Hoạt động tín dụng nội bộ hợp tác xã có nguy cơ vỡ nếu không quản lý chặt chẽ
(Baonghean.vn) - Đó là vấn đề được nêu ra tại phiên thảo luận tại Tổ 7 diễn ra vào chiều 18/7, trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII.
Tổ thảo luận số 7 gồm đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử: Diễn Châu (7 đại biểu) và Quỳnh Lưu (7 đại biểu). Đại biểu Lê Đức Cường - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh chủ trì buổi thảo luận.
Dự thảo luận tại Tổ 7 có đại biểu Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao, Tòa án Nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Cục Thống kê, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Đại biểu Lê Đức Cường - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh chủ trì buổi thảo luận Tổ 7. Ảnh: Phương Thúy. |
Tại tổ 7, đại biểu Tô Văn Thu -Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu đánh giá cao kết quả tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, tuy nhiên đại biểu vẫn còn nhiều băn khoăn. Cụ thể như tình trạng nợ đọng thuế, vốn dư tăng 258 tỷ so với năm 2017 và cao hơn thu ngân sách một năm của một huyện. Với số liệu này đại biểu cũng kiến nghị cần phải tìm ra nguyên nhân và chỉ đạo quyết liệt hơn để giảm nợ đọng thuế, không phát sinh nợ mới. Tình trạng thiếu phòng học ở các cấp học hiện nay tương đối lớn, các giải pháp để khắc phục tình trạng này còn khó khăn, nhà nước không đủ ngân sách để hỗ trợ cho các địa phương xây dựng. “Nên chăng cần có quy định cụ thể nào đó để huy động nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cũng như phòng học các cấp”.
Đại biểu Tô Văn Thu - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Phương Thúy. |
Đặc biệt, đại biểu cũng cho biết trong những năm vừa qua ngành Điện đã rất cố gắng xây dựng trạm và củng cố đường dây điện. Tuy nhiên tình trạng điện hiện nay rất yếu không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhiều bộ phận dân cư. Quỳnh Lưu có đến 7 - 8 xã không đảm bảo điện sinh hoạt trong giờ cao điểm gây ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân. Vì vậy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu Tô Văn Thu cũng đề nghị cần phải có giải pháp thiết thực trong vấn đề giải quyết điện yếu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Cũng liên quan đến vấn đề điện, đại biểu Lê Đức Phát - đơn vị huyện Diễn Châu đề nghị ngành điện phối hợp với huyện Diễn Châu để hoàn trả lưới điện dứt điểm cho hợp tác xã, cho nhân dân và giải quyết vướng mắc trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục của người dân. Trong khi đó 100% người dân Diễn Châu đã bàn giao lưới điện cho ngành điện, tuy nhiên 3 - 4 năm rồi vẫn chưa giải quyết xong vấn đề này và điện thì ngày càng yếu.
Đại biểu Lê Đức Phát (Diễn Châu) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Thúy. |
Đại biểu Nguyễn Như Khôi - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Đài PT-TH tỉnh đề nghị UBND tỉnh và ngành Điện có văn bản hướng dẫn đầy đủ, cụ thể quy trình thủ tục hoàn trả lưới điện cụ thể, phân rõ trách nhiệm của mỗi ngành, cá nhân, điều kiện tiêu chuẩn.
Giải trình về các vấn đề liên quan đến điện, ông Bành Hồng Hiển - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho rằng mặc dù ngành Điện lực đã tiếp nhận lưới điện nông thôn, tích cực và huy động nguồn vốn nhưng vì khó khăn trong việc huy động nguồn vốn cải tạo lưới điện nông thôn khiến cho việc đáp ứng nhu cầu đang còn hạn chế.
Ông Bành Hồng Hiển - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An giải trình vấn đề liên quan đến điện. Clip: Phương Thúy. |
Trao đổi tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng vấn đề chỉ đạo chuyển đổi hợp tác xã còn chậm và không hiệu quả, hoạt động tín dụng nội bộ trong Hợp tác xã có nguy cơ vỡ nếu không quản lý chặt chẽ.
Đại biểu Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Phương Thúy. |
Theo đó, công tác phòng chống cháy nổ vẫn còn nhiều bất cập như thiết bị phòng cháy chữa cháy chỉ có thể cứu chữa đến tầng 10 và quy hoạch trụ nước mới chỉ được 10%.
Đối với hoạt động của HĐND thì việc tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị cử tri thực hiện tốt; giải quyết kiến nghị của cử tri được quan tâm; chất lượng thảo luận, chất lượng Nghị quyết được thông qua; tăng cường các phiên giải trình tại phiên họp của Thường trực; sự phối hợp có hiệu quả giữa Thường trực HĐND và UBND tỉnh…Đồng thời, đồng chí cũng mong các đại biểu khi về với HĐND huyện, thành, thị tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt; thúc đẩy việc thực hiện kiểm tra rà soát, triển khai các giải pháp để hoàn thành tốt những chỉ tiêu đặt ra.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến việc bảo vệ môi trường; nhiều dự án, công trình thi công đang còn dang dở làm lãng phí về nguồn lực, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân; phân bổ nguồn vốn đầu tư công còn chậm; quan tâm thêm chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp (đóng tàu thuyền theo Nghị định 67); rà soát, sắp xếp bộ máy cán bộ ở cơ sở cần thực hiện sớm và cần có sự thống nhất theo tiêu chí dân cư, diện tích, vùng miền; việc nhập cần thực hiện sớm, không để quá lâu (thực hiện NQ 18, 19 Trung ương 6)…