Hỏi - đáp pháp luật

26/05/2015 14:55

(Baonghean) - Theo thông tin chị N.T.T (TP. Vinh) cung cấp: Năm 1998 chị kết hôn với anh Q nhưng không có Giấy đăng ký kết hôn. Năm 2001, vợ chồng anh chị mua một ngôi nhà có diện tích 150 m2. Các giấy tờ liên quan đến việc mua bán nhà đều do chị T ký tên nhưng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại mang tên anh Q. Vợ chồng anh chị đã có 2 người con chung, đứa lớn sinh năm 2000, đứa nhỏ sinh năm 2008. Từ năm 2012, do anh Q có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ khác nên tình cảm vợ chồng chị rạn nứt, mâu thuẫn thường xuyên xảy ra. Gần đây nhất, vào tháng 3/2015 chị T phát hiện anh Q đang làm thủ tục chuyển nhượng ngôi nhà mà gia đình anh chị đang sinh sống cho một người khác. Chị T lo sợ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Q trong khi vợ chồng chị lại không có Giấy đăng ký kết hôn nên chị sẽ không có quyền để đòi lại ngôi nhà vốn là tài sản chung của cả hai vợ chồng.

Hỏi:

* Chị phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, không cho anh Q được phép tự ý bán ngôi nhà?

* Trong trường hợp chị làm đơn yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn thì ngôi nhà mà gia đình chị đang sinh sống sẽ được giải quyết như thế nào?

Trả lời:

l Hiện nay anh Q đang có ý định chuyển nhượng ngôi nhà mà gia đình anh chị đang sinh sống cho người khác khi không có sự đồng ý của chị là trái với quy định của pháp luật. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chị phải làm đơn ngăn chặn gửi đến UBND xã/ phường nơi anh chị đang sinh sống. Trong đơn chị phải trình bày rõ ngôi nhà là tài sản chung của anh chị nên đề nghị UBND xã/phường không cho phép anh Q thực hiện các quyền: chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cầm cố,… liên quan đến ngôi nhà.

l Ngôi nhà mà gia đình chị hiện nay đang sinh sống được mua từ năm 2001, các giấy tờ mua bán đều do chị ký tên. Tuy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Q nhưng đây là tài sản phát sinh sau thời kỳ hôn nhân nên được xác định là tài sản chung của vợ chồng.

Khoản 2, Điều 53 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về “Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn” như sau:

“Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 của luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của luật này”.

Như vậy, khi chị có đơn yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn thì tòa án sẽ thụ lý và không công nhận quan hệ vợ chồng. Việc giải quyết quan hệ tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 16, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Theo đó:

“Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.

Theo quy định này, việc chia tài sản đối với trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không tự thỏa thuận được thì tòa án sẽ tiến hành chia dựa trên công sức đóng góp của mỗi người. Việc chia tài sản ưu tiên đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con.

Văn phòng luật sư Trọng Hải & Cộng sự

Hỏi - đáp pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO