Hơi ấm của con như vẫn đâu đây...

19/10/2012 16:31

Vậy là đã 43 năm kể từ ngày mẹ hay tin con trai độc nhất ngã xuống ở mặt trận phía Nam. Và cũng ngần ấy năm, mẹ ngóng chờ, mong mỏi một ngày hài cốt của con trai được trở về quê hương để an lòng khi chiều tà xế bóng. Nay đã cận kề độ tuổi 100, sinh lực ngày một cạn kiệt, mà mẹ vẫn chưa nguôi niềm hy vọng. Mẹ là Hà Thị Đức (sinh năm 1916), ở bản Vĩnh Kim, xã Hoa Sơn (Anh Sơn) - được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

(Baonghean) Vậy là đã 43 năm kể từ ngày mẹ hay tin con trai độc nhất ngã xuống ở mặt trận phía Nam. Và cũng ngần ấy năm, mẹ ngóng chờ, mong mỏi một ngày hài cốt của con trai được trở về quê hương để an lòng khi chiều tà xế bóng. Nay đã cận kề độ tuổi 100, sinh lực ngày một cạn kiệt, mà mẹ vẫn chưa nguôi niềm hy vọng. Mẹ là Hà Thị Đức (sinh năm 1916), ở bản Vĩnh Kim, xã Hoa Sơn (Anh Sơn) - được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...


Chiều Thu, nắng vàng như rót mật lên dãy Giăng Màn, cái hanh hao, chớm lạnh đã len lỏi khắp không gian vùng quê nghèo miền trung du. Lần theo con đường nhỏ gập ghềnh, chúng tôi tìm về bản Vĩnh Kim để thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Đức. Mẹ vẫn ngồi trước thềm nhà, mắt hướng ra ngõ, xa hơn nữa là cánh đồng sau mùa gặt, rồi đến đồi núi lô nhô... Phía sau là bàn thờ, nơi có di ảnh của chồng và liệt sỹ Hà Văn Tào - con trai độc nhất của mẹ. Trong vườn, cây cối thi nhau trút lá trước cơn gió cuối Thu để lại chuỗi âm thanh xào xạc tưởng chừng như bất tận. Anh Hà Văn May (con trai của liệt sỹ Hà Văn Tào)- cháu đích tôn của mẹ cho hay: "Đã hàng chục năm nay, ngày nào cũng thế, cuối chiều bà lại ngồi trước thêm nhà nhìn về phía trước. Nó như đã trở thành một thói quen không thể thay đổi. Có những hôm trái gió trở trời, khắp người nóng ran nhưng bà vẫn đòi dậy để ra cửa ngồi một lúc".


Trên khuôn mặt mẹ in đầy "dấu chân chim", đôi mắt mẹ giờ đây đã nhuốm màu sương khói. Dòng chảy thời gian cùng với nỗi đau đã làm cho thân hình mẹ héo hon. Nhưng mẹ vẫn hy vọng và tin tưởng một ngày nào đó sẽ tìm được nơi anh Tào yên nghỉ, đưa anh trở về với đồng đất quê hương. Mẹ kể cho chúng tôi nghe về chuyện của gần 50 năm trước, khi Mỹ ồ ạt đổ quân xuống miền Nam và điên cuồng trút bom đạn xuống miền Bắc. Năm 1965, anh Tào của mẹ bước sang tuổi 22, đã lập gia đình và có 2 cô con gái nhỏ. Xét về hoàn cảnh gia đình, là con trai độc nhất nên được miễn nghĩa vụ quân sự. Nhưng con trai vẫn viết đơn bằng máu xin nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên. Ý thức được rằng đất nước đang trong cảnh "dầu sôi lửa bỏng", cả dân tộc đang bừng bừng khí thế đấu tranh nên mẹ bằng lòng để con trai mình ra chiến trận. Ngày tiễn con lên đường, mẹ không biết nói gì hơn là nguyện cầu cho nó được bình yên, chân cứng đá mềm, tránh được hòn tên, mũi đạn. Ở nhà, mẹ cùng chồng và các con tiếp tục lao động sản xuất dưới làn bom đạn ác liệt của kẻ thù. Vài năm sau, anh Tào được về phép rồi ít lâu sau đó gia đình có tin vui, đó là chị Lê Thị Quyên - vợ anh mang bầu và sinh ra một bé trai kháu khỉnh. Cậu bé được đặt tên là Hà Văn May - người cháu đích tôn hiện nay đang phụng dưỡng mẹ Đức.


Về phép được mấy ngày, anh Tào lại lên đường trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Mẹ Đức cùng các thành viên trong gia đình lại tiếp tục dõi theo từng thông tin ở chiến trường miền Nam. Rồi một ngày vào năm 1969, mẹ như chết lặng khi hay tin anh Tào đã anh dũng hy sinh mà chưa biết bé Hà Văn May đã chào đời. Ngày nhận giấy báo tử, đất dưới chân mẹ Đức như đổ sập, có lúc mẹ nghĩ rằng cuộc đời này không còn ý nghĩa. Nhưng rồi, nghĩ và thương người chồng đang vừa tham gia hoạt động xã hội, vừa lao động sản xuất, thương các cháu mình đang còn nhỏ dại, mẹ phải gượng dậy để làm điểm tựa cho các thành viên trong gia đình và chờ ngày giặc Mỹ phải đền tội, chờ ngày đón hài cốt con trai trở về. Mẹ lao vào công việc ruộng đồng, nương rẫy, làm quần quật từ sáng đến tối để quên đi nỗi đau mất con. Nhưng nỗi đau ấy dường đâu dễ nguôi ngoai...



Người con trai hy sinh đã 43 năm rồi, Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Đức vẫn mân mê chiếc võng để lần tìm hơi ấm...


Mẹ Đức đứng dậy và lần bước về phía chiếc giường nơi góc nhà. Ngồi xuống giường, bàn tay mẹ lần tìm một vật gì đó phía trong góc rồi đặt lên ngực, nơi có trái tim đã đập gần một thế kỷ với bao niềm vui và nỗi đau, bao khắc khoải ngóng chờ và hy vọng... Mẹ nói trong nỗi xúc động nghẹn ngào: "Đây là những kỷ vật của thằng Tào trước lúc hy sinh, được đồng đội của nó mang về cho mẹ. Toàn bộ gia tài của nó chỉ có vậy". Chúng tôi xin phép được mở ra xem. Đó là một chiếc võng và một bao tượng dùng để đựng gạo được may bằng vải Tô Châu, màu vải đã sờn. Từ ngày nhận được kỷ vật của con trai, mẹ Đức xem chúng gần như là vật bất ly thân. Mỗi khi trái gió trở trời, mùa Đông giá lạnh hay những lúc cảm thấy cô đơn, trống trải đến tột cùng, mẹ lại đem chiếc võng ra đắp, đem chiếc bao tượng quấn quanh người để tìm hơi ấm, sự an ủi của anh Tào- con trai của mẹ. Những lúc như thế, quả thật mẹ thấy nhẹ nhõm hơn, hơi ấm của người con trai đã ngã xuống ở chiến trường đã tiếp thêm nguồn sinh lực để mẹ gượng lên mỗi khi đau ốm bất thường.


Không đành để mẹ mãi chìm sâu trong miền ký ức, chúng tôi đưa mẹ trở về hiện tại bằng cách hỏi chuyện về cuộc sống hôm nay. Hỏi chuyện gia đình, mẹ vui mừng "khoe" rằng đại gia đình của mẹ đều mạnh khỏe, các cháu chăm chỉ làm ăn, chăm ngoan, học giỏi và đặc biệt rất kính trọng, thương yêu và hiếu thảo với mẹ. Đến nay, mẹ đã có 2 chút (gọi mẹ là cụ), cuối năm này có thêm một chút nữa. Vui nhất là mỗi khi có cháu chắt đi xa về thăm, lúc đầu thường mẹ không nhớ ra, vì gần 100 tuổi rồi làm sao nhớ nổi tất cả mọi người. Nhưng khi biết nó là cháu chắt, mẹ vui sướng đến trào nước mắt. Ngôi nhà của mẹ trước đây xập xệ lắm, nhưng từ năm 1997, Nhà nước đã xây cho mẹ ngôi nhà tình nghĩa thật vững chãi và ấm cúng, từ đó đến nay không còn phải lo lắng mỗi khi có mưa bão tràn về. Cuộc sống bây giờ chưa phải đã đủ đầy, mẹ mừng vì gia cảnh luôn ấm áp, yên vui. Nhà máy Xi măng 12/9 (Anh Sơn) đã nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời.

Vào các ngày lễ, tết trong năm, các "con" ở Nhà máy lại đến thăm và mang theo quà để biếu mẹ. Mỗi lúc mẹ ốm đau, các "con" lại thay phiên nhau thăm hỏi, chăm sóc, động viên làm mẹ không thể cứ nằm trên giường mãi được, phải gắng dậy để tất cả mọi người được vui lòng. Mẹ đã được đi tham quan khắp mọi miền đất nước, được ra Thủ đô Hà Nội để viếng Lăng Bác Hồ. Được gặp bác Trần Đức Lương, bác Nguyễn Tấn Dũng và các bác ở Trung ương. Khi hay tin trong đoàn có một Bà mẹ Việt Nam anh hùng người dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An, các bác ấy tìm gặp bằng được và thăm hỏi tận tình, lại còn biếu quà cho mẹ nữa. Những bức ảnh treo trên khung ấy được chụp trong các lần mẹ ra thăm Hà Nội, chụp ở Lăng Bác, ở Phủ Chủ tịch nữa. Mấy năm nay, đã già yếu nhiều nên mẹ không thể theo các đoàn đi tham quan như trước được. Mẹ Đức chia sẻ: "Đất nước ta bây giờ sướng thật, được sống trong cảnh yên bình, ai cũng lo làm ăn sản xuất, không còn cái đói như trước đây nữa. Nhà nước quan tâm rất nhiều đến gia đình chính sách và đồng bào các dân tộc ít người. Mẹ mừng lắm, thằng Tào và biết bao liệt sỹ khác đã hy sinh không uổng phí, hy sinh để đổi lấy cuộc sống ấm no, hòa bình...".


Mặt trời đã khuất sau dãy núi Giăng Màn, cảnh vật chuyển dần sang màu thẫm, đất trời cuối Thu ở miền trung du đã bắt đầu chớm lạnh. Bàn tay mẹ Đức vẫn mân mê tấm võng và chiếc bao tượng - kỷ vật của người con trai độc nhất đã hy sinh 43 năm trước. Ngần ấy năm chia xa, mẹ vẫn cảm nhận được hơi ấm của anh Tào ủ trong những kỷ vật thiêng liêng đối với mẹ. Trước lúc ra về, chúng tôi nắm chặt đôi bàn tay mẹ và cầu chúc mẹ mạnh khỏe và sống thọ hơn nữa. Mẹ Đức đáp lời: "Mẹ phải sống nữa, để được xem sự đổi thay của đất nước, và để sống thay phần của thằng Tào. Sống để chờ ngày nó trở về yên nghỉ trong lòng đất quê hương, về với tổ tiên và với bố của nó. Giấy báo tử chỉ viết nó hy sinh ở mặt trận phía Nam, mà miền Nam thì rộng lớn lắm...". Từ khóe mắt trũng sâu và mờ đục của mẹ Đức ngân ngấn giọt nước mắt. Chắc mẹ đã khóc nhiều lắm, bởi đã hơn 40 năm, hơn nửa đời người mẹ sống trong nỗi khắc khoải, chờ mong và hy vọng...


Men theo con đường gập ghềnh trở ra Quốc lộ 7A, trong tâm trí chúng tôi cứ chập chờn hình ảnh mẹ Đức ngồi mân mê chiếc võng và bao tượng của người con trai đã hy sinh, như để lần tìm hơi ấm còn lưu lại sau 43 năm. Rồi chợt nhớ một nhà báo nước ngoài từng viết: "Tôi có thể khẳng định, không có bất kỳ ai trên thế giới cầu mong mình được nhận danh hiệu Bà mẹ Anh hùng, bởi đó chắc chắn là những người phụ nữ đau khổ nhất trần gian. Nhưng lịch sử Việt Nam đã tạo ra những người mẹ như vậy". 44.253 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có mẹ Hà Thị Đức, đều có chung một nỗi đau và bất hạnh. Chúng ta hãy cùng xoa dịu phần nào nỗi đau bằng cách giúp các mẹ thỏa nguyện trong những năm tháng cuối của cuộc đời.


Công Kiên

Mới nhất
x
Hơi ấm của con như vẫn đâu đây...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO