Học tập Bác Hồ trả lời phỏng vấn báo chí

20/06/2012 14:39

Ngày nay, trong một “xã hội mở” cả ở trong lẫn ngoài nước, sự tiếp xúc với giới báo chí trở thành một hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, khi đọc và nghe các câu trả lời phỏng vấn của nhiều người cảm thấy còn rất nhiều điều cần được cải tiến để nội dung thêm sâu sắc và phương cách thể hiện thêm sống động. Để được vậy, cách tốt nhất là đọc lại và nghiền ngẫm, học theo cách Bác Hồ đã từng trả lời phỏng vấn báo chí.

Ngày nay, trong một “xã hội mở” cả ở trong lẫn ngoài nước, sự tiếp xúc với giới báo chí trở thành một hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, khi đọc và nghe các câu trả lời phỏng vấn của nhiều người cảm thấy còn rất nhiều điều cần được cải tiến để nội dung thêm sâu sắc và phương cách thể hiện thêm sống động. Để được vậy, cách tốt nhất là đọc lại và nghiền ngẫm, học theo cách Bác Hồ đã từng trả lời phỏng vấn báo chí.

Bác Hồ chẳng những là người sáng lập ra báo chí cách mạng ViệtNammà bản thân Bác là một nhà báo dày dạn kinh nghiệm. Bác tự viết nhiều bài báo, đồng thời nhiều lần trực tiếp trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước. Lần theo Toàn tập Hồ Chí Minh do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2011 có thể thấy, kể từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công đến khi trút hơi thở cuối cùng, Bác đã trả lời phỏng vấn báo chí tới 95 lần và lần cuối cùng chỉ cách giờ phút Bác ra đi có 49 ngày! Các nhà báo phỏng vấn Bác rất đa dạng, từ nhiều quốc gia, châu lục, thuộc đủ loại chính kiến khác nhau.


Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành y. Ảnh: Tư liệu

Ngay điều này đã mách bảo chúng ta rằng, quyết không nên né tránh mà cần tích cực, chủ động trả lời phỏng vấn báo chí vì đây là một kênh hết sức hữu hiệu làm cho dư luận thế giới hiểu rõ tình hình cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đấu tranh với những luận điệu sai trái và trong nhiều trường hợp đưa ra những thông điệp, tín hiệu cần thiết phục vụ cho cuộc đấu tranh ngoại giao.


Nội dung trả lời của Bác hết sức phong phú, bao quát nhiều vấn đề: Từ trong nước đến quốc tế, từ chính sách đối nội đến chính sách đối ngoại, từ chính trị đến kinh tế -xã hội, từ an ninh đến quốc phòng và cả đời tư… Trong gần 100 lần Bác trả lời phỏng vấn hàm chứa biết bao tư tưởng, triết lý lớn mà bài báo này chưa thể đề cập.

Nội dung bao la như vậy song các cuộc trả lời phỏng vấn của Bác luôn thể hiện tinh thần “kiệm lời, nhiều ý”, không lần nào Bác nói dài, nhiều khi chỉ vài ba câu và không bao giờ dùng những từ chung chung, không rõ nội hàm. Cùng một ý Bác thể hiện dưới nhiều dạng thức, uyển chuyển, biến hóa, vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo. Ví dụ trong những năm 1945-1946, khi đủ loại thù trong giặc ngoài đe dọa độc lập, chủ quyền và sự thống nhất giang sơn, trong 11 lần trả lời phỏng vấn Bác đều nhấn mạnh quyết tâm đấu tranh cho độc lập thống nhất: Khi thì khẳng định “chúng ta không chống lại tất cả nước Pháp, tất cả dân chúng Pháp. Nếu có những người Pháp muốn qua đây điều đình một cách hòa bình…thì điều kiện căn bản…là người Pháp phải thừa nhận nền độc lập của ViệtNam…” [1]; hay lấy ngay lý tưởng cao đẹp của cách mạng Pháp để khẳng định ý chí của dân tộc ta: “Dân Việt Namcó một ý muốn rất bình thường là muốn độc lập… chúng tôi tranh đấu từ trước tới bây giờ là cũng tranh đấu giống như người Pháp đó thôi. Ba tiếng Tự do, Bình đẳng, Bác ái đã làm cho Pháp thành một dân tộc tiên tiến, thì chúng tôi cũng chỉ muốn tranh đấu để được như thế” [2]. Cách thể hiện như vậy vừa góp phần củng cố lập luận của mình, vừa đẩy đối phương vào thế khó phản bác, vừa tranh thủ được dư luận rộng rãi.

Trả lời phỏng vấn, Bác luôn đi thẳng vào vấn đề được hỏi, không vòng vo, đồng thời luôn giữ thế chủ động, tinh thần tấn công, đôi khi hài hước, chế nhạo những thủ đoạn của một số nhà báo có ý móc máy. Trong một cuộc họp báo ngày 26-12-1945 liên quan tới thỏa thuận về sự hòa giải giữa Việt Minh, Việt Nam Cách mạng Đồng minh và Việt Nam Quốc dân đảng, có nhà báo hỏi 14 điều thỏa thuận đăng trên báo “Việt Nam” (cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc dân đảng) có đúng không? Bác “tấn công” ngay: “Đúng, nhưng phải thêm một điều nữa là đôi bên đã đồng ý với nhau chưa nên công bố, không hiểu sao báo “ViệtNam” lại đăng. Có lẽ báo ấy quên chăng?”. Tiếp đó, trả lời câu hỏi móc máy của một nhà báo khác rằng, Báo “Liên hiệp” đăng Chính phủ Việt Minh từ chức là nghĩa gì? Bác bèn “đập” lại: “Làm gì có Chính phủ Việt Minh, mà đã không có thì từ chức làm sao?” [3].

Trong trả lời, Bác không bao giờ né tránh những câu hỏi “hắc búa”, nhạy cảm, đồng thời khéo léo xử lý tình huống theo cách: “Có nhưng có thể hiểu là không, không nhưng có thể hiểu là có”.

Lúc cách mạng nước ta mới thành công, do hoàn cảnh lúc bấy giờ Đảng ta tuyên bố “tự giải tán”, nhưng vẫn hoạt động dưới hình thức Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, nhiều nhà báo nước ngoài tìm mọi cách để Bác khẳng định mình là “cộng sản” để phân hóa nước ta với các nước khác và một số tầng lớp trong nước hiểu sai về chủ nghĩa cộng sản.

Một lần kia có nhà báo hỏi: Nghe nói Chủ tịch tuyên bố rằng Chủ tịch có xu hướng cộng sản, nhưng có phải Chủ tịch cho rằng nước Việt Nam chưa có thể cộng sản hóa được trong một thời hạn 50 năm không? Bác bèn trả lời: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác. Cách đây 2000 năm Đức Chúa Giê -su đã nói là phải yêu mến kẻ thù của ta. Điều đó đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được.

Còn khi nào thì chủ nghĩa Các Mác thực hiện thì tôi không thể trả lời được. Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. ở nước chúng tôi những điều kiện ấy chưa có đủ” [4].

Trong nhiều trường hợp, Bác trả lời rất ngắn gọn, dứt khoát, rõ ràng. Trả lời phỏng vấn của Báo Frères D’Armes năm 1948, về câu hỏi Chủ tịch ghét gì nhất, Bác trả lời “Điều ác”; còn điều gì yêu nhất thì Bác đáp lại “Điều thiện”; về điều gì mong muốn nhất, Bác khẳng định: Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu; còn việc sợ gì nhất thì Bác nói rõ: Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì! [5]


Khi giao tiếp với báo chí, cũng như khi nói chuyện, Bác hay dùng những câu ví dân gian đầy hình tượng và dễ nhớ. Trả lời câu hỏi về vấn đề ngoại giao, Bác nhấn mạnh: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn” [7].

Ở đây mới chỉ xin lẩy ra đôi điều cảm nhận được khi đọc lại những câu trả lời phỏng vấn của Bác Hồ. ước gì các nhà báo và tất cả những ai tiếp xúc với báo chí hãy chịu khó nghiên cứu để học Bác không lảng tránh báo chí, tránh ăn nói dông dài, ý tứ không rõ ràng, đối đáp không sắc sảo, không có lợi cho hình ảnh đất nước. Gắn việc này với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có lẽ không phải là điều không có lý. Về lâu dài, nếu có người bỏ công nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn cả về nội dung lẫn phương pháp Bác Hồ tiếp xúc với báo chí là điều thật đáng hoan nghênh.

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, t 4, tr.85

2. Như trên, tr.213

3. Như trên, tr. 145

4. Như trên, tr.315

5. Như trên, Tập 5, tr. 522

6. Như trên, Tập 4, tr.85

7. Như trên, tr.147


Vũ Khoan - Theo QĐND-M

Học tập Bác Hồ trả lời phỏng vấn báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO