Họa sỹ Phương Bình
(Baonghean) - Đã có lần, tôi bất chợt gặp những câu thơ của bạn tôi, nhà thơ Bình Nguyên Trang: “Những người đàn bà trở về từ kiếp nào/ trong nhân gian/ trong vũ trụ/ trong ánh sáng của tình yêu/ và khổ hạnh/ Những người đàn bà nhảy múa/ trầm cảm/ cô đơn/ hoan lạc/ bời bời tâm trạng… Phương Bình vẽ/ Đôi bàn tay lạc tới thiên đàng…”. Tôi hỏi, có phải rằng, bạn đang nói về thế giới đàn bà trong tranh của người đàn bà tài hoa xứ Nghệ mang tên Phương Bình không? Bạn trả lời tôi: “Thì còn ai khác nữa!”
Họa sỹ Phương Bình |
Cái tên Ngô Phương Bình đã ám ảnh tôi khá lâu. Không chỉ bởi các nghệ sỹ xứ Nghệ trong những buổi gặp gỡ vẫn nhắc đến tên chị, mà còn bởi mấy năm nay chị trở thành hiện tượng của làng vẽ gắn với biệt danh: vẽ như lên đồng. Người ta kể rằng: Chị có thể vẽ quên thời gian, quên không gian. Có lúc hết cả giấy, đang “cơn” vẽ, chị còn múa bút trên cả tờ hóa đơn. Tranh của Phương Bình đã lên tới hàng ngàn bức. Người ta nhắc về chị, còn để nói về sự tài hoa và nỗi đa đoan. Còn tôi, tôi đã luôn hình dung trước mắt mình người đàn bà mê vẽ như một cách để sống, để đối phó với cuộc sống. Người đàn bà trĩu nặng trên đôi vai khát vọng và sự cô đơn và muốn để nó bay thoát chỉ còn cách ngồi trước giấy, trước toan với bút và màu…
Và tôi đã gặp chị, trong một buổi sáng mùa Xuân Hà thành, khi trời đất đã khô bớt những giọt sương sớm và không gian se lại dịu dàng. Tôi đến Chùa Láng, nơi chị đang hướng dẫn sinh viên thực hành bài tập vẽ. Chị đón tôi với một nụ cười như của người đã quen nhiều năm trước và giọng nói đậm đà chất Nghệ, gần gũi lạ lùng. Chị nói rằng mình cũng mới chính thức chuyển ra Hà Nội được vài năm nay. Tôi bị hút bởi vẻ đẹp đằm thắm, mặn mà và kiêu sa của chị. Thì ra, Ngô Phương Bình là em họ của hoa hậu Ngô Phương Lan. Sinh năm 1974, tại Diễn Hạnh (Diễn Châu), từ năm 12 tuổi Phương Bình đã học Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An, Khoa Hội họa. Là con gái của cố nhạc sỹ Tùng Vinh, ngay từ nhỏ chị đã được ba mẹ và mọi người động viên rất nhiều để tiếp xúc và đi theo con đường nghệ thuật. Chị được học vẽ, học múa, học đàn, cả thêu thùa may vá nữa, nhưng cuối cùng (và cũng rất sớm) chị đã chọn hội họa. Những gam màu quyến rũ chị, cảm giác được bày tỏ mình trên giấy, trên toan bằng những đường nét lôi cuốn chị. Nhắc đến nhạc sỹ Tùng Vinh, giọng chị thoáng chùng xuống: “Ba tôi rất tuyệt vời. Nhờ sự động viên của ba mà tôi vững bước trên con đường của mình”.
Tốt nghiệp Trường Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An, Phương Bình học tiếp Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Hà Nội. Năm 1999, chị trở về quê, trở thành một cô giáo dạy vẽ trong một trường phổ thông. Có thể Phương Bình sẽ có một cuộc sống êm đềm hơn, lặng lẽ hơn nếu chị vẫn là một cô giáo dạy phổ thông ở quê nhà. Nhưng rồi, có đôi khi “đường bằng không chọn, chọn nơi gập ghềnh”, mà cũng có thể những gập ghềnh ấy đã chờ sẵn cho những người tài hoa, Phương Bình chọn lối đi mạnh mẽ hơn, dấn thân hơn, theo đuổi đến cùng đam mê hội họa. (Cũng như cách chị vẽ, một người thân của chị đã nói với tôi: “Lạ lắm, khi Phương Bình vẽ chân dung ai đó, dường như chị toàn chọn người ta ở cái góc xù xì nhất”). Năm 2003, chị lại tiếp tục ra Hà Nội học Đại học Mỹ thuật Việt Nam và sau đó học cao học tại chính trường này.
Hiện tại Phương Bình là giảng viên môn Mỹ thuật tại Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Nguyễn Trãi. “Tôi rất yêu công việc của mình, yêu ngôi trường mà tôi đã chọn ở lại”, họa sỹ Phương Bình chia sẻ. Chị còn nói rằng, quê hương là mảnh đất tuyệt vời nhất, chỉ vì cuộc sống mà phải rời xa, con người phải chấp nhận không thể “được” rất nhiều, mà cần phải trả giá cho thành công, cho khát vọng, nhưng thật may mắn vì chị đã đến và cũng vô cùng yêu Hà Nội. Trong nhiều bức tranh, vùng biển Cửa Hội, Diễn Châu thấp thoáng như một miền ký ức đẹp của Phương Bình. “Tôi quan niệm khi vẽ gì đó thì người họa sỹ phải thực sự lăn lộn với nó”, Phương Bình nói, “Quê tôi gần biển Cửa Hội, biển Diễn Châu, nhiều lần tôi đã đến Cửa Lò, vậy nên có một đợt tôi hay vẽ biển, vẽ những con thuyền”. Nhưng khi đến với mảnh đất Thủ đô, chị cũng tìm được nhiều cảm xúc để vẽ. Chị yêu Hà Nội, yêu những con phố ở đây, yêu những đêm mùa Thu nồng nàn hương sữa, yêu căn phòng nhỏ của mình, nơi sau mỗi giờ dạy học chị trở về và im lặng ngồi xuống bên giá vẽ.
Tác phẩm “Em và sen”. |
Rồi Phương Bình mời tôi đến phòng chị. Đó là một căn hộ nhỏ nhắn nằm trên tầng hai của một khu tập thể cũ. Người họa sỹ cười, nói rằng chị bị “dị ứng” với cầu thang máy. Có lẽ, sau những giờ dạy học, sau những cuộc lang thang với bạn bè trên khắp các đường phố Hà Nội, chị thích được trở về căn phòng ấm áp này, thích được đi bộ trên các cầu thang cũ kỹ của khu tập thể, chạm tay vào chiếc lan can đã bạc màu cùng năm tháng, chào và mỉm cười thân tình với người trông xe thân thuộc… Có lẽ, sau những giờ phút sống cho riêng mình, hạnh phúc của Phương Bình là được trò chuyện với con trai – người bạn thân nhất của chị, người duy nhất đã cùng chị trải qua mọi sóng gió, là niềm tin, niềm hy vọng của Phương Bình. Cậu bé nay đã lớn, sắp tốt nghiệp đại học, nhưng tỏ ra quấn quýt mẹ lạ lùng. Ngoài nghệ thuật, chính cậu là chỗ dựa tinh thần cho mẹ. Phương Bình vin vào đó để vững vàng sống, tin tưởng vươn lên, dẫu cuộc sống đôi khi phức tạp khôn lường…
Trong các bức vẽ của mình, chị đã kể lại tất cả những câu chuyện đó, những niềm vui, nỗi buồn, sự cô đơn và tình yêu cuộc đời. Nhưng khác với mọi người, họa sỹ Phương Bình có cách kể chuyện riêng. Chị kể chuyện, bằng cơ thể người phụ nữ. Như duyên nợ, Phương Bình cứ đặt bút xuống là vẽ tranh nude. Ban đầu là tranh sơn dầu, sơn mài, lụa, nhưng rồi khi bắt đầu với giấy dó, chị biết rằng mình không thể dừng lại được nữa. Tranh giấy dó hạn chế sự đa dạng của các sắc độ, các đường nét, nó đòi hỏi mọi thứ phải cô đọng. Nhưng sự hạn chế ấy cũng chính là ưu điểm của giấy dó, nếu người họa sỹ có tài. Một dịp tình cờ, Phương Bình thử mình với chất liệu giấy dó và chị mê luôn, cứ như thể chị sinh ra là để gắn bó với nó. Và nữa, đã học mỹ thuật đều được học vẽ nude, nhưng đề tài này vận vào chị như một cơ duyên, như không thể khác. Phương Bình nói một cách giản dị về điều này: “Tôi cũng chẳng hiểu vì sao”.
Tác phẩm “Những người đàn bà nhảy múa”. |
Những người đàn bà khỏa thân đang nhảy múa như trong một khúc hoan ca, những phụ nữ nghiêng mình bên sen hay ngồi ôm tóc… Đủ các kiểu dáng, các tư thế… Nhiều lúc chẳng biết họ đang làm gì nữa, cũng chẳng nhìn rõ gương mặt họ, chỉ thấy hiển hiện lên trên giấy một nỗi buồn, một niềm cô độc hoặc một nỗi hân hoan. Người đàn bà trong tranh Phương Bình như nhòa đi. Chỉ còn lại cơn mưa của cuộc đời họ, luôn hiện tồn ở đó, lúc ấm áp khi lạnh lẽo, lúc yếu đuối khi mạnh mẽ, nhưng bao giờ cũng đẹp và du dương. “Tôi vẽ nude như vẽ chính mình”, người họa sỹ nói. Lời tâm sự ấy của chị khiến tôi giật mình.
Suy cho cùng, nghệ thuật là một sự bày tỏ. Có lẽ bởi vậy chăng mà Phương Bình muốn khỏa thân cho những xúc cảm của chị? Người đàn bà trong Phương Bình đang hát. Chị đã rót tiếng hát ấy vào tranh, rót những niềm vui, nỗi buồn, những cay đắng nhọc nhằn, những lo lắng băn khoăn, những hạnh phúc và hứng khởi… Tranh nude của Phương Bình vì vậy mà không hề trần tục, chúng ngập tràn cảm xúc, chúng sang trọng lộng lẫy, chúng ấm áp gần gũi.
Phương Bình có thể vẽ bất cứ lúc nào. Thậm chí nhiều khi đang ngồi với bạn bè, chị có cảm giác những ngón tay của mình như bị bỏ quên, và điều đó thúc giục chị mau trở về căn phòng nhỏ để vẽ. Không nệ vào ý tưởng, hay nói cách khác, ý tưởng là những thứ ập đến bất ngờ cùng với từng nét vẽ, cứ thế những người đàn bà trở về nhảy múa trong tranh của Phương Bình. Xem tranh của chị, thấy nhà thơ Bình Nguyên Trang đã “vẽ” rất đúng về thế giới đàn bà dưới đôi bàn tay tài hoa của Phương Bình trong bài thơ “Những người đàn bà trở về”. Và cũng chính nữ nhà thơ này đã nói: Phương Bình có tri kỷ chính là những người đàn bà trong tranh, và với Phương Bình thì không có bất cứ một giới hạn nào của nghệ thuật.
Phương Bình bảo người đàn bà thật đẹp. Có thể thấy rõ điều ấy trong tranh của chị. Mái tóc dài, vết loang của mực Tàu trên giấy dó khiến mái tóc như nhòa nhạt đi. Những nét cong gợi cảm, những tư thế như đang múa, đang hát ca… Đôi khi là một người phụ nữ uốn éo bên cạnh sen, như cùng phô sắc. Mềm mại, ngọt ngào, kiêu hãnh – đó là người đàn bà của Phương Bình.
Tôi may mắn được xem chị vẽ. Chỉ trong vài phút, một bức tranh được hoàn thiện trên giấy dó, với những nét vẽ tài hoa. Trong lúc thả bút, Phương Bình hoàn toàn mê đắm. Người ta bảo chị khi vẽ như “bị nhập”, như “ma mị” nhưng tôi không thích dùng những từ ấy để diễn tả. Tôi chỉ biết rằng trước mặt tôi lúc bấy giờ là một người đàn bà đang mê đắm. Những giọt nước lăn xòa xuống, và người đàn bà ấy hân hoan đắm chìm trong cơn mưa của cuộc đời mình.
Có người nói khi vẽ tranh khỏa thân, Phương Bình như thoát xác, để từ một con mắt khác vẽ về chính người đàn bà trong mình. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Ngược lại, tôi nghĩ khi vẽ tranh khỏa thân là khi Phương Bình trở về với chính bản thể của mình. Đấy là lúc chị đàn bà nhất, đớn đau nhất, hạnh phúc, cô độc và hoang sơ nhất. Chị tự nhìn ngắm mình, tự soi chiếu mình, tự vấn và tự trả lời cho câu hỏi của cuộc đời mình. Tôi nghĩ lúc ấy chị là mình hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ lúc ấy chị trọn vẹn là người đàn bà đang trở về với chính mình.
Chia tay họa sỹ Phương Bình, tôi đã nhìn thật lâu đôi bàn tay của chị. Đôi bàn tay của người đàn bà lo toan, đôi bàn tay của người đàn bà trụ cột, đôi bàn tay vẽ lên khát vọng, đôi bàn tay vẽ cả sự cô đơn…Và có phải không, “đôi bàn tay lạc tới thiên đàng” ấy đã nói với tôi về chính bản thân mình?