Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán
(Baonghean.vn) - Đây là một trong những mục tiêu trọng tâm tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Sáng 5/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII của Đảng.
Hội nghị nghe đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Trưởng Ban Nội chính Trung ương truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới". Ảnh: Thành Duy |
Tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Hà Nội, dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Kim Ngân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và các đồng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Đảng ủy trực thuộc Trung ương.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An, dự hội nghị, có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh…
Trong sáng 5/12, Hội nghị được nghe đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương truyền đạt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Theo đó, Nghị quyết số 27 nêu lên 5 quan điểm; đồng thời có mục tiêu tổng quát: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy Nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Nghị quyết có 5 mục tiêu cụ thể đến năm 2030; trong đó trọng tâm là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật.
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và tuân theo pháp luật.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Nghị quyết số 27 đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp; Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Các đồng chí đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư hướng dẫn, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về Nghị quyết; chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quá trình thực hiện Nghị quyết.
Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.