Hội nghị trực tuyến tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000
(Baonghean.vn) - Sáng 16/4, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, phó Thủ tướng Chính phủ; Hà Hùng Cường- Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện Viện Kiểm sát, Toà án nhân dân tối cao, một số bộ, ngành TƯ. Điểm cầu Nghệ An do đồng chí Thái Văn Hằng- Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Đánh giá của Bộ Tư pháp sau 13 năm thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình khẳng định: Luật Hôn nhân và Gia đình đã có tác động tích cực đến việc đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; góp phần xây dựng hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Nghệ An
Nhằm đáp ứng được các yêu cầu khách quan của thực tiễn hôn nhân và gia đình Việt Nam, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi sẽ tập trung vào 10 nội dung lớn, trong đó có nhiều vấn đề bất cập và nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế nhưng chưa được Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đưa vào như: mang thai hộ, độ tuổi kết hôn, kết hôn giữa những người đồng giới, ly hôn, kết hôn có yếu tố nước ngoài…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với dự thảo báo cáo mục tiêu, quan điểm và một số định hướng lớn trong xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 do Bộ Tư pháp soạn thảo. Đồng chí cũng nêu ra 5 định hướng cần tập trung thảo luận. Trong đó, cần xác định rõ mục tiêu và quan điểm lớn trong xây dựng dự án luật; Cần rà soát lại các văn bản trước và tiếp thu có chọn lọc pháp luật về hôn nhân và gia đình của các nước, nhất là những nước có nền văn hoá tiến bộ và gần gũi với Việt Nam; Việc giải quyết các mối quan hệ cần dựa trên đặc thù của luật hôn nhân-gia đình và các luật khác theo hướng tôn trọng quyền con người; Cần tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp với phong tục tập quán của tất cả các dân tộc Việt Nam; Xây dựng dự án luật cần xuất phát từ vấn đề tôn trọng quyền con người, quyền công dân; Đề nghị các bộ, ngành TƯ và địa phương đề cao trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để sửa đổi luật có chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đáp ứng quyền cơ bản cao nhất của con người.
Mỹ Hà