Học sinh thành phố Vinh hào hứng trải nghiệm làm giấy dó

Thanh Nga 06/12/2023 19:10

(Baonghean.vn)- Ngày 6/12, tại Bảo tàng Nghệ An học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh được tham gia trải nghiệm làm giấy dó cùng với nghệ nhân. Đây là chương trình đã diễn ra nhiều tuần tại Bảo tàng Nghệ An với ý nghĩa giúp học sinh hiểu hơn về những sản phẩm làng nghề truyền thống.

BNA_0001.JPG
Nghề làm giấy dó từ cây niệt ở làng Rèn (nay là làng Phong Phú, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) có thể đã xuất hiện cách đây hơn 300 năm. Tuy là nghề phụ, tồn tại bên cạnh nghề nông, nhưng nó có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cuộc sống vững chắc cho người dân nơi đây. Hiện nay, dù đã có nhiều mai một nhưng nghề giấy dó vẫn được lưu giữ ở Nghi Phong. Trong ảnh: Học sinh hào hứng trả lời các câu hỏi về lịch sử của Làng nghề giấy dó ở làng Rèn. Ảnh: Thanh Nga
BNA_công đoạn tước vở cây Niệt được học sinh làm khá thành thạo.JPG
Nguyên liệu chính để làm giấy dó là vỏ cây niệt, nguyên liệu thứ 2 là nhựa cây bìm bìm mà người dân địa phương thường gọi là cây khoai mắm. Cây niệt thường mọc ở những khu rừng thuộc các huyện vùng cao như Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương (Nghệ An). Ở Hà Tĩnh thì cây thường mọc ở các huyện Nghi Xuân và Kỳ Anh. Cây bìm bìm thường được người nông dân trồng xung quanh nhà. Trong ảnh: Học sinh thành phố Vinh hào hứng tham gia công đoạn tước vỏ cây. Ảnh: Thanh Nga
BNA_9966.JPG
Vỏ cây sau khi tước ra sẽ được đem đi ngâm nước lã trong 24h, sau đó được vớt lên rồi đem nhồi với một lượng vôi vừa phải để cho phần vỏ được trắng hơn và nấu nhanh bở hơn. Nhồi vôi xong lại đem vào nồi nấu thêm 24h nữa. Ảnh: Thanh Nga
BNA_Nghệ nhân hướng dấn đập bột từ vỏ cây Niệt .JPG
Vỏ niệt đã nấu sẽ tiếp tục được đem ngâm nước và rửa sạch, sau đó đặt lên bàn đá hoặc cối để đập rồi giã thành bột, cuối cùng bột đã giã được khuấy cùng nước lã. Trong ảnh: Công đoạn giã bột từ cây niệt sau khi được ngâm, nấu kỹ. Ảnh: Thanh Nga
BNA_0037.JPG
Phần nước bột được lóng qua sàng tạo nên một dung dịch loãng. Sau đó nhựa cây bìm bìm được đổ vào dung dịch bột niệt loãng, khuấy liên tục cho thật đều. Đây được xem là công đoạn khó nhất. Ảnh: Thanh Nga
BNA_0014.JPG
Tráng giấy trên khuôn bằng dung dịch đã được pha. Ảnh: Thanh Nga
BNA_0043.JPG
Giấy sau khi đã được phơi khô sẽ được tách ra khỏi khuôn. Ảnh: Thanh Nga
BNA_0052.JPG
Theo lời của các nghệ nhân thì giấy dó sau khi ra thành phẩm có thể ăn được. Ảnh: Thanh Nga
BNA_0089.JPG
Học sinh được hướng dẫn làm diều từ giấy dó. Khoảng 30 phút, các em đã có thể làm xong con diều. Ảnh: Thanh Nga
BNA_0115.JPG
Theo chị Đào Thị Thu Vân, nhân viên Bảo tàng Nghệ An: Hơn một năm nay, Bảo tàng đã xây dựng nhiều chương trình trải nghiệm thực tế cho học sinh với mục đích để học sinh hiểu biết và gần gũi hơn với những sản phẩm làng nghề truyền thống, từ đó giáo dục cho các em tình yêu lao động. Bảo tàng còn có những chương trình như: Trải nghiệm làm quạt giấy làng Nam, đèn trung thu, in tranh dân gian Đông Hồ, têm trầu cánh phượng, làm sản phẩm gốm Trù Sơn, nhuộm vải. “Thời gian gần đây chúng tôi mời thêm Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn song song với các hoạt động trải nghiệm làng nghề. Qua đó giới thiệu thêm những câu ví, giặm gắn với các không gian diễn xướng làng nghề như hát ví phường vải, ví phường nón...” - chị Vân cho biết thêm. Ảnh: Thanh Nga

Mới nhất

x
Học sinh thành phố Vinh hào hứng trải nghiệm làm giấy dó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO