Lộc 10 chiếc. Tỉnh cũng đã ban hành 9 tiêu chí lựa chọn chủ tàu vay vốn đóng mới tàu cá và công bố các cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu thuyền trên địa bàn gửi Bộ Nông nghiệp PTNT.

Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh đã giao Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và UBND các huyện, thị thống nhất ban hành bộ hồ sơ vay vốn đóng tàu cá theo Nghị định 67/CP, thẩm định danh sách chủ tàu được hỗ trợ vay vốn để trình UBND tỉnh thông qua… Ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Phó Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/CP của tỉnh cho biết: “Đến thời điểm này trên địa bàn có 5 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình cho vay vốn theo Nghị định 67/CP là Nông nghiệp &PTNT, Đầu tư & Phát triển (BIDV), Công thương, Ngoại thương và Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long. So với các tỉnh trọng điểm được ưu tiên của Chính phủ, với các bước triển khai trên thì Nghệ An là một trong những địa phương có bước triển khai tích cực, đảm bảo tiến độ”.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, khi Nghị định 67 có hiệu lực được 4 tháng, nhưng do nhiều thủ tục hồ sơ chưa hoàn chỉnh nên các ngân hàng chưa phát hành bất kỳ hồ sơ vay vốn nào theo Nghị định 67; các khoản vay nếu có thì theo con đường vay thế chấp thông thường. Ông Trần Đình Thọ - Chủ cơ sở đóng tàu ở thôn Hợp Tiến, phường Quỳnh Lập, TX. Hoàng Mai cho hay: “Xưởng hoạt động đã 5 năm, sử dụng thường xuyên từ 20 - 30 lao động, ngoài sửa chữa, mỗi năm xưởng đóng mới từ 5 - 7 tàu, công suất từ 800 - 1.000 CV. Hiện nay, tại xưởng đang đóng 3 chiếc, trong đó 2 chiếc sắp hoàn thiện, mỗi chiếc khoảng 5,5 tỷ đồng nhưng chủ tàu chưa có tiền thanh toán. Cách đây mấy tháng nghe tin Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn theo Nghị định 67, không chỉ các chủ tàu mà tôi rất vui và mong chờ đây sẽ là nguồn hỗ trợ, tiếp sức để ngư dân vay vốn, trả cho các cơ sở đóng tàu để nhận tàu ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên với thủ tục khá rườm rà, chúng tôi và ngư dân chưa biết bao giờ vay được…”.

Còn ông Phan Văn Hải - Chủ tịch Hiệp hội nghề cá phường Quỳnh Lập đưa ra phép tính: Năm 2013, gia đình đã vay mượn trên 5 tỷ đồng đóng mới tàu đánh bắt công suất 640 CV, bình quân mỗi chuyến biển được từ 200 triệu đồng đến 360 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mỗi chuyến lãi khoảng 120 - 150 trăm triệu đồng. Ban đầu mới tiếp nhận chủ trương theo Nghị định 67, bản thân cũng muốn đăng ký tham gia thêm. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ được biết để được vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, ngư dân phải có vốn đối ứng 30% giá trị nếu đóng tàu gỗ và 5% với tàu vỏ sắt nên đã suy nghĩ lại.

Cũng theo ông Hải, tàu do ngư dân tự đóng trên địa bàn công suất từ 500 -750 CV phổ biến có mức giá từ 5- 6 tỷ đồng. Nay đóng tàu theo Nghị định 67, công suất tương đương, thì giá tàu vỏ gỗ có dự toán từ 8-10 tỷ đồng/chiếc; tàu vỏ sắt từ 14 - 15 tỷ đồng/chiếc, dẫn đến số vốn đối ứng “đội” lên khá cao; 30% vốn đối ứng đồng nghĩa với ngư dân phải có từ 2 - 3 tỷ đồng/tàu. Ngoại trừ năm đầu được miễn, thì 10 năm sau, tiền vốn và tiền lãi phải trả rất lớn... Không chỉ băn khoăn về vốn đối ứng, qua tìm hiểu chúng tôi còn nhận thấy ngư dân một số vùng còn e ngại khi đóng mới tàu thuyền, nhất là tàu vỏ sắt, bởi lâu nay, họ chưa quen với loại phương tiện này và nếu đóng thì các cơ sở đóng ở xa, khó có điều kiện giám sát.

Một số ngân hàng thương mại cũng băn khoăn không kém. Là ngân hàng được xác định 1 trong 3 trụ cột cho vay theo Nghị định 67/CP, ông Trần Văn Đức - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Agribank Nghệ An cho biết: “Một trong những nguyên nhân ngư dân lo lắng nữa là theo Nghị định 67, chỉ cho vay đối với chủ tàu là sở hữu 1 người. Nhưng ngư dân vùng Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai rất ít tàu do một người đứng chủ. Mặc dù xét về điều kiện kinh tế, 1 người hoặc hộ có thể đóng mới và sở hữu 1 tàu nhưng theo “quy ước” đánh bắt lâu nay, để an toàn, các ngư dân trong 1 gia đình không đi chung một tàu và nếu đầu tư cũng không tập trung vào một tàu mà phân thành nhiều phần để gửi ở các tàu khác nhau, các thành viên góp vốn là đồng sở hữu. Để triển khai Nghị định 67, các thành viên phải thống nhất nên khá lúng túng”.

Bên cạnh đó, cho vay theo Nghị định 67 không phải ngân hàng nào cũng hào hứng. Theo quy định thì tất cả ngân hàng tham gia nhưng đến nay mới chỉ có 5 ngân hàng thương mại đăng ký. Theo ông Trần Hữu Tiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Phó Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh: “Hiện còn có một số vướng mắc khác nữa khi thực hiện chính sách. Cụ thể, do số lượng phân bổ đóng mới quá ít (toàn tỉnh chỉ được 100 chiếc trong khi người dân đăng ký là 874 chiếc), nên việc phân bổ và lựa chọn chủ tàu được vay vốn đóng mới, nâng cấp rất khó.

Sau vòng đầu đăng ký khá tràn lan, chia chỉ tiêu theo xóm dẫn đến bình xét không đúng đối tượng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành tiêu chí chủ tàu đủ điều kiện kèm theo các hồ sơ chứng minh để qua hội đồng thẩm định xã, huyện và tỉnh xét. Hiện nay, các huyện đang chỉ đạo xã tiếp tục hoàn thiện hồ sơ nên danh sách chủ tàu chưa được gửi lên để trình UBND tỉnh thẩm định phê duyệt. Mặt khác, đến thời điểm này (10/11/2014) Bộ Nông nghiệp & PTNT vẫn chưa ban hành mẫu thiết kế kỹ thuật và dự toán giá thành tàu vỏ sắt, mẫu tàu làm dịch vụ hậu cần. Đối với cơ sở đóng tàu cũng có một số điều kiện cần bổ sung; các loại thủ tục hồ sơ cần thiết để đóng mới, nâng cấp (máy chính mới 100% nhưng máy phụ khác trên tàu thì thế nào?)…”.

Để chủ động hạn chế các rào cản, vướng mắc, Ban chỉ đạo tỉnh đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn thống nhất bộ hồ sơ vay vốn theo Nghị định 67/CP nhằm hạn chế tình trạng cùng vay vốn theo Nghị định 67 nhưng mỗi ngân hàng một mẫu khác nhau; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở; tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại khẩn trương triển khai và tiếp nhận hồ sơ vay vốn và giải ngân kịp thời cho ngư dân khi đủ điều kiện theo quy định.

Qua trao đổi với một số ngư dân ở Quỳnh Lập, Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai), Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy… (Quỳnh Lưu) được biết ngư dân đã có thay đổi về nhận thức khi đăng ký vay vốn theo Nghị định 67. Họ đã nhận ra đây là gói tín dụng có điều kiện và để vay được vốn phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định. Một số hộ đủ điều kiện có thể vay đóng mới tàu theo Nghị định 67 nhưng vẫn còn băn khoan về đơn giá tàu quá cao, vốn đối ứng của ngư dân khá lớn… Những lo lắng của ngư dân được xuất phát từ thực tế hoạt động đánh bắt lâu nay, chính vì vậy, ngành Nông nghiệp và các ngân hàng cần sâu sát với nguyện vọng của ngư dân trên địa bàn để sớm có giải pháp tháo gỡ, để những chính sách tích cực của Chính phủ sớm đi vào thực tiễn...

Nguyễn Hải

Mới nhất

x
Hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu thuyền: Sớm khai thông nguồn vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO