Hoạt động nhà thuốc bệnh viện và những vấn đề cần chấn chỉnh
Hoạt động của các nhà thuốc bệnh viện vẫn đang còn nhiều tồn tại, hạn chế... cần được chấn chỉnh kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Lâu nay, ở Nghệ An, vẫn tồn tại nhiều câu chuyện nhỏ, to liên quan đến nhà thuốc bệnh viện, bao gồm việc: Bác sĩ kê đơn chỉ thẳng ra nhà thuốc (với địa chỉ cụ thể) để mua thuốc; bệnh viện không có vật tư y tế, thuốc chữa bệnh thuộc danh mục bảo hiểm y tế thanh toán nhưng nhà thuốc bệnh viện lại có và để được điều trị thì bệnh nhân lại phải bỏ tiền túi để mua; thuốc chữa bệnh, vật tư y tế ở nhà thuốc bệnh viện có giá cao hơn quầy thuốc ở ngoài khuôn viên bệnh viện; một số quầy thuốc bệnh viện không chấp nhận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, chỉ thanh toán bằng tiền mặt làm nảy sinh dịch vụ đổi tiền khiến bệnh nhân đã khốn càng thêm khó...
“Tôi đi điều trị, khi thực hiện tiểu phẫu thì gia đình được bác sĩ yêu cầu ra nhà thuốc bệnh viện mua từng cái nhỏ nhất từ băng gạc cho đến chỉ y tế, dịch truyền. Tôi hỏi thì bác sĩ bảo do bệnh viện thiếu. Thế nhưng, ở nhà thuốc bệnh viện lại không thiếu gì cả. Điều đáng nói là giá thuốc, vật tư ở nhà thuốc bệnh viện lại cao hơn bên ngoài. Rất là bất cập... Mới rồi, tôi nghe được cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ một số nhà thuốc bệnh viện. Tôi rất hoan nghênh và đề nghị các cơ quan chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện sai lệch như hiện nay”.
Bà N.T.L (69 tuổi, ở thành phố Vinh)
Theo nguồn tin của Báo Nghệ An, hiện nay, các cơ quan chức năng đang tập trung làm rõ một số vấn đề của nhà thuốc bệnh viện như “bán chui” những loại thuốc, vật tư y tế không qua sự phê duyệt của bệnh viện; bán thuốc, vật tư y tế nhưng không ghi vào sổ sách; việc phân chia “hoa hồng” giữa đơn vị cung cấp, nhà thuốc và bác sĩ kê đơn...
Theo Sở Y tế Nghệ An, hiện nay, các nhà thuốc bệnh viện đang có 2 tồn tại, hạn chế. Thứ nhất, các đơn vị chưa kịp tổ chức đấu thầu mua sắm đối với các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên bệnh viện theo quy định tại Thông tư 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 của Bộ Y tế (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/5/2024). Thứ hai, qua các đợt thanh, kiểm tra cho thấy hầu hết các nhà thuốc bệnh viện nghiêm túc chấp hành các quy định về quản lý giá thuốc và quy chế chuyên môn. Tuy nhiên, có một số mặt hàng thuốc bán tại nhà thuốc bệnh viện có cao hơn so với một số cơ sở bán lẻ thuốc khác mặc dù không vi phạm quy định về quản lý giá thuốc.
Tăng cường công tác quản lý
Cũng theo Sở Y tế Nghệ An, nguyên nhân của những tồn tại nói trên là do việc quy định thuốc kinh doanh tại nhà thuốc phải thông qua đấu thầu là quy định mới. Các cơ sở y tế còn nhiều bỡ ngỡ trong quá trình tổ chức đấu thầu thuốc cho nhà thuốc bệnh viện. Với hệ thống nhân lực dược hiện tại khá mỏng, khối lượng công tác dược, đấu thầu thuốc sử dụng nội viện khá lớn. Nhiều đơn vị chưa thể tổ chức đấu thầu mua sắm tại đơn vị.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh về giá của nhà thuốc bệnh viện hạn chế so với một số nhà thuốc khác trên địa bàn, đặc biệt là các chuỗi nhà thuốc lớn... Do lợi thế về lượng mua lớn nên các chuỗi nhà thuốc lớn thường mua được giá thấp hơn so với nhà thuốc bệnh viện nên giá bán ra cũng cạnh tranh hơn.
Để đảm bảo các nhà thuốc bệnh viện được hoạt động lành mạnh, ngày 21/6/2024, Sở Y tế có Công văn số 1967/SYT-NVD về việc tăng cường quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế công lập gửi các các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế công lập tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế công lập. Đối với thuốc trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, cơ sở y tế công lập có thể thực hiện mua sắm theo cách gộp số lượng thuốc cần mua để bán lẻ vào số lượng thuốc cần mua sắm, đấu thầu của cơ sở y tế. Hoặc cơ sở y tế có thể tách riêng số lượng thuốc cần mua để bán lẻ thành một hoặc một số gói thầu và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Tuy nhiên, giá trúng thầu đối với thuốc mua để bán lẻ không được cao hơn giá trúng thầu của thuốc có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, cùng tên thương mại với thuốc đã trúng thầu và cung ứng tại cơ sở y tế đó (bao gồm thuốc mua sắm tập trung và đàm phán giá).
Đối với thuốc không thuộc danh mục thuốc, phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Các cơ sở y tế công lập, các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế công lập phải chấp hành nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc; giá bán ra theo đúng quy định mức thặng số bán lẻ thuốc tại Điều 136 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược; thực hiện niêm yết giá đầy đủ, đúng quy định, giá bán không cao hơn giá đã niêm yết; giám sát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, chất lượng và điều kiện lưu hành, đảm bảo tất cả các mặt hàng thuốc kinh doanh tại nhà thuốc trong bệnh viện có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn dùng, đảm bảo chất lượng và được cấp phép lưu hành theo quy định.
Dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tích cực chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương tổ chức đấu thầu đối với các loại thuốc kinh doanh tại nhà thuốc bệnh viện; chỉ đạo các nhà thuốc bệnh viện thực hiện nghiêm túc các quy định đối với cơ sở bán lẻ thuốc; thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh; đảm bảo tất cả các loại thuốc bán tại nhà thuốc bệnh viện phải được niêm yết, công khai giá, tuân thủ quy định về thặng số giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện; xử lý, chấn chỉnh kịp thời các đơn vị có vi phạm.
Lành mạnh hoạt động của nhà thuốc bệnh viện, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Sở Y tế cũng sẽ đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kiểm soát kê đơn thuốc điện tử bảo đảm việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả và từng bước quản lý việc kê đơn và bán thuốc theo đơn; kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc, đảm bảo tất cả các cơ sở bán lẻ thuốc phải kết nối liên thông dữ liệu lên Hệ thống cơ sơ dữ liệu dược quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân trong việc tra cứu giá thuốc được công bố trên website của Bộ Y tế...
Đặc biệt, chỉ đạo các cơ sở y tế quán triệt tới các cán bộ y tế tuyệt đối không yêu cầu bệnh nhân phải mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện; khuyến khích các bệnh viện xem xét, nghiên cứu tìm giải pháp giảm giá bán tại các nhà thuốc bệnh viện./.