Hoàng Mai - khí thế mới sau lũ

28/10/2013 15:50

(Baonghean) - Để đẩy nhanh hoạt động của các làng nghề chế biến hải sản sau mưa lũ, người dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, khẩn trương sản xuất chế biến, sửa chữa tàu thuyền, tiếp tục ra khơi đánh bắt hải sản.

Sau gần 1 tháng lũ dữ đi qua, chúng tôi trở lại Làng nghề chế biến nước mắm Phú Lợi (phường Quỳnh Dị, Thị xã Hoàng Mai). Không còn cảnh tiêu điều, tan hoang, đời sống người dân đã bắt đầu ổn định trở lại. Ghé thăm gia đình chị Trần Thị Đông ở khối Phú Lợi 2, nhà chị Đông có 7 tấn chượp nhưng chỉ cứu được hơn 2 tấn. Do mới ngâm trong nước khoảng 10 tiếng, nên số chượp còn lại của gia đình vẫn có thể cứu vãn được. Chị múc hết nước trong chum ra, sau đó rang thính rồi trộn đều để giúp chượp tăng mùi vị và tránh bị thối. Chị Đông cho biết: Rất may, trong những ngày qua, thời tiết có nắng nên gia đình phơi được số chượp bị ngâm trong lũ. Mỗi ngày, tôi và các cháu trong nhà phải thay phiên nhau đánh đều để giúp chượp không bị hư hỏng.

Chị Trần Thị Đông tranh thủ trời nắng để đánh chượp.
Chị Trần Thị Đông tranh thủ trời nắng để đánh chượp.

Gia đình anh Trần Văn Hòa ở khối Phú Lợi 2- một trong những hộ chịu thiệt hại nặng nề trong cơn lũ vừa qua. Nhà anh Hòa có 10 tấn chượp muối hơn 8 tháng nhưng nay đã bị nước lũ cuốn trôi sạch, nước lũ còn làm sụt chân móng, nghiêng công trình vệ sinh, gây tổn thất của gia đình anh gần 100 triệu đồng. Để khôi phục sản xuất, anh Hòa vay vốn của anh em, bạn bè để xây bể, mua chum ướp cá. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của gia đình anh lúc này là thiếu vốn vì đợt trước, anh vay vốn ngân hàng nhưng chưa trả được nợ thì đã mất hết. Anh Hòa cho biết: Cả gia đình tôi sống bằng nghề sản xuất nước mắm nên dù khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng khôi phục lại. Nhưng hiện nay, chúng tôi đang thiếu vốn nên chưa thể làm ngay được.

Nước lũ đổ về đã gây thiệt hại nặng đối với Làng nghề chế biến nước mắm Phú Lợi. Ông Nguyễn Đức Xân, Hội trưởng Làng nghề chế biến nước mắm Phú Lợi cho biết: Quỳnh Dị là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề trong cơn lũ vừa qua. Riêng đối với chế biến hải sản, nước lũ đã làm hư hỏng hơn 80 tấn chượp, 20.000 lít nước mắm cốt, 10 tấn ruốc và 500 thùng cá trỏng cơm thành phẩm. Bên cạnh đó, hàng trăm tấn muối của người dân mua về dự trữ trong nhà cũng bị nước cuốn trôi hết. Thiệt hại ước tính 20 tỷ đồng. Hơn 340 hộ trong Làng nghề chế biến nước mắm Phú Lợi bị ảnh hưởng, trong đó 40 hộ bị thiệt hại nặng.

Mỗi năm, Làng nghề chế biến nước mắm Phú Lợi cung cấp cho thị trường khoảng 2 triệu lít nước mắm. Những tháng gần Tết là thời điểm thuận lợi cho các hộ làm nghề, bởi sản phẩm tiêu thụ mạnh, khách mua hàng nhiều. Sau 1 năm ướp thì từ tháng 10 âm lịch, các hộ bắt đầu bán nước mắm. Tuy nhiên, sau cơn lũ lịch sử vừa qua, nhiều gia đình đã rơi vào cảnh trắng tay. Ông Xân cho biết thêm: Hơn 1 tuần trở lại đây, gió mùa đông bắc về, tàu thuyền trong phường không thể ra khơi nên những gia đình sản xuất nước mắm không có nguyên liệu. Vì thế, nhiều hộ đang tiến hành xây bể, tu sửa kho bãi để khi có nguyên liệu sẽ sản xuất ngay.

So với các xã, phường khác thì Quỳnh Phương bị thiệt hại ít hơn, tuy nhiên, về phương tiện khai thác lại bị thiệt hại nặng nhất. Toàn phường có 17 chiếc tàu bị chìm và hư hỏng do va đập. Ngay sau khi nước rút, các chủ tàu đã tiến hành thuê phương tiện về trục vớt tàu đưa lên bờ sửa chữa. Anh Nguyên Văn Hùng, có tàu vừa bị hư hỏng trong đợt mưa lũ vừa qua, cho biết: Khi nghe thông báo có bão, tôi đã cho tàu về neo đậu trong bến, chằng néo cẩn thận. Nhưng nước lũ đổ về mạnh, chảy xiết nên các tàu va đập với nhau khiến tàu của gia đình bị hư hỏng nhiều. Chúng tôi đã đưa tàu lên bờ và tiến hành sửa chữa, ước tính hết hơn 30 triệu đồng. Khoảng 2 ngày nữa, tàu của tôi tiếp tục ra khơi đánh cá.

Hiện, trên toàn xã có 24 cơ sở cấp đông, trung bình mỗi cơ sở khoảng 100 tấn. Tuy nhiên, do có sự chủ động nên trong thời gian mưa lũ, nguồn điện lưới bị ngắt, các cơ sở này đã thuê máy nổ để đảm bảo hoạt động ổn định. Ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương cho biết thêm, đối với phường Quỳnh Phương, nghề khai thác được xem là nghề chính, tỷ trọng chiếm xấp xỉ 50% giá trị sản xuất của toàn phường. Hiện, toàn phường có khoảng 3.500 lao động thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào biển, đối với những lao động trực tiếp, thu nhập bình quân 50 - 60 triệu đồng/năm. Sản lượng khai thác của toàn phường 10 tháng ước đạt khoảng 9 ngàn tấn, trong đó có nhiều loại cá giá trị cao.

Do không nằm trong danh sách được hỗ trợ theo Quyết định của UBND tỉnh nên công tác khôi phục sau lũ được các hộ gia đình chế biến hải sản chủ động. Ông Văn Huy Thắng, Phó chủ tịch UBND phường Quỳnh Dị cho biết: Xã đã tổng hợp thiệt hại của người dân, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu rằng, Nhà nước không có chính sách hỗ trợ. Vì thế, người dân cần chủ động sửa chữa nhà kho, đồ dùng, dụng cụ để khôi phục sản xuất. Mới đây, Ngân hàng CSXH đã về địa phương tổng hợp những gia đình trong diện hộ nghèo, cận nghèo vay vốn của ngân hàng sản xuất để khoanh nợ, giãn nợ và không chịu lãi suất trong thời gian trên. Phường Quỳnh Dị có 76 hộ trong diện này. Với tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, ngư dân Thị xã Hoàng Mai đang củng cố cơ sở vật chất, khẩn trương sản xuất để ổn định đời sống.

Bài, ảnh: Phạm Bằng

Mới nhất
x
Hoàng Mai - khí thế mới sau lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO