"Học gạo" còn tốt chán, "học thêm" mới tai hoạ!
Hai từ "học gạo" trước đây vốn dĩ không phải là sự ca ngợi về việc học. Ngược lại, đó là sự châm biếm chê bai. Nó ra đời trong ngôn ngữ của những chàng học trò học tài tử nhìn những anh bạn bộ dạng quê kệch, khắc khổ, mặt xạm đen gió Lào, ăn cơm "cá gỗ" giọng nói thì "dùi đục chấm nước mắm", trọ trẹ mà học lại hơn đời.
Các ông bạn ấy không để tâm điểm tô cho vẻ đẹp lãng mạn của một thuở học trò, học và mơ mộng và chơi vui cho đời tươi như những người cùng trang lứa khác. Họ chỉ chú mục vào việc học, ngoài ra không để ý đến những điều gì khác. Họ bất chấp ăn uống kham khổ, có bữa quên ăn, quần áo thì tuềnh toàng, xong thôi. Hầu như suốt ngày, họ phủ phục xuống sách vở, cốt sao học giỏi, thi đỗ để đổi đời. Đó chính là chân dung của những dân "học gạo", lấy học làm "cần câu cơm".
Nhưng xem ra, cái cách học được ra đời trong thái độ bị coi khinh ấy so với chuyện học thêm bây giờ thì nó còn quá đẹp! Ấy là một sự quyết tâm tự thân, một sự nỗ lực ghê gớm, một sự vượt khó đáng nể, "chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn" (Phan Bội Châu), một sự hi sinh đến khổ hạnh và bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu. Các cậu học trò học gạo ấy, trong trí óc cứ sáng như đèn. Họ học lặng lẽ chẳng phiền hà gì ai, chỉ có lòng mình hối thúc mình. Họ nghe bên tai mình sự gửi gắm, tin cậy của cả gia đình, dòng họ. Họ học như một việc làm mang tính sứ mệnh nên rất miệt mài. Có khi, đêm đêm bên ngọn đèn bằng vỏ chai lù mù hay bên bếp lửa bập bùng, hoặc bên vỉa hè đầy muỗi, lợi dụng ánh đèn đường khuya khoắt, ngồi xổm, đầu gối quá tai mà học. Họ tự mình đào bới vào sách vở, vào tâm trí, ngẫm nghĩ và nhập tâm, xoay trở, phản bác, một mình làm hai nhân vật đối trọng của nhau. Họ mải mê không hề biết gánh phở rong thơm lừng vừa chợt cất tiếng rao trên đường. Có điều gì chưa lý giải được, chưa vươn tới, họ giành cho hôm sau bá cổ những anh bạn nổi danh mà thắc mắc, trước khi cần thiết phải hỏi thầy. Thế đó, tinh thần tự lực được phát huy cao độ, ý thức tự giác cá nhân được khai thức hết, họ học đến mức "ghiền" từ đó họ tìm ra phương pháp tự học hiệu quả cho mình.
Còn chuyện học thêm bây giờ? Trước hết, trong Từ điển phổ thông dùng cho học sinh xuất bản năm 2002 có từ "học gạo" nhưng không có từ "học thêm". Dẫu thế trong đời sống, chuyện học thêm đã làm điên đảo cả xã hội học tập, làm điên đảo đã mấy thế hệ 8x, 9x và cả 10x nay rồi! Khốn thay, đường lên đại học thì hình chóp, bóp nhỏ dần lại, con cái nhà nào cũng sợ trượt vỏ chuối. Cho nên nhà ai nghèo khó đến mấy cũng phải gồng lên, cho con đi học thêm. Như vậy đầu tiên việc học thêm là do nhu cầu của phía học. Phụ huynh cho con "tầm sư học đạo". Vì, con người ta đi học, con mình chả lẽ không đi. Trong cuộc chạy đua này có thể một mất một còn, có khi mất cả danh dự nữa. Học thêm như những trận gió thổi vào từng gia đình, từng học sinh, khi ấm, khi lạnh.
Nhạy bén với cái nhu cầu học tập ấy, các trung tâm gia sư mọc lên trong các phố phường. Các tổ chức này cũng thoả mãn được phần nào yêu cầu đó. Họ phần lớn là những sinh viên nghèo các trường đại học len lỏi đến từng nhà.
Ngược lại và nhạy bén nhất là các thầy cô Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Các thầy cô dạy thêm mỗi lớp 1 buổi 2 giờ ở trường và 1 hoặc 2 buổi ở nhà. Như vậy 1 cô dạy 2 lớp Toán chẳng hạn thì dạy thêm 6 buổi / tuần. Các môn Anh văn, Lý, Hoá cũng tương tự. Văn thì 1 buổi/tuần cho 1 lớp. Đặc biệt có thầy cô dạy 3 lớp Toán thì dạy thêm 9 buổi/tuần.
Vậy ta hãy hình dung ra một hiện thực: Có những lớp Trung học cơ sở, các em học 6 buổi chính khoá và 9 buổi học thêm, nghĩa là toàn bộ các ngày, kể cả chủ nhật đều ngày 2 buổi, trong đó có một ngày thêm 1 buổi tối. Học thêm gấp rưỡi học chính. Mà không học thì không xong vì bài kiểm tra cô ra đề đều lấy ở buổi học thêm. Học chính khoá thì cô mới "cày vở", học thêm mới cày lại kỹ lưỡng hơn, cho nên vắng học thêm ở nhà cô buổi nào thì điểm kiểm tra sẽ kém hẳn, gay nhất là cái học bạ, không học thêm thế nào được! Mà học thêm cứ mỗi buổi 10.000 đồng.
Xem thế chẳng hiểu thầy cô soạn bài, chấm bài cẩn thận vào thì giờ nào được? Xem thế học sinh tự học ở nhà, làm bài tập vào thì giờ nào được? Xem thế học sinh có còn chút rảnh rỗi nào để thể hiện cái tuổi trẻ ham chơi nữa không hay sẽ là những tay cụ non cận thị, trầm cảm hoặc điên khùng?! Thương thay các cháu lớp 1 cũng tuần vài buổi học thêm. Nhà cô có khi tít tắp, xa lắm trong ngõ hẻm quanh co rất khó tìm. Vậy nên phụ huynh đành nghỉ việc để đưa đón con đi học thêm...
Học thêm như vậy đó, như một gánh nặng đặt vào cổ lớp trẻ. Hỏi ai là người "giải phóng" cho các cháu? Xin đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo, Sở Giáo dục tỉnh nhà nắm vững tình hình này, đang nhan nhản khắp nước khắp tỉnh, để có biện pháp quyết liệt hơn, chấm dứt tình trạng học thêm, dạy thêm!
Nhà giáo Trần Quang Chiểu