Hội nghị thượng đỉnh NATO: Nợ cũ với Nga chưa dứt

05/09/2014 10:36

(Baonghean) - Nhân Hội nghị thượng đỉnh khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Anh trong 2 ngày (4 và 5/9), phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học Bộ Công an để cùng nhìn lại quá trình can thiệp quân sự và việc điều chỉnh chiến lược của khối Liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này.

TIN LIÊN QUAN

Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Cardiff tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO được cho là quan trọng nhất kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Cardiff tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO được cho là quan trọng nhất kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ. Ảnh: THX

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, Thiếu tướng có thể tóm tắt, khái quát quá trình hình thành và phát triển của khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đến nay đã tồn tại được 65 năm. Thỏa thuận thành lập được ký tại hội nghị ở Washington ngày 4/4/1949, tiền thân của tổ chức này gồm 12 quốc gia thành viên: Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Ý, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Na Uy, Iceland. Một số quốc gia khác gia nhập vào NATO sau này như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ (18/8/1952), Cộng hòa liên bang Đức (5/5/1955), Tây Ban Nha (30/5/1982). Bản thân khối quân sự lớn nhất hành tinh này ra đời với mục đích chống lại Liên Xô, hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc. Trong quá trình phát triển, NATO đã có những thay đổi về quy mô và chiến lược đáng lưu ý sau:

Về mặt quy mô, năm 1991, Liên bang Xô viết tan rã, khối hiệp ước Vác-sa-va giải thể, NATO không còn cơ sở chính trị để tồn tại. Không những không giải thể, NATO còn trải qua 2 đợt mở rộng về quy mô. Lần thứ 1 kéo dài từ năm 1991 đến năm 1997. Lần thứ 2 từ năm 2002 đến năm 2004. Qua 2 lần mở rộng, NATO đã kết nạp tất cả các nước Đông Âu làm thành viên, kéo đường biên giới an ninh sát vào Nga, đồng nghĩa với việc không gian an ninh chiến lược của Nga bị thu hẹp lại. Việc này đã thỏa thuận không kết nạp thêm các nước thuộc Liên Xô cũ và không đặt các căn cứ quân sự tại các nước Đông Âu mà NATO thỏa thuận với Liên Xô khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1991.

Về đường lối chiến lược, NATO có 2 lần điều chỉnh, gắn liền với từng thời kỳ suy thịnh của khối Liên minh này. Trước năm 1999, NATO ở trong trạng thái đối đầu với khối Vác-sa-va, xem Nga là đối tượng đấu tranh hàng đầu, tức đối tượng của an ninh quân sự truyền thống. Thập niên 90 có thể được xem là thời kỳ cực thịnh của NATO, gắn liền với thời kỳ mà Mỹ đạt siêu cường. Tuy nhiên, về chính trị, NATO rơi vào khủng hoảng chia rẽ nội bộ. Liên Xô tan rã, đối tượng đấu tranh chung không còn, các nước châu Âu đòi hỏi một cách tự nhiên quyền tự chủ của mình, bớt phụ thuộc vào Mỹ về quân sự, chính trị và kinh tế. Năm 1999, NATO đặt vấn đề định hình lại hoạt động của tổ chức, bắt đầu chuyển trọng tâm từ phòng vệ tập thể khu vực sang hoạt động chính trị quân sự mang tính toàn cầu. Lần điều chỉnh chiến lược thứ 2 là vào năm 2010, nhân Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Lisbon 2 ngày (19 và 20/11). Đây là mốc đánh dấu bước ngoặt rõ nét về chiến lược của NATO, chính thức chuyển trọng tâm từ an ninh quân sự truyền thống sang an ninh phi truyền thống, tức chống khủng bố. Làm bước đệm cho cú hích này, không thể không kể đến sự kiện khủng bố nhằm vào Tòa tháp đôi và Lầu năm góc tại Mỹ. Không chỉ thay đổi cục diện chính trị thế giới, sự kiện này còn tạo lý do, điều kiện cho NATO thay đổi cách thức tác chiến. Đây cũng là khoảng thời gian “trăng mật” ngắn ngủi (2009 - 2010) giữa Nga và Mỹ, mà nổi bật nhất là sự kiện mang tính hình thức chính trị nổi tiếng: Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton trao tặng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov một chiếc điều khiển bấm nút quay lại từ đầu.

Từ năm 2010 đến năm 2013, NATO tiếp tục trung thành với chiến lược tập trung chống khủng bố tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Ukraina có lẽ đã mở đầu cho một giai đoạn mới.

Phóng viên: Trong quá trình can thiệp quân sự ra bên ngoài của khối NATO, có những mốc sự kiện nào đáng lưu ý thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong lịch sử 65 năm tồn tại của mình, NATO có 3 cuộc can thiệp quân sự lớn.

Đầu tiên là cuộc tấn công Liên bang Nam Tư từ ngày 24/3 đến ngày 10/6/1999. Trước đó, Nam Tư là một quốc gia độc lập có chủ quyền, là thành viên Liên Hợp quốc, không hề đe dọa bất cứ một quốc gia nào. Mỹ và NATO phát động cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư, thực hiện 35.000 cuộc oanh kích; huy động gần 1.000 máy bay các loại; ném xuống Nam Tư 79.000 tấn bom đạn, đặc biệt, trong đó có 37.400 tấn bom chồm bị Công ước Viên của Liên Hợp quốc cấm sử dụng trong chiến tranh; phóng 32.300 quả tên lửa vào 990 mục tiêu; làm hơn 2.500 người chết, trong đó có 88 trẻ em và hơn 10.000 người bị thương. Hầu như toàn bộ cơ sở hạ tầng kinh tế của Nam Tư bị phá hủy, ước tính thiệt hại về kinh tế lên đến 100 tỷ đô la. Sau đó, NATO dựng lên nhà nước Kosovo, xin nói rõ thêm: Kosovo vốn là 1 tỉnh của Nam Tư, chưa từng tách ra khỏi quốc gia này. Cuộc can thiệp quân sự này của NATO hoàn toàn vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc. Điều 2, Hiến chương Liên Hợp quốc quy định: Trong quan hệ quốc tế, các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc không được đe dọa vũ lực và dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Cuộc can thiệp quân sự thứ 2 nhằm vào quân Taliban, Afghanistan tháng 10/2001, sau sự kiện khủng bố 11/9. Tháng 3/2003, NATO tấn công Cộng hòa Iraq, 1 quốc gia mạnh và có chủ quyền ở Trung Đông. Chính quyền George Bush thông báo với người Mỹ và cộng đồng quốc tế rằng chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein sở hữu vũ khí giết người hàng loạt và có mối liên hệ chặt chẽ với tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda. Cuộc chiến tranh phi nghĩa này bị Liên Xô, Trung Quốc, cộng đồng quốc tế và thậm chí là các đồng minh truyền thống của Mỹ như Đức, Pháp cực lực phản đối. Hậu quả, nửa triệu người Afghanistan và Iraq thiệt mạng, hơn 1 triệu bị thương tật suốt đời, 4 triệu người phải tha phương cầu thực. Về phía Mỹ, các học giả người Mỹ tính toán tổn thất về người lên đến gần 6.000 lính Mỹ, về tiền của là 1.500 tỷ đô la. Hơn 10 năm sau Chiến tranh vùng vịnh, 2 quốc gia này đến nay vẫn trong tình trạng hỗn loạn. Một sản phẩm khác của cuộc chiến tranh tại Iraq là tổ chức IS, tức Nhà nước hồi giáo Iraq. Năm 2005, 2 năm sau khi Mỹ lật đổ chính quyền Saddam Hussein, trùm khủng bố Bin Laden đã tổ chức 1 chi nhánh của al-Qaeda tại Iraq, với mục tiêu đánh bom liều chết nhằm vào các binh lính Mỹ và binh lính Iraq thân Mỹ. Đây chính là tiền thân của IS. Tổ chức này hoạt động ở Iraq từ năm 2005 đến năm 2010. Chiến sự ở Syria bùng nổ, tổ chức này chuyển sang đầu quân cho phe đối lập, là lực lượng chủ lực chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Mỹ và phương Tây đã hỗ trợ mọi mặt cho lực lượng này từ năm 2011 đến năm 2013. Cuối năm 2013, cục diện ở Syria thay đổi, chính quyền của ông Assad thắng thế. Đầu năm 2014, tổ chức khủng bố này quay trở lại Iraq, hình thành cái gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq. Nhà nước khủng bố lần đầu tiên trong lịch sử này còn vượt xa tổ chức al-Qaeda về độ tàn bạo. Điểm khác biệt thứ 2 là tham vọng bao chiếm các vùng có người Hồi giáo Sunni ở Trung Đông. Kết lại, đây là cuộc can thiệp lâu dài nhất, phức tạp nhất, đẫm máu nhất và cũng là thất bại lớn nhất của NATO.

Cuộc can thiệp quân sự thứ 3 diễn ra vào tháng 3/2011. Trước tình hình xung đột đẫm máu ở Libya, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã đưa ra Nghị quyết 1972, cho phép Mỹ và NATO thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Libya, ngăn chặn máy bay của chính quyền Gaddafi ném bom và tên lửa vào người biểu tình. Lợi dụng điều này, Mỹ và NATO đã tổ chức không kích, dùng tên lửa hủy diệt toàn bộ cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, tiêu diệt lực lượng vệ binh cộng hòa và cuối cùng tiêu diệt ông Gaddafi.

Cả 3 lần can thiệp quân sự ra nước ngoài của NATO đều vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc, làm lộ rõ bản chất của Liên minh quân sự này.

Phóng viên: Trên bàn đàm thảo lần này, NATO sẽ bàn về những vấn đề gì và có thể có những can thiệp, điều chỉnh gì không thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nếu như Hội nghị Lisbon xác định Nga không còn là đối tượng tác chiến an ninh truyền thống chủ yếu thì sau khủng hoảng Ukraina, NATO sẽ nhìn nhận lại Nga bằng con mắt khác. Đối với Washington và Bruxelles, Nga trở lại là một đối tượng an ninh truyền thống trong khu vực, ở đây đã có một sự dịch chuyển về nhận thức. Đứng trên góc độ khoa học, tôi cho rằng nhận thức này là chủ quan, Nga không có bước ngoặt nào mà chỉ làm những điều tất yếu. Nhưng trong mắt Washington và Bruxelles, đó lại là những ý đồ mới đến từ một đối tượng cũ. Một lần nữa, họ xem Nga là mối đe dọa trực tiếp đến toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ các nước châu Âu, đặc biệt là các nước Trung Âu, Đông Âu và Baltic. Các giải pháp trên bàn đàm thảo bao gồm: thành lập một đội phản ứng nhanh châu Âu, lập thêm căn cứ quân sự tại các nước Trung Âu, Đông Âu và Baltic, đóng quân luân phiên cố định. Trước mắt, NATO thỏa thuận tăng cường hợp tác, can dự, tập trận, đặc biệt là ở Đông Âu và Baltic để răn đe Nga và đảm bảo với các nước này rằng NATO có đầy đủ khả năng bảo vệ chủ quyền. Giải quyết vấn đề liên quan đến Nga gặp các khó khăn sau:

Thứ nhất, về nhận thức, các nước trong NATO không phải bao giờ cũng có cùng quan điểm về Nga. Các nước Trung Âu, Đông Âu và Baltic giữ thái độ căng thẳng, đối lập Nga. Ngược lại, các nước Tây Âu trụ cột của Liên minh châu Âu như Liên bang Đức, Ý, Pháp lại có quan niệm khác. Họ đồng tình rằng cần phải giải quyết, cấm vận, trừng phạt, nhưng Nga về cơ bản vẫn là một đối tác. Như vậy, chi phối về lợi ích dẫn đến việc không dễ dàng thống nhất nhận thức về Nga ngay trong nội bộ châu Âu. Còn nói về nội bộ NATO, 1 bên là Mỹ nắm vai trò chủ đạo và không có quá nhiều ràng buộc về lợi ích kinh tế với Nga, 1 bên là các nước châu Âu chiếm đa số thành viên trong Liên minh và ràng buộc chặt chẽ với Nga về kinh tế, năng lượng. Các học giả châu Âu tỉnh táo đã nói, và tôi cho là đúng, “không có Nga thì không thành châu Âu”. Nhất là một châu Âu trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, hệ thống nhà băng của Bồ Đào Nha, Bungary bên bờ sụp đổ; bóng ma nợ công tái hiện lại tại Hy Lạp, Ý, Nam Âu. Bây giờ ra đòn mạnh với Nga chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến châu Âu.

Thứ hai, bên cạnh cuộc khủng hoảng Ukraina nổi lên như một vấn đề nóng, Hội nghị lần này của NATO còn phải đối mặt với các thách thức mới khác như: Sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đe doa khủng bố tại Trung Đông; chiến tranh mạng. Như vậy, ngoài việc sửa chữa sai lầm là xao nhãng đối thủ tưởng chừng đã “ngủ đông” từ 10 năm nay của an ninh truyền thống, NATO phải tiếp tục cuộc chiến an ninh phi truyền thống và giữ được phạm vi hoạt động toàn cầu của khối Liên minh. Vẫn trong dư âm của cuộc đại khủng hoảng kinh tế Mỹ năm 2008 và tại Eurozone năm 2010, kinh phí quân sự bị cắt giảm (Mỹ phải cắt giảm 100 tỷ USD trong vòng 10 năm), rõ ràng NATO đang đứng trước nhiều thách thức lớn.

Phóng viên: Thiếu tướng có thể đưa ra dự báo về mối quan hệ Nga – NATO sau hội nghị này không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Dưới góc nhìn chiến lược, tôi nghĩ đến 3 kịch bản: thứ 1 là sẽ tốt lên, thứ 2 là sẽ xấu đi hoặc tiếp tục tình trạng dây dưa không dứt khoát, thứ 3 là xung đột quân sự. Hiện tất cả các bên liên quan đang đứng 2 bên bờ vực thiếu lòng tin, thậm chí là thù hận. Vướng mắc này là do Nga và NATO còn đối lập nhau về mặt nhận thức. Nga thì cho rằng Washington và Bruxelles chủ động tạo ra cuộc khủng hoảng Ukraina và kéo Nga vào để làm Nga suy yếu. Ngược lại, Washington và Bruxelles cho rằng Nga mới là kẻ gây sự, xâm phạm luật pháp quốc tế và lãnh thổ Ukraina. Đứng từ quan điểm của người ngoài cuộc, các học giả Canada nhận định rằng, sai lầm phần lớn nằm ở phía Washington và Bruxelles. Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraina và việc Nga thu hồi Crimea là hậu quả của cuộc đảo chính vi hiến do Washington và Bruxelles chỉ đạo. Mâu thuẫn với nhau là thế, nhưng tôi xin loại trừ kịch bản thứ 3: Khả năng xảy ra xung đột là rất thấp, bởi cả Nga và NATO đều chưa sẵn sàng nhảy vào một cuộc chiến, trừ phi có những tính toán sai lầm, bên này đẩy bên kia vào chân tường. Nhưng trước vực thẳm của cuộc chiến tranh hủy diệt, bất cứ quyền lực nào cũng phải tỉnh táo. Khả dĩ nhất là kịch bản thứ 2: còn lâu mới khôi phục lại được quan hệ Nga – NATO. Nhưng nên nhớ rằng, họ mâu thuẫn nhau nhưng đồng thời cũng cần nhau. Không có Nga, Mỹ không thể giải quyết được việc rút quân khỏi Afghanistan, xung đột Syria, chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của Iran, loại bỏ vũ khí hàng loạt. Vai trò của Nga trong những vấn đề đó là hết sức quan trọng, hơn cả Trung Quốc.

Ngược lại, Nga cũng rất cần Mỹ và châu Âu. Với trình độ công nghệ kỹ thuật tụt hậu hơn phương Tây, chắc chắn Nga sẽ không đối phó được và không giữ được độc lập về kinh tế trong cuộc hội nhập quốc tế. Trong kế hoạch 10-15 năm vực dậy nền kinh tế Nga, ông Putin có chính sách mở cửa thu hút FDI của châu Âu và Mỹ để nâng trình độ công nghệ kỹ thuật. Trong 8 tháng vừa rồi, 70 tỷ đô la FDI đã rút khỏi Nga, đó là minh chứng rõ ràng của việc Nga chịu ảnh hưởng do rạn nứt quan hệ với phương Tây. Ngoài kinh tế, Nga cũng cần hợp tác với phương Tây trong cuộc chiến an ninh phi truyền thống, cụ thể là giải quyết các vùng tự trị trong nước. Nếu đặt mâu thuẫn và ràng buộc giữa 2 thế lực lên bàn cân thì kết quả là 50-50, như vậy quan hệ Nga – NATO nói chung và quan hệ Nga – Mỹ nói riêng dự báo sẽ bước vào một thời kỳ thăng trầm, băng giá, nhưng khó mà dẫn đến chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng thì hoàn toàn không thể xảy ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi này!

Thục Anh (Thực hiện)

Hội nghị thượng đỉnh NATO: Nợ cũ với Nga chưa dứt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO