Học cách chọn nghề
Ở Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội), việc chọn nghề cũng phải học, và học một cách thật sự.
Nếu ai được dự buổi hội thảo tổ chức tại Trường Olympia vào ngày cuối tháng 9 vừa qua, với chủ đề cực kỳ nghiêm túc (mô phỏng quá trình đàm phán, khó khăn và thuận lợi của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP) thì sẽ ngạc nhiên khi những người tổ chức và tham gia đều là học sinh!
Đóng vai như thật
Các học sinh thảo luận trong lớp học về truyền thông của Trường phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội - Ảnh: VĨNH HÀ |
Không ít phụ huynh và những người dự hội thảo nói trên đã nghĩ: “Bọn trẻ 15-17 tuổi thì biết gì về những thứ to tát như vậy?”... Tuy nhiên, khi chứng kiến các em học sinh vào vai những nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu kinh tế, đại diện doanh nghiệp, nhà báo... thì những băn khoăn nọ đều tan biến.
Nhóm học sinh đóng vai các đại diện doanh nghiệp phải trình bày về cơ hội và thách thức khi VN gia nhập TPP, phân tích các mặt thuận lợi, khó khăn...
Để thực hiện, học sinh của “nhóm kinh tế” (học sinh lớp 12) đã phải tự tìm tài liệu, đọc để hiểu các khái niệm liên quan tới chủ đề trên, tìm hiểu quá trình đàm phán của VN khi gia nhập TPP... Trên cơ sở hiểu biết về nội dung này, học sinh tự thiết kế một “kịch bản” hội thảo như thật.
Trong khi đó, “nhóm truyền thông” (học sinh lớp 11) đóng vai phía tổ chức sự kiện, chính là những người thực hiện việc lên chương trình tổ chức hội thảo.
Còn học sinh đóng vai nhà báo phải thực hành việc tham dự, tường thuật hội thảo, chuẩn bị câu hỏi để phỏng vấn các chuyên gia, doanh nghiệp...
Với sự phân vai này, nhóm học sinh lớp 11, 12 đã thực hiện từ A đến Z một hội thảo với sự tham dự của nhiều thành phần, mà các thầy cô giáo chỉ là “giới quan sát”!
Đây là một trong nhiều tiết học thực hành của môn học định hướng nghề nghiệp, và kết quả thực hiện của học sinh là căn cứ để thầy cô giáo đánh giá thay cho bài kiểm tra truyền thống.
Kinh tế, văn hóa & truyền thông đại chúng là hai trong một số nhóm môn học định hướng nghề nghiệp mà Trường phổ thông liên cấp Olympia đang triển khai dạy cho học sinh.
Việc dạy các môn học này không bó hẹp trong không gian lớp học truyền thống, với những bài giảng lý thuyết, mà hướng đến cho học sinh không gian mô phỏng về nghề nghiệp tương lai, những tình huống có thật từ thực tế để các em trải nghiệm, thực hành...
Cô Ngô Minh Trang, giáo viên phụ trách lớp định hướng nhóm nghề kinh tế, cho biết việc tổ chức cho học sinh học thông qua các hoạt động trải nghiệm đã giúp các em đào sâu kiến thức, hình thành các kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp tương lai.
Cô Bùi Trà My, giáo viên môn văn hóa & truyền thông đại chúng, cho biết học sinh của Trường Olympia từ lớp 9 đến lớp 12 có 2 tiết/tuần để học “mở” các môn định hướng nghề nghiệp tương lai.
Và để chuẩn bị cho những tiết học vượt ra ngoài phạm vi lớp học, học sinh phải có sự chuẩn bị trước bằng cách đọc tài liệu, trao đổi, phân công trong nhóm để cùng hợp tác thực hiện.
“Cất lời khuyên vào ngăn kéo”
Các môn học định hướng nghề nghiệp tương lai mà Trường phổ thông liên cấp Olympia đang triển khai có điểm chung là không nặng về lý thuyết mà chú trọng vào việc tạo tình huống, tạo môi trường để học sinh làm quen, thử làm.
“Cách học đó khiến học sinh cảm thấy tiết học nhẹ nhàng, thú vị và không gây quá tải, khi các em phải song song học các môn học bắt buộc trong chương trình” - cô Trà My chia sẻ.
Với một môn học khác của Trường Olympia, nhóm ngành y dược, các thầy cô giáo đã khởi xướng việc trình bày ý tưởng nghiên cứu khoa học liên quan tới bảo vệ sức khỏe con người, thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh và thật sự khiến các em hào hứng.
“Hàng chục đề tài của học sinh đã được gửi cho chúng tôi. Có những ý tưởng rất điên rồ. Nhưng trong sự ngờ nghệch rất trẻ con ấy lại ẩn chứa một thái độ, một cách nghĩ nghiêm túc làm người lớn giật mình” - cô Nguyễn Thị Mai Hà, trưởng khoa HELP, điều phối chương trình tự chọn định hướng nghề nghiệp, cho biết.
Một đề tài của học sinh có cái tên rất văn học “Mờ mịt cả bầu trời”. Em học sinh này đưa ra nhận xét bầu trời Hà Nội luôn mờ mịt khói bụi, hiếm khi có được sự trong trẻo như nơi khác. Cách đặt vấn đề rất thú vị này để dẫn tới nhận định về tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội, nguyên nhân và thái độ sống...
Một học sinh khác lại chọn đề tài ngộ độc chì, cảnh báo về nguy cơ này có thể xảy ra ngay trong môi trường sống của mỗi gia đình, trong các khu chợ, siêu thị... Có những đề tài của học sinh đưa ra những khuyến cáo “nên hay không nên ăn nhiều đồ ăn nhanh?”, hạn chế hút thuốc lá bằng cách nào, cách trồng rau sạch trên tã giấy, cách tiết kiệm điện hiệu quả...
“Cách học sinh nhìn nhận và đặt vấn đề có thể chưa phải ý tưởng nghiên cứu khoa học thật sự, nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích các em và cố gắng gợi mở thêm. Vì đó là sự khởi đầu cho những đam mê, cho con đường tìm kiếm tri thức lâu dài sau đó. Bởi vậy, chúng tôi không đưa ra những lời khuyên quá khuôn mẫu, đóng hộp. Một cô giáo của trường tôi đã từng dùng cụm từ “cất lời khuyên vào ngăn kéo” để thể hiện nguyên tắc chung này” - cô Mai Hà cho biết.
Theo Tuoitre
TIN LIÊN QUAN |
---|