Học sinh rẻo cao Kỳ Sơn chờ ngày được vào ở ký túc xá hiện đại bậc nhất Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ký túc xá khang trang, cơ sở vật chất hiện đại nhưng hơn một nửa khu nhà nội trú của Trường THPT Kỳ Sơn vẫn đang đóng cửa, chưa thể đón học sinh vào ở.

Trọ học xa nhà luôn là nỗi vất vả với những học sinh người dân tộc thiểu số ở huyện Kỳ Sơn. Tuy vậy, tại Trường THPT Kỳ Sơn, dù đã có một khu ký túc xá khang trang, hiện đại, nhiều tháng nay, việc tổ chức cho học sinh bán trú vào ăn, ở tại trường vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Chật vật trọ học xa nhà

Chưa đến 20h, những dãy phòng trọ nằm đối diện Trường THPT Kỳ Sơn đã chìm trong đêm tối. Đường vào phòng trọ ngoằn ngoèo như mê cung và để đi vào được phải dùng ánh sáng của đèn pin soi đường nếu không muốn nhầm phòng. Vào sâu phía trong, nằm đan xen là khoảng hơn 20 phòng trọ, xây dựng sơ sài, có phòng còn thưng bằng tôn.

Trong các căn phòng rộng chưa đến 10m2, đồ dùng của các học sinh ở trọ đơn giản chỉ có một tấm phản bằng gỗ, vài chiếc nồi, bếp ga mini nấu ăn sơ sài. Phòng ở cũng vừa là phòng học, phòng bếp, phòng sinh hoạt vậy nhưng phòng nào cũng có từ 2 – 4 học sinh ở trọ. Phòng nào quá đông, các em trải thêm chiếu để nằm giữa nhà. Phần lớn học sinh ở trọ đều đến từ các bản vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn và chủ yếu thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Những dãy phòng trọ của học sinh Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Những dãy phòng trọ của học sinh Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Xồng I Dô, học lớp 12A1 và em trai nhà ở xã Na Ngoi, cách trường hơn 50km. Cách đây 3 năm, sau khi thi đậu vào lớp 10, Dô đã xa gia đình để xuống thị trấn Mường Xén trọ học xa nhà. Mấy năm trước, Dô ở với bạn nhưng năm nay, cậu em trai trúng tuyển vào lớp 10, hai chị em chuyển ra ở trọ với nhau, mỗi tháng mất gần 500 ngàn đồng tiền trọ. Như nhiều học sinh đến từ các bản vùng sâu, vùng xa của huyện biên giới Kỳ Sơn, hoàn cảnh của Dô thuộc diện gia đình khó khăn, bố mẹ đều làm nông.

Để có thể trọ học, hai chị em chắt chiu chi tiêu từ số tiền hỗ trợ của nhà nước, mỗi tháng chưa đến 1,5 triệu đồng. Đó vừa là tiền ăn, tiền trọ và tiền mua sắm dụng cụ sách vở. Cứ 2 tuần/lần, hai chị em lại về nhà, nhận tiếp tế rau gạo từ gia đình. Điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn nên ước mơ của Dô và em trai là được vào ở ký túc xá trong nhà trường.

Nơi trọ học khó khăn, thiếu thốn của học sinh Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Nơi trọ học khó khăn, thiếu thốn của học sinh Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Cách không xa phòng trọ của Dô là căn phòng trọ sơ sài của Xồng I Ồng (lớp 10C3) và người bạn học của mình. Ở đây, cũng giống như nhiều phòng trọ khác, dù đã cố gắng sắp xếp nhưng không tránh khỏi bừa bộn, quần áo, chăn màn treo kín phòng. Ngoài chiếc phản gỗ vừa để ngủ vừa để học thì đồ dùng duy nhất trong phòng là một chiếc bàn cũ dùng để nấu ăn.

Xồng I Ồng chia sẻ: Trước đây, phòng trọ còn có thêm chị gái đang học tại Trung tâm GDNN – GDTX của huyện. Nhưng từ năm học này, chị gái mới lấy chồng sinh con nên em thuê phòng trọ ra ở riêng. Hàng ngày, Ồng đi học, chiều về lại giúp chị bồng cháu nên dù muốn vào ở ký túc xá nhưng em thấy không tiện.

Sống trong những phòng trọ đã xuống cấp, cuộc sống của những học sinh trọ học xa nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, cháy nổ. Ảnh: Mỹ Hà

Sống trong những phòng trọ đã xuống cấp, cuộc sống của những học sinh trọ học xa nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, cháy nổ. Ảnh: Mỹ Hà

Hầu hết các phòng trọ dành cho học sinh cấp III đang theo học tại Trường THPT Kỳ Sơn đều ở xung quanh khu vực trường. Một số khác ở xa hơn, gần với khu vực trung tâm thị trấn hoặc ở sâu trong xã Tà Cạ - nơi cách đây mấy tháng từng bị lũ đi qua và cuốn trôi hết đồ dùng sách vở của học sinh.

Vì điều kiện học sinh trọ học đa phần thuộc diện khó khăn nên hầu hết phòng trọ các em thuê đều đã xuống cấp, hư hỏng, tạm bợ và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về mất an ninh hoặc tệ nạn xã hội. Trong khi đó, dù rất nhiều học sinh có nguyện vọng vào ở ký túc xá của trường nhưng việc sắp xếp, tổ chức lại gặp nhiều khó khăn.

Cần cơ chế riêng cho mô hình trường bán trú

Hơn 1 tuần nay, tối nào khu phòng học của Trường THPT Kỳ Sơn cũng đều sáng đèn đến 22h. Quãng thời gian này là thời điểm tự học của học sinh đang ở nội trú trong trường và dù mới làm quen nhưng việc thực hiện giờ giấc và các quy định của nhà trường được học sinh thực hiện khá nghiêm túc. Đồng hành với các em, có giáo viên ở tổ tự quản và ban giám hiệu nhà trường thay nhau quản lý, giám sát.

Giờ tự học buổi tối của học sinh Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Giờ tự học buổi tối của học sinh Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Trường THPT Kỳ Sơn có khoảng 1.200 học sinh đang ở trọ xung quanh trường. Nhưng tại thời điểm này, trường chỉ vừa thí điểm để tổ chức cho 300 học sinh vào ở và sinh hoạt tại trường.

Thầy giáo Lê Văn Tảo – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhờ có sự tài trợ của Tập đoàn Trung Nam nên từ đầu năm học này, cơ sở vật chất của nhà trường đã được xây dựng mới đáp ứng đủ việc học và tổ chức bán trú cho hơn 1.000 học sinh. Tuy vậy, sau hơn một học kỳ đi vào sử dụng, việc tổ chức bán trú cho các em vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì vướng kinh phí hoạt động, chưa có cơ chế để tổ chức bán trú, thiếu nhân lực để hỗ trợ.

Sau 1 tuần, các học sinh đã bắt đầu làm quen với môi trường bán trú và những tiết tự học ngoài giờ lên lớp. Ảnh: Mỹ Hà

Sau 1 tuần, các học sinh đã bắt đầu làm quen với môi trường bán trú và những tiết tự học ngoài giờ lên lớp. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường THPT Kỳ Sơn và Trường THPT Quế Phong là hai trường đầu tiên thực hiện mô hình bán trú kiểu mới. Trong quá trình triển khai, Trường THPT Kỳ Sơn được đánh giá thuận lợi hơn vì cơ sở vật chất đảm bảo với 126 phòng ký túc xá vừa mới được xây dựng và đã trang bị đủ các điều kiện cơ bản như giường tủ, chăn ga, gối đệm cho học sinh. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai lại gặp nhiều bất cập vì để tổ chức cho hơn 1.000 học sinh bán trú cần nhiều yếu tố, bao gồm chi phí trang trải cho các hoạt động như tiền điện, tiền nước, tiền để tổ chức bán trú và tiền hỗ trợ giáo viên, nhân viên trực hỗ trợ. Trong khi đó, chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ, học sinh là người dân tộc thiểu số mỗi tháng các em chỉ được hỗ trợ hơn 500 ngàn đồng và 15 kg gạo quá ít nên việc tổ chức nấu ăn cho học sinh hàng ngày đã chật vật. Nay, phải trang trải thêm nhiều khoản chi khác, trong đó riêng tiền điện đã lên đến hàng chục triệu đồng/tháng thì thực sự nan giải. Hiện, học sinh trong trường hơn 55% hộ nghèo nên công tác xã hội hóa để hỗ trợ các hoạt động bán trú khi chưa có cơ chế tài chính của UBND tỉnh khó thực hiện.

Nhằm giúp mô hình sớm đi vào hoạt động, từ sau Tết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Trường THPT Kỳ Sơn xây dựng đề án về mô hình trường bán trú kiểu mới để trình các ban, ngành liên quan. Sở chủ trương, thí điểm tổ chức bán trú cho 300 em và ưu tiên những học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nhà xa trường. Trong thời gian đầu triển khai, giáo viên và nhân viên toàn trường tự nguyện thay nhau hỗ trợ chăm sóc, quản lý học sinh.

Các học sinh ở xa, nhà thuộc diện hộ nghèo, khó khăn hoặc học sinh có thành tích học tập tốt sẽ được ưu tiên vào ở ký túc xá tại trường. Ảnh: Mỹ Hà

Các học sinh ở xa, nhà thuộc diện hộ nghèo, khó khăn hoặc học sinh có thành tích học tập tốt sẽ được ưu tiên vào ở ký túc xá tại trường. Ảnh: Mỹ Hà

Trước mắt, nhà trường cũng dự kiến chưa thu bất cứ một khoản đóng góp nào của học sinh để tổ chức bán trú mà sẽ sử dụng từ số tiền hỗ trợ của nhà nước. Riêng tiền điện và tiền thuê nấu ăn, nhà trường đã họp phụ huynh và thống nhất tạm thu mỗi tháng 20 ngàn đồng/em. Học sinh sử dụng điện trong các phòng ký túc sẽ có đồng hồ riêng và phụ huynh sẽ căn cứ vào lượng tiêu thụ để chi trả.

Qua tuần đầu tiên triển khai, dù còn nhiều khó khăn trong khâu tổ chức, bố trí giáo viên nhân viên và một số học sinh vẫn chưa quen với môi trường mới nhưng hình hài của mô hình trường bán trú đã hình thành. Sắp tới, học sinh bán trú của trường sẽ được tham gia các trò chơi thể thao hằng ngày như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ vua…xem ti vi, đọc sách thư viện vào các giờ giải lao, tổ chức đội văn nghệ dạy múa, hát các bài hát điệu múa dân tộc…

Phòng ký túc xá khang trang của Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Phòng ký túc xá khang trang của Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Lê Văn Tảo – Hiệu trưởng nhà trường cũng nói thêm: Nếu tất cả học sinh được ở bán trú, chúng tôi tin rằng, sinh hoạt các em sẽ đi vào nề nếp, học sinh tránh xa được các tệ nạn xã hội, các em được chăm sóc, nuôi dưỡng khoa học và chất lượng dạy và học sẽ được tăng lên. Điều mong muốn hiện nay đó là tỉnh sớm có chính sách đặc thù để giảm bớt khó khăn cho phụ huynh học sinh và giúp nhà trường tổ chức bán trú ở quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo theo lộ trình đã đề ra./.

tin mới

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.