Hội đồng hiến pháp hay Tòa án hiến pháp?

13/05/2013 10:46

Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ thảo luận về bản Hiến pháp mới - sửa đổi Hiến pháp 1992. Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp dự kiến gửi đến các Đại biểu QH tập chuyên khảo về mô hình Hội đồng Hiến pháp của một số nước trên thế giới. Ý của Ban Biên tập là muốn cung cấp thêm tài liệu để các vị ĐBQH có thêm căn cứ để cân nhắc, suy xét trước khi lựa chọn hình thức bảo hiến cho Hiến pháp nước ta.

(Baonghean) - Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ thảo luận về bản Hiến pháp mới - sửa đổi Hiến pháp 1992. Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp dự kiến gửi đến các Đại biểu QH tập chuyên khảo về mô hình Hội đồng Hiến pháp của một số nước trên thế giới. Ý của Ban Biên tập là muốn cung cấp thêm tài liệu để các vị ĐBQH có thêm căn cứ để cân nhắc, suy xét trước khi lựa chọn hình thức bảo hiến cho Hiến pháp nước ta.

Trên thế giới hiện nay có 8% số nước (chủ yếu là các nước đang phát triển) chọn mô hình Hội đồng Hiến pháp, 92% số nước lập Tòa án Hiến pháp để xem xét và phán quyết về các hành vi vi hiến. Ông Nguyễn Minh Tuấn, người tham gia biên soạn cuốn chuyên khảo này cho biết: “Các quốc gia thiết lập Hội đồng Hiến pháp đều có truyền thống bảo hiến rất muộn. Hầu hết đều trải qua những thời kỳ kém dân chủ và pháp quyền, bối cảnh chính trị không tạo ra nhu cầu cần thiết về một cơ quan bảo hiến.

Chính vì vậy, Hội đồng Hiến pháp là một chọn lựa chính trị an toàn cho các nhà lãnh đạo trong bối cảnh chuyển đổi chính trị chưa tạo ra đủ điều kiện để ra đời Tòa án Hiến pháp. Và như thế, các nhà lãnh đạo có thể can thiệp dễ dàng hơn vào tổ chức và hoạt động của cơ quan này. Thành lập Hội đồng Hiến pháp giúp các nước về danh nghĩa vẫn có một cơ quan bảo hiến nhưng dễ điều khiển và kiểm soát”. Như vậy, Hội đồng Hiến pháp ở các nước thường mang nhiều tính chất chính trị hơn là tính chất tư pháp. Đây là diễn đàn vừa hòa giải, vừa thỏa hiệp giữa các lực lượng chính trị của các quốc gia, vừa có ít nhiều quyền tài phán để phân xử các tranh chấp Hiến pháp.

Với tính chất chính trị bao trùm, cơ quan này khó lòng đưa ra các phán quyết dứt điểm về các vụ vi hiến. Tuy nhiên, Hiến pháp các nước này đã và đang vận động để có những cải cách chuyển Hội đồng Hiến pháp từ cơ quan đậm màu sắc chính trị sang cơ quan độc lập có quyền tài phán. Nói cách khác, Hội đồng Hiến pháp, bất luận ở quốc gia nào, đều được xem như giai đoạn sơ khai, bước đầu trên con đường hình thành Tòa án Hiến pháp trong tiến trình dân chủ hóa nhằm kiểm soát chặt chẽ các hành vi vi hiến xẩy ra ở quốc gia đó. Người ta thường lý luận, giữa Hội đồng Hiến pháp và Tòa án Hiến pháp, lựa chọn mô hình nào là tùy thuộc vào “thể chế và tập quán chính trị” của mỗi quốc gia.

Vậy, hiện nay, chúng ta nên lựa chọn mô hình nào để thích hợp với “thể chế và tập quán chính trị”? Hội đồng hiến pháp hay Tòa án hiến pháp?

Chúng ta biết rằng quyền hiến định thuộc về nhân dân nhưng cụ thể sắp tới đây, ý kiến thảo luận của các vị Đại biểu Quốc hội là rất quan trọng.

Trong cuộc họp QH sắp tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ông Nguyễn Đình Quyền cho biết, ông sẽ lên tiếng bác bỏ mô hình Hội đồng Hiến pháp để khuyến cáo cho việc thảo luận mô hình Tòa án Hiến pháp. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định: “Các nhà khoa học lưu ý mô hình Tòa án Hiến pháp về lâu dài tỏ ra thích hợp hơn mô hình Hội đồng Hiến pháp”. Nhiều vị đại biểu trong ban soạn thảo cho rằng: “Cần làm rõ lý do vì sao chúng ta lựa chọn đi theo một mô hình chỉ chiếm thiểu 8% số quốc gia trên thế giới, đồng thời cần tính đến các bước cải cách tiếp theo ở Việt Nam để xây dựng một cơ chế bảo hiến hữu hiệu”.

Như vậy, chúng ta thấy xu thế lựa chọn mô hình bảo hiến bằng Tòa án Hiến pháp đang được ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội hết sức quan tâm. Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp cũng đang tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện văn bản để trình kỳ họp QH sắp tới. Các ý kiến tranh luận về vấn đề này đang rất rộng mở. Ban dự thảo đang chờ ý kiến góp ý của toàn dân…


Thạch Quỳ

Hội đồng hiến pháp hay Tòa án hiến pháp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO