Học trò TPHCM đưa bảng chữ nổi đi thi quốc tế
Sáng chế Bảng hiển thị chữ nổi điện tử của hai học trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) được xem là Ebook cho người khiếm thị. Đây cũng một trong hai sáng chế đại diện cho học sinh Việt Nam tham gia đấu trường quốc tế về khoa học, kỹ thuật.
Nữ sinh trăn trở việc đọc sách của người khiếm thị
Trong một lần đến thăm mái ấm của trẻ khiếm thị, Trần Thị Diệu Liên, lớp 11 chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) không khỏi trăn trở khi nghe chị tình nguyện viên kể rằng, các bạn khiếm thị rất thích đọc sách. Thế nhưng, việc làm sách chuyển tải nội dung bình thường sang dạng chữ nổi cho các bạn phải dùng cách chấm thủ công trên giấy rất mất thời gian. Ngay lúc đó, Diệu Liên đã nghĩ ngay đến một loại máy đọc sách riêng cho các bạn khiếm thị - đối tượng thiệt thòi không thể tiếp cận thông tin qua thị giác.
Diệu Liên giới thiệu về đề tài nghiên cứu Bảng hiển thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị tại chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học TPHCM năm học 2013 - 2014. |
Khi Liên ấp ủ ước mơ thực hiện loại máy đặc biệt này, đúng lúc em biết đến cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2014 đã cho Liên thêm động lực thực hiện đề tài về bảng hiển thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị.
Cơ sở của sáng chế này là ứng dụng kiến thức về lực hút của nam châm, nguyên lý đèn LED. Ứng dụng này để làm hiển thị trực tiếp gờ nổi lên bề mặt của bảng máy thông qua tương tác với máy tính. Thiết bị hoạt động trên cơ sở file txt trên máy vi tính, khi máy được kết nối sẽ mã hóa các văn bản bằng phần mềm và hiển thị các ghi dấu chữ nổi trên bề mặt máy đọc. Cơ cấu hoạt động đơn giản, ký tự có 6 gờ nổi để người khiếm thị sờ vào đó và đọc được.
Qua nhiều lần thử nghiệm, thiết bị dần được hoàn thiện, trở thành một trong 12 đề tài của TPHCM được dự thi cấp quốc gia.
Sáng chế học trò ra sân quốc tế
Bước vào kỳ thi cấp quốc gia, Diệu Liên có thêm sự hỗ trợ của Nguyễn Nam Du (học lớp 12 song ngữ 2 cùng trường) để cải tiến, nâng cấp máy. Tranh thủ sau giờ học, vào những buổi tối hay vào chủ nhật, hai bạn cùng thảo luận, làm việc và phân công theo thế mạnh từng người. Liên tập trung vào lập trình, còn Du thực hiện phần cơ khí, tạo bảng vẽ thiết bị thông qua phần mềm… để máy nhỏ gọn và tiện lợi hơn.
Thấy cả hai dốc sức nâng cấp chiếc máy quên ăn quên ngủ, nhiều hôm thức đến 1 - 2 giờ sáng, gia đình rất lo lắng, sợ hai con ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học. Nhưng lúc đó, nhìn vẻ say mê quên mệt mỏi của Diệu Liên và Nam Du, không ai nỡ lên tiếng ngăn cản. Như hai bạn chia sẻ, dù khi nhìn vào cấu tạo và cơ chế hoạt động của bảng rất đơn giản nhưng chỉ khi trực tiếp bắt tay thực hiện, mới hiểu hết được công việc này rất mất thời gian và tốn nhiều công sức đến chừng nào. Hai bạn như có một động lực mạnh mẽ để hoàn thiện tốt nhất dụng cụ bảng hiển thị chữ nổi điện tử để các bạn khiếm thị có thêm cơ hội đọc sách.
Sau khi chiếc máy được hoàn thành, Du và Liên đưa máy xuống gõ cửa một cơ sở khiếm thị trong thành phố. Niềm vui lớn nhất của hai nhà “sáng chế nhí” chưa phải là các giải thưởng mà là khi “đứa con” của mình được chính các bạn khiếm thính cho biết là sử dụng được và các bạn rất háo hức với chiếc máy kỳ diệu này. Đặc biệt, chi phí dành cho chiếc máy, theo hai bạn dự tính nếu đưa vào sản xuất chưa đến 800 ngàn đồng.
Đến với cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2014 khu vực phía Nam, Bảng hiển thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị của Diệu Liên và Nam Du đã xuất sắc vượt qua 133 dự án của 283 thí sinh các trường THCS, THPT thuộc 27 tỉnh thành và đoạt giải Nhất chung cuộc.
Đề tài này của hai em cùng với đề tài Robot tin học lập trình của học sinh Nguyễn Huỳnh Ngọc Khánh (Trường THPT Nguyễn Huệ, Phú Yên) sẽ được dự cuộc thi Intel ISEF diễn ra tại Hoa Kỳ vào tháng 5 tới
Theo Dân trí