Học hè ở quê

17/06/2012 09:48

Mùa hè, không ít phụ huynh từ thành phố gửi con về quê với ông bà, người thân nhưng lại sợ con không quen điều kiện sống ở vùng nông thôn, nên chỉ một thời gian ngắn là đưa con trở lại thành phố.


Đá dế, một trò chơi dân dã rất được các bạn nhỏ yêu thích - Ảnh: T.T.D.

Bé Hòa Bình (10 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai) mách nhỏ: “Mỗi dịp hè cháu rất thích về quê ngoại ở Quảng Bình vì được theo các bạn ra đồng mót lúa, bắt cá, bắt cua. Cháu còn được anh chị dạy tập bơi. Vậy mà chỉ chơi được nửa tháng là cháu bị cha mẹ bắt trở lại nhà để học hè”. Do có tâm lý sợ con mình thua bạn kém bè, nhiều bậc phụ huynh vô tình lấy mất những ký ức đẹp nhất thời thơ ấu của con khi cho con học hết cả mùa hè. Cũng như có ý kiến cho rằng ở thành thị có đủ điều kiện, phương tiện, không gian, thời gian, cụ thể là thông qua các lớp học kỹ năng được tổ chức chặt chẽ và công phu thì không nhất thiết phải cho trẻ về quê.

Song nếu cha mẹ cho trẻ ở phố về quê thì ít nhất trẻ sẽ nhận được những lợi ích sau đây:

"Nếu học các lớp bồi dưỡng kỹ năng tổ chức khoa học thì các em sẽ được phát triển nhiều mặt, nhất là phát triển tư duy sáng tạo. Còn về nông thôn, những bài học diễn ra một cách tự nhiên, không phải sách vở, lý thuyết... Giá trị sống của trẻ được hình thành và phát triển một cách bền vững. Quan trọng là đời sống tình cảm của trẻ sẽ phong phú"

TS NGUYỄN MINH THỨC
(chủ nhiệm bộ môn tâm lý - ĐH Nguyễn Huệ)

1. Thay đổi không khí ngột ngạt, giảm áp lực: Nếu trẻ dễ hòa nhập với các bạn cùng độ tuổi, chúng sẽ thỏa sức chơi với nhau một cách tự nhiên. Trò chơi dân gian mang tính tập thể như chơi u, đánh đáo, đánh cù, nhảy dây... giúp các em phong phú thêm đời sống tinh thần. Ở thành thị không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học kỹ năng, nếu trẻ tiếp tục quẩn quanh với bốn bức tường ở nhà trong những ngày hè và học những kiến thức trẻ không yêu thích, dần dần tâm hồn của trẻ sẽ lão hóa, giá trị sống bị thiếu hụt và thiếu tự tin khi hòa nhập xã hội.

2. Học làm nông dân: Cha mẹ có thể cho con về quê trong dịp hè hoặc là những dịp nghỉ dài ngày, vừa để trẻ có cơ hội thăm hỏi người thân, vừa cho trẻ hòa mình vào thiên nhiên. Một chuyến đi về quê giúp bé nhận biết những con vật quen thuộc như ốc sên, con cò, trâu, bò, dê, gà... ngoài đời thế nào. “Trăm nghe không bằng một thấy”, trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị từ thế giới tự nhiên. Ngoài ra, trẻ còn được xem hoặc tham gia cùng những người nông dân chăm sóc, thu hoạch các nông sản, được chăn dắt những con vật dân dã thôn quê. Đó là những bài học thiết thực hình thành ở con trẻ lòng yêu lao động, biết trân trọng giá trị của các sản vật và thêm yêu thiên nhiên.

3. Rèn kỹ năng ứng xử, đồng cảm với người khác: Ở thôn quê, mọi người thường sống gần gũi và thân thiện hơn so với ở thành phố (điều này do các nguyên tắc khách quan đô thị chi phối). Như đã thành lệ, người cùng làng ra ngõ gặp nhau là chào hỏi tíu tít. Về quê trẻ sẽ hình thành được thói quen chào hỏi, quan tâm và biết nghĩ đến người khác mỗi khi gặp gỡ. Cuộc sống ở nông thôn cũng giúp trẻ sống hòa đồng, chan hòa, cởi mở với mọi người. Mỗi niềm vui, nỗi buồn của hàng xóm láng giềng cũng giúp trẻ học được cách chia sẻ.

4. Rèn luyện thể lực, nâng cao khả năng thích ứng với cuộc sống: Các bậc phụ huynh nếu có điều kiện nên mạnh dạn cho con trẻ về quê sống với ông bà, người thân vào kỳ nghỉ hè. Trẻ được chạy nhảy và vận động nhiều hơn. Việc này sẽ hình thành ở trẻ tính tự lập và tính thích ứng với sự thay đổi của môi trường sống. Khi không có ba mẹ bên cạnh, trẻ sẽ có cách để dễ hòa nhập với cuộc sống mới.

Cho trẻ về quê là một giải pháp giúp trẻ hình thành, phát triển những kinh nghiệm cuộc sống một cách tự nhiên và bền bỉ. Tuy nhiên, sự lựa chọn là tùy thuộc mỗi gia đình. Mùa hè đến chúng ta nên hướng cho con những điều bổ ích, thiết thực hơn cả bài học sách vở. Đó cũng là cách chơi để mà học.


Theo tuoitre - nt

Mới nhất
x
Học hè ở quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO