Học ở miền Nam hay miền Bắc dễ xin việc hơn?

11/03/2017 14:19

(Baonghean.vn) - Đây là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên và học sinh tại Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Tuổi trẻ cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức vào sáng 11/3 tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Đề thi nằm trong chương trình lớp 12

Đây đã là năm thứ tư Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp đến Nghệ An. Riêng năm nay, với nhiều thay đổi về Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, chương trình đã nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo giáo viên và học sinh của các trường THPT đóng trên địa bàn.

Rất nhiều trường ở các huyện như Nghi Lộc, Thanh Chương…còn tổ chức thuê xe để đưa các em xuống Trường THPT chuyên Phan Bội Châu nghe tư vấn.

Em Nguyễn Ngọc Anh, Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (Nghi Lộc) cho biết: Hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố quy chế thi THPT Quốc gia chứ chưa công bố quy chế tuyển sinh. Vì vậy, em muốn đến đây, trực tiếp gặp các thầy cô ở các trường đại học để nghe phương án tuyển sinh của các trường và tìm hiểu xem trường nào phù hợp với mình.

Ban tư vấn gồm liên tục nêu và giải đáp các câu hỏi về việc chọn ngành chọn nghề cho các thí sinh.
Ban tư vấn liên tục nêu và giải đáp các câu hỏi về việc chọn ngành chọn nghề cho các thí sinh. Ảnh: Mỹ Hà.
Tại chương trình tư vấn tuyển sinh, Ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng vụ dạy nghề chính quy – Tổng cục dạy nghề - Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cho biết: Năm 2017, các trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và xã hội có những nét mới trong tuyển sinh, đó là tuyển sinh quanh năm, tuyển sinh từ bậc THCS. Việc dự tuyển vào các trường giáo dục chuyên nghiệp với nhiều hình thức: xét tuyển, thi tuyển, xét tuyển kết hợp với thi tuyển.

Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2017 gồm 2 phần là tư vấn chung – tư vấn chuyên sâu. Là người “đăng đàn” đầu tiên, Tiến sỹ Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm thỏa mãn hàng nghìn học sinh khi giới thiệu một cách ngắn gọn về các mốc thời gian quan trọng của kỳ thi 2017. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến thời điểm đăng ký thi và đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, thời gian thí sinh được sửa hồ sơ và nguyện vọng.

Ông cũng cho biết, để tránh sai sót, trong quá trình làm hồ sơ, thí sinh phải lưu ý đến ngày, tháng, năm sinh và khu vực bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến điểm số và việc xét tuyển sau này của các thí sinh.

Ban tư vấn gồm gần 20 thành viên là đại diện Bộ Giáo dục – Đào tạo, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đại diện khối trường Công an, Quân đội, đại diện nhiều trường ĐH lớn: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Vinh… Đặc biệt, có sự tham gia của chuyên gia tư vấn tâm lý - hướng nghiệp nhằm giúp các em học sinh “gỡ rối” trong việc lựa chọn ngành nghề và quyết định con đường tương lai của mình.

Học sinh tham gia đặt câu hỏi trực tiếp với ban cố vấn. Ảnh: Mỹ Hà
Học sinh tham gia đặt câu hỏi trực tiếp với ban cố vấn. Ảnh: Mỹ Hà

Liên quan đến kỳ thi, các thí sinh cũng quan tâm đến việc làm các bài thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm. Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với bài thi tổ hợp, thí sinh có quyền đăng ký một bài hoặc đăng ký cả hai. Nếu đăng ký cả hai, máy tính sẽ lựa chọn bài nào đủ điều kiện và điểm cao hơn để xét tốt nghiệp.

Về chương trình, đề thi chủ yếu là các kiến thức của lớp 12. Trong đó, có 60% kiến thức cơ bản, 40% dùng để phân loại. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bố trí các câu hỏi theo thứ tự từ dễ đến khó, các câu hỏi được lựa chọn từ ngân hàng đề thi và đã được chuẩn hóa, đã thử nghiệm với học sinh lớp 12 tại tất cả các vùng miền nên thí sinh không cần quá lo lắng.

Đặc biệt, các thí sinh không nên chỉ chú trọng vào câu khó mà quên mất phần cơ bản bởi trên thực tế rất nhiều thí sinh có năng lực, học giỏi nhưng không đạt kết quả thi tốt nhất.

Hãy chọn nghề theo đam mê

Một trong những nội dung quan trọng khác được các học sinh lớp 12 quan tâm đó là chọn ngành, chọn nghề và chọn trường. Em Thu Trang, lớp 12C5, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu băn khoăn khi đặt câu hỏi: “Nên chọn trường phía Nam hay phía Bắc để cơ hội trúng tuyển cao và dễ tìm kiếm việc làm sau khi ra trường”.

Trả lời câu hỏi này, Tiến sỹ Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM cho biết: những năm qua qua khảo sát khoảng 60% học sinh ở Nghệ An thi vào các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh có điểm trung bình ba môn là từ 15 điểm trở lên.

Vì vậy, cho thấy, năng lực của học sinh ở quê hương Bác Hồ là rất khá. Tuy vậy, để dễ dàng có việc làm sau khi ra trường, không phải chỉ cần tấm bằng đại học. Thực tế, đầu ra khác nhau, vùng miền khác nhau. Học ở đâu, học thế nào là mình phải tự thích nghi thì mới có việc làm bền vững và dài lâu".

Học sinh tìm hiểu về ngành cắt may thời trang. Ảnh - Mỹ Hà
Học sinh tìm hiểu về ngành cắt may thời trang. Ảnh - Mỹ Hà.

Trả lời một số câu hỏi khác liên quan đến việc chọn ngành gì để có nghề tốt, Tiến sỹ Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng Khoa Công tác Thanh niên Học viện Thanh thiếu niên đã nói rất ngắn gọn: Nếu muốn làm người bình thường thì chọn cái gì cũng được. Nhưng nếu muốn trở thành chuyên gia, sáng tạo với nghề thì hãy chọn nghề theo đam mê, sáng tạo trên ngành nghề đang theo đuổi”.

Ngành nghề pha chế nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh. Ảnh: Mỹ Hà
Ngành nghề pha chế nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh. Ảnh: Mỹ Hà.

Thực tế, những định hướng này cũng chính là mục tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện trong tiến trình “đổi mới”. Đó là, thay vì đào tạo theo năng lực của các nhà trường thì hiện tại đang đào tạo theo hướng tiếp cận nguồn lực cho sự phát triển đất nước.

Thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học, thay vì đăng ký theo “khả năng trúng tuyển cao nhất” thì nay đã chuyển hướng sang “trường nào thích hợp nhất, phù hợp với năng lực, sở trường nhất”. Ba năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã định hướng nghề nghiệp tách ra khỏi định hướng kiến thức. Điều đó, yêu cầu sinh viên cần phải phát triển toàn diện, đầy đủ để theo kịp với xu hướng xã hội.

Tiến sỹ Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ Gíao dục và Đào tạo cũng cho biết: Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang biên tập một số đề tham khảo để các em ôn luyện bài thi. Đồng thời xây dựng phần mềm thi trực tuyến để các em tập làm bài thi và sẽ có kết quả ngay sau khi làm bài giống như kỳ thi thực tế. Dự kiến đến cuối tháng 4 chương trình sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Học ở miền Nam hay miền Bắc dễ xin việc hơn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO