Họa và phúc

24/06/2011 14:48

Trong tuần này, sự kiện nổi bật nhất, thu hút mọi cái đầu, con tim của người dân Việt vẫn là sự kiện Biển Đông.

Họa và phúc

Ngày 17/6/2011, Tuần Việt Nam có bài viết "Họa đấy mà phúc đấy". Bài viết ngắn gọn chưa đầy 600 chữ, nhưng chứa đựng bản chất vấn đề mà cả dân tộc Việt những ngày này đang chất chứa trong lòng- những hỉ nộ ái ố đến đau đớn, trước vận mệnh chủ quyềnquốc gia bị đe dọa.

Họa là dai dẳng.

Nhưng phúc là sâu xa, vĩnh viễn.

Họa là dã tâm xâm chiếm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc - hiển nhiên, ngang ngược, đầy thách thức.

Phúc là lòng yêu nước, ý chí bảo vệ bờ cõi của hàng triệu triệu con dân Việt Nam.

Họ là ai?

Họ là "Những cuộc đời Trường Sa", là hơn 70 chiến sĩ công binh Việt Nam, đã hy sinh, mất tích trên bãi đá Gạc Ma năm 1988, trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Họ hy sinh, nhưng hình ảnh họ mãi tạc vào sóng nước, tạc trong tâm thức của Tổ quốc và nhân dân.

Là thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, "con sói biển khơi", đã 3 đời, từ đời ông đến đời cha của Mai Phụng Lưu đều gắn bó với biển, với Hoàng Sa- Trường Sa. Ba lần tàu cá của anh bị phía Trung Quốc bắt, cả 3 lần anh lại tiếp tục đóng thuyền, ngư cụ để trở về với biển. Biển Đông mới chính là ngôi nhà bình yên của tâm hồn anh, cho dù anh luôn gặp"sóng dữ".

Là Lê Văn Chiến, thuyền trưởng tàu đánh cá ĐNa-90351, 47 tuổi nhưng đã có 35 năm đi biển. Một nhân vật nổi tiếng với nhiều chiến công bảo vệ chủ quyền biển đảo, được coi là "cột mốc sống" Biển Đông. Đồng đội của anh ra khơi, nhìn vào "cột mốc" tinh thần Lê Văn Chiến, để sinh tử với nghề, cũng là sinh tử vì Tổ quốc.

Họ còn là cô giáo Trang, 23 năm sau khi chiến sĩ Võ Đình Tuấn- người yêu của chị hy sinh trên bãi đá Gạc Ma năm nào, chị chỉ có ý nguyện được ra Trường Sa, để xem "con sóng nào đã cuốn anh đi". Câu nói nhẹ nhàng, còn nỗi đau buốt tim...

Họ còn là hàng nghìn ngư dân Khánh Hòa, vẫn ngày đêm bám biển, khai thác ngư trường đảo Nam Yết (Trường Sa). Họ đánh bắt cá, cũng chính là bảo vệ chủ quyền hải đảo.

Họ là một tộc họ Đặng (Lý Sơn-Quảng Ngãi), đã thắp hương khấn tổ tiên trước khi tình nguyện hiến tặng Tờ lệnh quý về Hoàng Sa, xuất phát từ năm Minh Mạng thứ 15, sau 6 đời nối tiếp nhau cất giữ, đóng góp vào bộ dữ liệu xác lập chủ quyền biển đảo quốc gia. Bằng hành động trân quý, vô tình dòng họ Đặng gửi tới xã hội thông điệp- tài sản của một dòng họ chỉ có thể được bảo toàn khi tài sản lớn nhất- chủ quyền quốc gia được bảo vệ.

Họ còn là TS Nguyễn Nhã, đã dành cả đời mình để nghiên cứu biển đảo, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.Tên ông từ lâu đã gắn với nghiệp nghiên cứu đến mức người ta gọi ông là nhà "Hoàng Sa- Trường Sa học".

Và họ là những ai?



Đó còn là những tờ báo điện tử, báo giấy với hàng trăm bài viết bày tỏ thái độ, ý chí quyết liệt trước chủ quyền Tổ quốc bị khiêu khích, bị đe dọa.

Yêu nước không phải là quyền của riêng ai.

"Họ" có thể còn là những em bé mới học lớp 1, lớp 3, lớp 6 ... đã theo cha mẹ đóng góp tiền bỏ lợn cho chương trình "Góp đá xây dựng Trường Sa".

"Họ" có thể là những người thầy miệt mài trong bài thơ "Vẽ bản đồ Việt Nam" mà thuở ấu thơ, không ít người Việt đã thuộc nằm lòng. Nét vẽ của thầy về chữ S, về Biển Đông, và lòng yêu nước của con dân Việt được bắt đầu từ những nét vẽ này đây:

"Hôm qua tập vẽ bản đồ/ Thầy em lên bảng kẻ ô rõ ràng/ Ranh giới vẽ phấn vàng dễ kiếm/ Từ Nam Quan cho đến Cà Mau/ Từng nơi, thầy thuộc làu làu/Đây sen Đồng Tháp, đây cầu Hiền Lương/ Biển Đông Hải, trùng dương xanh thẫm...Rồi với giọng trầm hùng, thầy giảng:

...Tổ tiên từng chịu đắng cay/ Mới lưu truyền lại, đêm ngày cho ta/ Là con cháu muôn nhà gìn giữ/ Đùm bọc nhau, sinh tử cùng nhau...."

"Đùm bọc nhau, sinh tử cùng nhau". Câu thơ của bậc tiền nhân như dặn dò như tiên đoán, vì từng trải nghiệm cả những thăng trầm khổ đau, những bi thảm của lịch sử dân tộc trong quá khứ bị xâm lược, đâu phải lúc nào cũng chỉ thăng hoa.

Sự "sinh tử cùng nhau" - những ngày này, thấm đẫm trong"Lòng yêu nước" đăng trên Tuần Việt Nam, 11/6/2011. Yêu nước không chỉ là tình cảm thiêng liêng. Nó còn là trách nhiệm của cả người lãnh đạo trước nhân dân mình.

Trả lời phỏng vấn của VietNamNet, TS Hồ Trọng Ngũ (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh QH) có một phát ngôn ấn tượng: "Cần công khai rất nhiều vấn đề để nhân dân hiểu tình hình. Kinh nghiệm cho thấy, triều đại nào tập trung và thống nhất được lòng dân thì đều hùng mạnh và chiến thắng được ngoại bang".

Tập trung và thống nhất được lòng dân là bài học xương máu. Nhưng phải có "công khai, công luận và công pháp". Công thức 3C này chính là giải pháp hữu hiệu nhất, trong lúc "biển sôi, đất bỏng" để dẫn dắt lòng dân về cùng một chí hướng.

Biết tập trung và thống nhất được lòng dân, họa lớn sẽ thành phúc lớn.

Khi đó, lòng dân không chỉ là nước, mà sẽ là sóng thần nơi Biển Đông!
Kỳ Duyên/Vietnamnet.vn


Kỳ Duyên/Vietnamnet

Mới nhất
x
Họa và phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO