Hòa Hội: Rộn rã những mùa lau

24/10/2014 14:45

(Baonghean) - Làng Hòa Hội (Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn) hiện ra trước mắt chúng tôi sau con đê dài là những mái nhà ngói đỏ, những vườn cải xanh ngời lên trong nắng và những khoảng sân rộng rộn rã tiếng nói, cười. Từ bao nhiêu năm nay, cái không khí rộn ràng ấy như chưa hề mất dấu khỏi vùng quê này, dầu nghề làm chổi có lúc thăng, lúc trầm...

Một điểm làm chổi ở Hòa Hội.
Một điểm làm chổi ở Hòa Hội.

Chúng tôi dừng chân bên hiên nhà ông lão 76 tuổi, tên Phan Sơn vừa khéo tay lại vừa mặn chuyện. Ông kể rằng, mình gắn với nghề chổi ngay từ khi... lọt lòng. Nói thế cũng không ngoa, chứ khi mới sinh ra, bên tai ông đã vang tiếng thình thịch đập bụi lau.Tóc bà, áo cha bạc màu bụi lau. Lau phủ kín từ nhà ra ngõ. Khi ấy, bà con Hòa Hội mới chỉ biết làm chổi để dùng trong nhà chứ chưa phải để kinh doanh như bây giờ. Thế rồi, đến giai đoạn một vài nhà trong làng làm chổi treo trên dây thép trước sân kèm theo tấm biển ghi trên tấm bìa hay mảnh gỗ nhỏ: “Chổi để bán”. Làng Hòa Hội bắt đầu có “tư duy làm kinh tế” bằng những tấm biển như vậy.

Khi chiếc chổi đầu tiên được khách hỏi mua, lại được khen là chổi kết đẹp, bà con Hòa Hội phấn khởi không tả hết. Những chiếc chổi đầu tiên được đổi bằng bơ gạo, chùm lúa, cái chụp đèn dầu... Từ sự trao đổi, mua bán mộc mạc ấy tạo thêm sức mạnh, niềm tin và lòng đam mê với nghề chổi. Thời đó, nhà đói hay nhà no đều "đầu tư" xây một cái kho chứa sậy, lau. Gọi là kho nhưng thật ra là một chiếc nhà nhỏ được lợp bằng rơm khô, cứ vài ba mùa gặt bà con lại thay mái rơm một lần để tránh mưa bão làm ướt lau, chổi.

Một tháng đôi lần, bà con ngược lên triền đất Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong tìm lau, sậy. Ông Sơn kể rằng, cái âm thanh thình thịch nện vào bông lau cho rụng hoa là âm thanh quen thuộc và đáng để nhớ nhất trong cuộc đời những người con làng Hòa Hội. Ông Sơn không nhớ nổi đã bao lần vào rừng hái lau bị sên, vắt cắn, bao lần bờ vai xây xước, bầm tím bởi vác lau, vắt cơm nắm chia nhau hôm mưa gió giữa đêm đại ngàn... Rồi dưới ánh trăng đêm, bên ngọn đèn dầu, bà con Hòa Hội lại ngồi cặm cụi kết từng cây lau. Đã có những lúc sản phẩm của làng nghề tưởng chừng không tìm được “đầu ra”, chổi chất đầy kho, ấy vậy mà người Hòa Hội vẫn chẳng nản, chẳng thể bỏ nghề.

Gắn với nghề từ những năm gian khó nhất, tạo dựng được “thương hiệu” chổi đót Hòa Hội đâu phải dễ dàng, nhanh chóng gì. Người Hòa Hội bảo nhau, dù sao thì ta vẫn làm nghề cho đỡ... nhớ và cũng để giữ lấy hình ảnh một làng nghề với những con người khéo tay nổi tiếng một vùng. Còn đỡ nhớ, không là chỉ đỡ nhớ nghề, mà còn để được sống trong cái không khí rộn ràng cùng lau sậy. “Thì cũng như tui đây - ông Sơn nói - bây giờ tui làm nghề không phải là cơm áo, gạo tiền như ngày trước nữa, mà là tui yêu nghề chổi đót quá rồi, ngày nào tay không chạm vào cây giang, cây lau tui thấy buồn lắm. Làng Hòa Hội lúc mô cũng rộn rã tiếng cười nói, kể cả những lúc chổi làm ra chưa bán hết, có khi cả tuần mỗi nhà chỉ bán được dăm, bảy chiếc chổi cũng không làm cho một ai nao núng, chán nản . Rứa mới biết nghề chổi đót không chỉ là chuyện cơm áo, học hành cho con trẻ, mà là niềm đam mê, niềm tin với nghề nhà báo à...".

Giúp mẹ phơi lau.
Giúp mẹ phơi lau.

Người mới đầu làm nghề, mỗi ngày chỉ làm được dăm, bảy chiếc chổi, với người quen tay, một ngày làm lên đến ba, bốn chục chiếc. Đầu tiên là chẻ nan, chọn thép (nan, thép dùng để buộc cán chổi), trước khi kết chổi phải chọn những cây lau đều, lau to kết chổi to, lau nhỏ kết chổi nhỏ, như vậy, chổi mới chắc được, còn kết cả cây lẫn nhau chổi không thể nào kết chặt được. Muốn chiếc chổi đẹp người thợ bao giờ cũng giũ bụi lau cho đến lúc thật hết bụi mới kết lại với nhau. Đót cũng vậy, phải chọn những thân đót đều, khoẻ. Có loại chổi đót thân được làm bằng chính thân cây đót, có loại thân bằng cán nhựa (bởi người tiêu dùng có người thích thân nhựa). Người thợ phải chọn những thân đót đều nhau, dùng dây nhựa, thép riết thật chặt, như vậy khi cầm mới chắc tay. Thông thường một chiếc chổi đót quét nhiều cũng dùng đến dăm, bảy tháng...

Ông Sơn còn nói thêm rằng, ở Hòa Hội có những người dân “say nghề” chổi đót lắm. Như nhà anh Tuất là ví dụ. Trên con đường trải dài rơm rạ, chúng tôi đến nhà anh Phạm Văn Tuất. Tuy không từng có những năm tháng ngược rừng theo cha đi tìm đót vào mùa cây lau nở, nhưng từ thuở nhỏ, anh đã biết phụ giúp cha mẹ làm chổi vào mỗi đêm. Rồi quen tay, quen việc, yêu và gắn bó với nghề làm chổi như một lẽ tự nhiên vậy - anh Tuất thổ lộ. “Nối nghiệp” làm chổi của cha mẹ, đến khi lấy vợ, sinh con, đã 25 năm nay anh Tuất hầu như không có ngày nào mà anh không làm chổi cả. Và cũng không tính nổi anh đã làm ra bao nhiêu cái chổi. Hiện tại, hai vợ chồng anh lấy nghề làm chổi làm nghề chính, trung bình mỗi ngày cả hai vợ chồng làm được 30-40 cái. Tính bình quân mỗi năm cũng có độ trên dưới 30 triệu đồng...

Nói giàu về nghề thì cũng không hẳn, nhưng ở Hòa Hội này, nghề chổi đã giúp nhiều nhà vươn lên khá, thoát khỏi nghèo, giúp con cái có tiền ăn học. Gia đình anh Trần Văn Phương, có hai con đang học Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhờ vào nguồn thu nhập từ nghề kết chổi của bố mẹ. Anh Phương cho biết: “Cái nghề chổi hay ở chỗ mưa, nắng cũng vẫn làm, vẫn kiếm được tiền. Chị thấy đó, ở Hòa Hội, nhà nhà làm chổi tập trung, bữa ni đang mùa gặt nên đi gặt hết chứ không thì đông vui lắm. Ban ngày làm chổi dưới tán cây, hiên nhà, ban đêm làm ở sân, làm tập trung vừa vui, vừa hiệu quả. Được cái người dân thương yêu, đùm bọc nhau, nhà này tìm được nơi tiêu thụ lập tức báo tin cho nhà khác, tình làng, nghĩa xóm vì thế mà keo sơn”. Và không chỉ gia đình anh Phương, hàng năm, ở làng Hòa Hội có 5-6 em thi đậu vào các trường đại học, chưa kể số em theo học ở các trường cao đẳng, trung cấp hay các trường dạy nghề nhờ nghề kết chổi của cha mẹ mà yên tâm học hành.

Ông Phạm Văn Hảo - Trưởng Làng nghề chổi đót Hòa Hội cho biết: Lâu nay, nhắc đến Hòa Hội là người ta nhắc đến chổi đót. Làng chổi đót Hòa Hội được hình thành từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Trải qua quá trình phát triển, từ chỗ người dân chỉ biết sản xuất chổi để tiêu dùng, đến nay đã chuyển sang sản xuất hàng hóa. Hiện cả làng có 98/113 hộ làm nghề, với 198 lao động chính và hơn 200 lao động phụ. Nhận thấy nghề làm chổi đót có nhiều thuận lợi, như mặt bằng sản xuất đơn giản, không phụ thuộc vào thời tiết và đặc biệt tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ, hiện nay, ở làng Hòa Hội hầu như nhà nào cũng có người làm chổi. Cùng với nghề trồng lúa, nghề làm chổi được xem là nghề cho thu nhập chính (chiếm 65%) của các gia đình. Đặc biệt, vào ngày 31/12/2007, UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định công nhận làng Hòa Hội là làng nghề chổi đót. Từ đó, người dân làng nghề ai nấy đều vui và phấn khởi, cố gắng trau chuốt tay nghề để làm ra những sản phẩm có chất lượng, được thị trường ưa chuộng và tin tưởng...”.

Hiện làng Hòa Hội được xem là làng khá giả nhất toàn xã, mỗi năm cả làng xuất được khoảng 500 nghìn cái chổi, thu lợi nhuận 3 tỷ đồng; bình quân thu nhập đầu người gần 30 triệu/người/năm.

Niềm vui thì nhiều như vậy, nhưng nỗi trăn trở thì cũng không ít. Đó là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho làng nghề ngày càng khan hiếm, cũng như nguồn cầu để xuất chổi ra thị trường ngày một khó khăn. Dẫu đã 7 năm được công nhận làng nghề, nhưng công tác tổ chức tập thể của làng nghề chổi đót Hòa Hội vẫn luôn rời rạc và không thống nhất, mạnh ai người ấy làm. Bấy lâu nay, nguồn nguyên liệu đót được các hộ dân đánh đường hơn 200 km lên tận huyện miền núi Kỳ Sơn, sát cửa khẩu Việt - Lào để thu mua; nhà nào nhanh chân thì mua được nhiều, còn nhà nào kém may mắn thì đành chờ đợi chuyến hàng sau. Đến khi sản phẩm chổi được xuất ra, cũng chính người dân tự đi tìm kiếm thị trường khắp trong và ngoài tỉnh, rất vất vả và mất nhiều thời gian.

“Điều mong mỏi của nhân dân, cũng như sự quyết tâm của chính quyền UBND xã Nghĩa Hội trong việc duy trì và phát triển làng nghề chổi đót Hòa Hội, đó là sớm thành lập một hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp làm việc chính quy, có hệ thống, được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, để người dân làm chổi nắm bắt được quy tắc hoạt động làng nghề, đồng thời yên tâm sản xuất mà không phải lo sợ thiếu thốn nguồn nguyên liệu hay tìm kiếm khách hàng...”, ông Đậu Khắc Long - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hội cho biết.

Bài, ảnh: Thu Hương

Mới nhất

x
Hòa Hội: Rộn rã những mùa lau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO