Hỏi đáp pháp luật về quyền thừa kế
(Baonghean) - 1. Bố mẹ sinh được 2 người con, ông A và em gái là bà B. Ông A lấy vợ và sinh sống cùng với bố mẹ ở quê. Bà B cùng chồng làm ăn xa quê. Năm 2002, bà B mất. Bà B có 4 người con (trong đó có 1 người con riêng). Năm 2004, mẹ ông A qua đời, đến năm 2009 bố ông cũng qua đời, nhưng không để lại di chúc. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn mang tên bố mẹ ông. Hiện nay ông muốn làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tên bố mẹ sang tên ông, nhưng những người con của bà B phản đối. Những người này cho rằng họ có quyền hưởng một phần di sản thừa kế từ người mẹ đã mất của họ.
Ảnh minh họa |
Hỏi: Việc những người con của bà B yêu cầu chia di sản thừa kế là đúng hay sai? Nếu yêu cầu của họ là đúng thì giá trị phần thừa kế mà họ được hưởng là bao nhiêu?
Trả lời:
Điều 677, Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định về thừa kế thế vị như sau: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Theo đó, năm 2002, em gái ông mất (mất trước bố mẹ ông) thì những người con của bà B sẽ được thừa kế thế vị phần thừa kế của bà B. Vì vậy, việc yêu cầu chia di sản thừa kế của các con bà B là có căn cứ.
Giá trị tài sản thừa kế mỗi người được hưởng như sau:
Do bố mẹ ông khi mất không để lại di chúc nên sẽ thực hiện việc chia di sản thừa kế theo pháp luật. Trước hết, phải xác định hàng thừa kế. Điều 676, Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định về hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Theo đó, hàng thừa kế thứ nhất như trường hợp của ông gồm có ông và bà B. Mỗi người được hưởng 1/2 di sản. Do bà B đã mất nên phần của bà B sẽ được chia đều cho 4 người con, không phân biệt con chung, con riêng.
Vì ông sống cùng với bố mẹ, có công chăm sóc, bảo vệ di sản thừa kế, nên ngoài phần thừa kế mà ông được nhận thì ông còn được hưởng một phần giá trị di sản tương ứng với công sức chăm sóc của ông.
2. Chị A trình bày: Bà nội tôi có 3 người con trai, các chú đều xây dựng gia đình và có chỗ ở ổn định. Bà sống cùng gia đình tôi trên thửa đất có diện tích 900m2. Do tuổi cao sức yếu, nên năm 1996 bà đã lập di chúc, để lại toàn bộ thửa đất này cho bố tôi. Nhưng chẳng may năm 1997 bố tôi đột ngột qua đời. Năm 1998 bà nội cũng mất. Hiện nay, các chú đã yêu cầu mẹ tôi phải chia di sản thừa kế của bà.
Hỏi: Di chúc của bà đã lập cho bố tôi có giá trị pháp lý hay không? Các chú tôi có quyền yêu cầu chia thừa kế không?
Trả lời:
Điều 667, Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định về hiệu lực pháp luật của di chúc:
1. Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc.
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm mà người để lại di chúc chết. Trong trường hợp của chị, thời điểm mở thừa kế là năm 1998, khi bà nội chị mất. Tuy nhiên tại thời điểm mở thừa kế thì bố chị đã mất cách đó một năm. Do đó, di chúc mà bà chị đã lập để định đoạt toàn bộ khối tài sản cho bố chị không phát sinh hiệu lực pháp luật, không có giá trị pháp lý. Như vậy, trong trường hợp này việc chia thừa kế sẽ không theo di chúc của bà nội chị lập năm 1996 mà chia theo quy định của pháp luật về thừa kế và người thừa kế sẽ được xác định theo hàng thừa kế. Do đó, các chú của chị có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế.
Thời điểm mở thừa kế từ năm 1998. Vì vậy, cần lưu ý đến thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Điều 645, Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định: thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Tính đến nay thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của gia đình chị đã hết. Do đó, các chú của chị không có quyền khởi kiện nữa mà sẽ thực hiện yêu cầu chia tài sản chung. Điểm 2.4, Điều 2, Mục I, Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định: Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế, hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia, thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu toà án giải quyết, thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.
Văn Phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự