Hội chọi bò ở Kỳ Sơn

12/03/2010 21:13

Cứ mỗi độ hoa đào trên núi Phu xai lai leng nở rộ, cũng là lúc đồng bào Mông ở Kỳ Sơn rộn ràng chuẩn bị mở hội chọi bò. Những ngày Tết Nguyên đán hội chọi bò mới chính thức khai cuộc nhưng ngay từ những ngày giữa tháng Chạp của năm cũ, chủ của các chú bò thiện chiến đã họp mặt. Tết Canh Dần vừa qua, hội chọi bò của người Mông ở Kỳ Sơn được tổ chức lớn hơn, vì khi kết thúc hội chọi bò năm ngoái, con bò đoạt chức vô địch của anh Mùa Giống Tủa (bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi) được khách nước ngoài mua với giá 3200 USD.

Nuôi bò chọi...
ghề lắm công phu

Đồng bào Mông ở Kỳ Sơn nuôi bò rất nhiều nhưng không phải nhà nào cũng nuôi được bò chọi. Những nhà nuôi bò chọi là những nhà có của ăn, của để, có kinh nghiệm và lòng đam mê. Muốn mua được con bò nuôi để chọi phải săn tìm hàng tuần có khi hàng tháng trời bên đất Lào.

Con bò chọi của anh Xồng Nhìa Tính ở bản Ka Dưới,
xã Na Ngoi, Kỳ Sơn


Tiêu chuẩn ban đầu của bò chọi là phải sừng dài (gấp đôi, gấp 3 con bò bình thường), u to, vai nở, mình thon. Mỗi con bò được chọn thường có giá không dưới 15 triệu đồng. Bò chọi mua về được "cấm cung" trong những chuồng nuôi đặc biệt (điều này lý giải vì sao ở Kỳ Sơn không có bò chọi con mà phải mua tận bên đất Lào). Chuồng làm bằng ván gỗ tốt, có sàn để chống hơi đất, diện tích vừa đủ để con bò đứng.

Việc luôn bị "cấm cung" ở tư thế đứng trong một không gian chật hẹp sẽ rèn luyện con bò chọi có 4 chân khoẻ mạnh và tính khí nóng nảy, sẵn sàng giao chiến khi gặp đối thủ. Thức ăn cho bò chọi là những loại cỏ ngon, cháo gạo, cháo ngô.

Ngoài việc cả gia đình phải lo thức ăn cho bò, thì việc cho bò ăn, theo dõi sức khoẻ của bò phải do người chủ gia đình đảm trách. Khẩu phần ăn hàng ngày của bò chọi được tính toán rất kỹ, vừa đảm bảo cho bò chọi khỏe mạnh, vừa tránh béo phì. Định kỳ vài ba tháng một lần, mỗi con bò chọi sẽ được "giao đấu thử" với đối thủ quanh vùng.

Trong những lần "giao đấu thử" này, thua thắng không quan trọng mà cái chính là người chủ nuôi thấy được miếng đánh của bò chọi. Con bò nào biết lựa thế móc được sừng vào gáy đối thủ là con bò hay. Con nào chỉ biết cậy sức mạnh, nuôi một vài năm mà vẫn không tiến bộ, hoặc chẳng may trong "giao đấu thử" bị gãy chân, gãy sừng, chủ nuôi đành phải chuyển sang nuôi bò thịt, lỗ vốn gần chục triệu đồng.


Nói về việc nuôi bò chọi của đồng bào Mông Kỳ Sơn, ông Xồng Bá Dềnh, Bí thư chi bộ bản Ca Dưới (xã Na Ngoi) cho biết: "Hội chọi bò của người Mông Kỳ Sơn có từ lâu đời. Để giữ gìn nét đẹp truyền thống đó, tuy rằng việc nuôi bò chọi rất công phu và tốn nhiều tiền của, nhà ta cũng chưa giàu có lắm nhưng ta vẫn động viên gia đình nuôi bò chọi. Ta có nuôi, ta vận động tuyên truyền mới dễ. Điều đáng mừng là mấy năm nay nhờ làm ăn tốt và có những người ham thích chọi bò từ bên Lào, bên Trung Quốc đến Kỳ Sơn xem chọi bò và mua con bò chọi hay với giá rất cao nên bây giờ có đến hơn 100 gia đình đồng bào Mông ở Kỳ Sơn nuôi bò chọi".


Và hội chọi bò


Hội chọi bò của người Mông ở Kỳ Sơn không cầu kỳ về sân bãi. Năm trước bản nào có bò chọi vô địch thì năm sau bản đó được chọn làm địa điểm mở hội. Trên một khoảng đất bằng phẳng nhất bản, đồng bào Mông từ khắp nơi trong huyện Kỳ Sơn và những người ham thích chọi bò từ bên kia biên giới kéo về đông nghịt. Hàng chục con bò chọi cất tiếng rống bức bối trước giờ vào trận vang động một góc rừng. Theo quy ước từ trước, lần lượt từng cặp bò chọi sẽ thi đấu. Giữa một rừng người cổ vũ, các trọng tài đồng thời kiêm luôn công tác bảo vệ, tay gậy luôn sẵn sàng can thiệp, ngăn cản những chú bò nổi loạn lao vào người xem.

Trên sân đấu, 2 chú bò chọi nhau hết sức quyết liệt và gay cấn. Mỗi trận chọi bò thường kéo dài từ 15 đến 30 phút nhưng có những trận chung kết kéo dài vài ba tiếng đồng hồ. Hội chọi bò Tết năm Kỷ Sửu, trận chung kết là cuộc đọ sức giữa con bò của anh Mùa Giống Tủa và con bò của ông Xồng Dua Tồng ở bản Buộc Mú 1 (xã Na Ngoi).

Để tiến tới trận chung kết, 2 con bò trên đã thi đấu và loại hàng chục đối thủ. Bước vào trận đấu quyết định, 2 con bò giằng co nhau từng tý một. Cuối cùng, tận dụng lúc đối thủ có phần xuống sức, sừng con bò của anh Mùa Giống Tủa móc trúng gáy con bò ông Xồng Dua Tồng.

Con bò của ông Xồng Dua Tồng tháo chạy khỏi sân đấu. Phần thưởng cho người có con bò chọi vô địch là những tiếng reo hò dậy đất của người xem và danh tiếng sẽ lan nhanh khắp bản người Mông với sự kính trọng. Còn nếu như trong hội chọi bò có con bò chọi chẳng may bị chết thì các chủ bò nộp tiền lại mua cho người có con bò bị chết một con bê con mang tính chất an ủi động viên.


Mấy năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2009, những ngày đồng bào Mông ở Kỳ Sơn mở hội chọi bò thì người ham thích chọi bò từ Trung Quốc, từ Lào cũng đến xem rất đông.

Năm 2009, con bò vô địch của anh Mùa Giống Tủa có nhiều khách nước ngoài đấu giá, cuối cùng một vị khách người Trung Quốc đã mua với giá 3.200 USD. Việc con bò chọi của anh Mùa Giống Tủa xuất ngoại với giá cao như vậy khiến đồng bào Mông ở Kỳ Sơn rất vui. Ngày càng có thêm nhiều người nuôi bò chọi. Nếu nói để mọi nhà đồng bào Mông nuôi và bán được bò chọi với giá cao như con bò của anh Mùa Giống Tủa là rất khó. Nhưng đây là một tín hiệu tốt để lễ hội chọi bò truyền thống của người Mông Kỳ Sơn được giữ gìn và phát triển. Và biết đâu, đến một ngày nào đó hội chọi bò ở Kỳ Sơn sẽ giống như hội chọi trâu Đồ Sơn khiến ai đi ngược về xuôi cũng nhớ... "Tết đến...người Mông ở Kỳ Sơn có hội chọi bò".


Hồ Lĩnh

Mới nhất
x
Hội chọi bò ở Kỳ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO