Hoài niệm về những chiếc đèn trung thu “tự chế”…

09/09/2011 17:56

(Baonghean) - Cứ mỗi mùa trung thu, nhìn lũ trẻ rạng rỡ với những chiếc đèn lồng đủ kiểu dáng, màu sắc phát ra tiếng nhạc vui tai, lòng tôi lại quay quắt nhớ về những mùa trăng tuổi thơ với những chiếc đèn ông sao ” tự chế” …

Hồi ấy nhà tôi còn khó khăn lắm, bố tôi là bộ đội đóng quân ở tận bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) còn mẹ là văn thư cơ quan Tỉnh ủy nhiệm vụ chính là đánh máy chữ. Gia đình nội ngoại ở quê đều nghèo, quanh năm lam lũ ruộng vườn lại đông con nên chẳng đỡ đần được gì. Mẹ tôi một nách 3 con lại còn phải chăm sóc mẹ chồng và bao bọc cho đàn em ruột lít nhít 9 đứa.

Thương mẹ, nên mặc dù luôn thèm thuồng khi nhìn những chiếc đèn ông sao có cán cầm sơn đỏ, dán giấy bóng kính nhiều màu lấp lánh trên tay lũ trẻ hàng xóm trong đêm rằm Trung thu, nhưng 3 anh em tôi thường bảo nhau tự làm lấy đèn để rước cho đỡ tủi thân. Trước rằm Trung Thu hai tuần, chúng tôi đã lục cục chuẩn bị hồ dán, chẻ tre nứa để làm khung, sau đó cắt giấy dán lên (thường là giấy báo hoặc bao xi măng, “sang" hơn một chút có giấy cắt ra từ bao bì đựng công văn, thư từ sau đó tô màu sáp vào vì thời ấy giấy màu đang rất hiếm và khá đắt). Anh trai tôi rất khéo tay nên chỉ sau 2-3 ngày là có thể hoàn tất những chiếc đèn trung thu tự chế của mình.

Chúng tôi làm bằng tất cả niềm say mê và háo hức. Kết quả là trong đêm Rằm Trung thu cậu út có cái đèn xinh xinh cầm vừa tay, tôi là con gái nên đèn có thêm hai cái tua bằng giấy điệu đà, viền khung cũng dán tua, còn đèn ông sao của anh trai tôi bao giờ cũng lớn nhất xóm, phải làm cả tuần mới xong. Ngoài những chiếc đèn trung thu, chúng tôi còn để dành hạt bưởi phơi khô xâu lại thành chuỗi đốt cho phát sáng và nổ lép bép trong những lúc rước đèn, phá cỗ. Anh trai tôi còn bày trò tự vẽ và cắt cho mình và cậu út những chiếc mặt nạ hình chú tễu đang cười ngoác miệng. Riêng tôi được làm thêm một chiếc vương miệng bằng bìa cacton cứng đội trên đầu...

Có nhiều đứa trẻ nhà nghèo trong khu gia binh của chúng tôi (khu giành riêng cho gia đình bộ đội) cũng tự làm đèn ông sao nhưng thường bị vênh và méo, còn đèn của chúng tôi bao giờ cũng đẹp và độc đáo nhất, bởi thế hồi ấy tôi lúc nào cũng phổng mũi lên vì tự hào. Đêm Rằm, anh trai tôi thường công kênh cậu út lên vai ra dáng người lớn, lũn cũn bên cạnh là tôi cầm chiếc đèn ống sao tự chế có gắn một ngọn nến bé xíu ở giữa hòa vào lũ trẻ cùng tiếng trống “tùng ring...” nhộn nhịp làng trên, xóm dưới sau đó quay về phá cỗ ở hội quán xóm. Dẫu chỉ có mấy quả hồng ngâm, bưởi, na, táo, ổi trong vườn, bỏng ngô, lạc rang do các bác trong chi hội phụ nữ và các anh chị đoàn thanh niên chuẩn bị và những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn nhưng vui thật là vui. Sau phá cỗ, từng nhóm bắt đầu túa ra rủ nhau chơi giao chiến, trốn tìm, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây…

Giờ đây, khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao thì những thú vui dân dã cũng dần mất đi. Cũng như mọi người, đến Rằm Trung thu tôi thường mua cho con, cho cháu đầy đủ mâm ngũ quả, bánh nướng, bánh dẻo và những chiếc đèn ngộ nghĩnh lắp bằng pin có khả năng hiển thị hình ảnh nhờ hiệu ứng chuyển động không ngừng, với màu sắc, hình ảnh lung linh. Tuy thế, tôi vẫn thấy “ nhàn nhạt, thiếu thiếu” và cay cay sống mũi khi nhớ về những chiếc đèn ông sao tự chế lấp lánh ánh nến, tiếng trống thùng thình vui tai trong ký ức tuổi thơ… Có những thứ, con người ta dẫu thiếu cũng không thể mua, dẫu ước mơ cũng không thể trở về…


Khánh Ly

Mới nhất

x
Hoài niệm về những chiếc đèn trung thu “tự chế”…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO