Hồi sinh nghề trồng dâu nuôi tằm
(Baonghean) - Vào những năm 70 của thế kỷ trước, xã Khánh Sơn (Nam Đàn) được mệnh danh là thủ phủ dâu tằm tơ của tỉnh với tổng diện tích trồng dâu lên đến 130 ha; có 2 hợp tác xã ươm tơ và gần 700 hộ tham gia làm nghề. Thế nhưng do biến cố "con tàu mắc cạn", làm ăn thua lỗ của Công ty Dâu tằm tơ Nghệ An dẫn đến sản phẩm bế tắc đầu ra, đến năm 1995 thì đồng đất Khánh Sơn gần như vắng bóng cây dâu, người nông dân đành dứt áo với nghề "ăn cơm đứng"... Từ đầu năm 2012 đến nay, giá kén tằm trên địa bàn tỉnh đã tăng và có đầu ra ổn định, tạo động lực cho nhiều hộ ở Khánh Sơn quay lại với nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống; diện tích cây dâu dần được khôi phục và mở rộng.
Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn) đang dần được khôi phục. |
Chẳng ai biết nghề trồng dâu, nuôi tằm ở vùng đất Nam Hoành (giờ là xã Khánh Sơn) có từ bao giờ, chỉ biết rằng trong hồi ức của những người cao tuổi thì xưa kia đã bạt ngàn những bãi dâu xanh trải dài tít tắp, nuôi sống cả một làng nghề. Ngày đó, những người có kinh nghiệm nuôi tằm trong làng đã có thể nhận rõ con ngài đực, ngài cái để ghép đôi úp giống, nhằm chọn lọc ra giống tằm tốt, nhả kén đẹp và cho năng suất cao... Anh Hồ Đệ, xóm trưởng xóm 9 - là một trong những hộ có diện tích trồng dâu lớn của xã (hơn 5 sào dâu) cho biết: “Từ năm 2011 trở lại nay do thị trường kén tằm được giá, tính ra nghề trồng dâu, nuôi tằm có thu nhập cao hơn so với trồng ngô, lạc. Lứa tằm đầu tiên của năm 2014, chúng tôi đã rất phấn khởi vì kén tằm vừa trúng mùa vừa được giá; năng suất kén trung bình đạt 12 - 15 kg/vòng trứng, giá tiêu thụ tại chỗ đạt 60.000 - 70.000 đồng/kg kén vàng, giá tằm thương phẩm cũng đạt 60.000 đồng/kg; tính ra hơn 5 sào dâu thu về khoảng 20 triệu đồng/năm.
Thông thường chu kỳ sinh trưởng của con tằm trong vòng 25 ngày là thu hoạch 1 lứa kén, nuôi tằm tuy lợi nhuận thu về một lần không lớn bằng các đối tượng nuôi khác, nhưng có thu nhập thường xuyên vì nó kéo dài từ tháng 2 đến tháng 10 DL, trung bình được 9 - 10 lứa /năm. Nếu không may gặp phải lứa tằm bị bệnh cho năng suất không cao, hoặc tằm hư không cho thu hoạch cũng chỉ tiếc cái công chứ đồng vốn tính ra chẳng bao nhiêu. Ngoài bán tằm thương phẩm, bán kén, chúng tôi còn thu hoạch được sản phẩm phụ là phân tằm phục vụ rất tốt cho sản xuất nông nghiệp”.
Cho dù có lúc "lao đao" bởi đầu ra không có, tư thương ép giá kén xuống chỉ còn vài chục nghìn đồng/1kg, nhưng nhiều người đã từng nuôi tằm vẫn khẳng định: Đối với nông dân vùng bãi, khó có nghề gì phù hợp và hiệu quả như nghề trồng dâu, nuôi tằm. Sức thuyết phục không hẳn vì đây là nghề từ thời "các cụ", mà nghề này đầu tư, chi phí thấp, lại tận dụng được lao động dôi dư, kể cả người già và trẻ em. Là người có tiếng “ăn nên làm ra” nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm, chị Nguyễn Thị Vân (ở xóm 10 - Khánh Sơn I) chia sẻ kinh nghiệm: Nghề nuôi tằm không nhàn hạ và cũng không phải là dễ. Do tuổi đời của con tằm rất ngắn, nên công tác phòng bệnh phải được tiến hành ngay từ khâu đem trứng về nuôi. Chúng thường mắc các bệnh như bị bủng, vôi hoá...
Cách phòng bệnh đơn giản là phải giữ vệ sinh sạch sẽ, đặt nuôi ở vị trí thoáng mát; lá dâu phải đảm bảo xanh, sạch, khô ráo, không nhiễm bẩn. Trước đây, chúng tôi thường mua trứng tằm của Công ty Dâu tằm tơ Nghệ An chất lượng luôn đảm bảo. Sau này công ty giải thể, người dân chỉ còn biết trông cậy vào tư thương, trứng tằm trắng nhập từ Trung Quốc nhiều năm đã ảnh hưởng tới chất lượng kén, khiến giá bán thấp hoặc làm chậm thời vụ. Thông thường với mỗi vòng trứng có thể chia ra thành 15 nong tằm, nhưng tùy thuộc vào từng vòng, có khi chia đủ, khi thì không. Và chất lượng trứng không phải lúc nào cũng được bảo đảm, lứa vừa rồi nhà tôi nuôi 3 vòng trứng nhưng nở kém nên phải đổ bỏ".
Ông Đặng Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn cho biết thêm: Là địa phương có diện tích bãi bồi ven sông lớn, lượng phù sa bồi đắp hàng năm nhiều nên cây dâu thực sự là cây trồng mũi nhọn, chỉ cần cắm cành dâu xuống đất, ngoảnh đi ngoảnh lại lá dâu đã xanh tốt bời bời. Đặc biệt khi lụt về, dâu còn là loại cây trồng chống xói mòn, rửa trôi, giữ lại phù sa làm tăng độ phì nhiêu cho đất bãi. Và từ năm 2010, với những tín hiệu khả quan trên thị trường, cùng với chủ trương phục hồi, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống của huyện Nam Đàn, Khánh Sơn đã tích cực vào cuộc xây dựng Đề án "Khôi phục và phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống"; mở rộng diện tích trồng dâu lên 15 ha ở vùng bãi Soi, đất ven sông.
Đối với những diện tích trồng mới, ngoài chính sách của tỉnh (nếu trồng dâu giống Sa nhị luân, hỗ trợ 100 đồng/cây, tương đương 4,8 triệu đồng/ha ), huyện cũng hỗ trợ thêm 50 đồng/cây, xã giảm 50% phí thu dịch vụ trong 2 năm trên diện tích trồng dâu. Chủ trương của xã đến vụ xuân 2015 sẽ tổ chức họp dân các xóm 1, 2, 3, 4, 5 - Khánh Sơn II, tiếp tục quy hoạch trồng khoảng 20 ha dâu trên vùng bãi Soi và xứ đồng Trung Giang, Trung Mỹ.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng dâu thì việc chăm sóc tốt để cây dâu cho nhiều lá, năng suất cao là yếu tố rất quan trọng. Theo nhiều hộ dân làm nghề, trước đây trồng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm nên cây dâu sinh trưởng và phát triển không ổn định, có những mùa vụ hàng loạt diện tích dâu bị nhiễm bệnh, cây bị nấm và xoăn lá dẫn tới không đủ thức ăn cho tằm. Khoảng 3 năm trở lại đây, người dân đã chú trọng đến việc học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu phòng trừ sâu bệnh, bón phân cho ruộng dâu, hay vệ sinh phòng bệnh và các dụng cụ nuôi tằm sạch sẽ bằng thuốc chuyên dụng, cách bảo quản trứng ở nơi thoáng khí, sạch mát hay việc chú ý không để các loại hóa chất lạ, côn trùng vào nơi nuôi tằm… Hiện toàn xã có 120 hộ theo nghề, tập trung chủ yếu ở xóm 8, 9, 10 (Khánh Sơn I); sản lượng mỗi năm đạt gần 15 tấn kén.
Có 4 hộ chuyên cung ứng trứng tằm, thuốc phòng trừ dịch bệnh và thu mua kén tằm trong vùng xuất bán đi Đô Lương, Thanh Chương... nên phần nào bà con cũng yên tâm hơn về đầu ra. Những hộ trồng dâu, nuôi tằm năm nay rất phấn khởi, vì từ đầu năm đến giờ tằm nhả kén đẹp, lại bán được giá. Nếu không gặp rủi ro, thu nhập bình quân của hộ trồng dâu, nuôi tằm đạt trung bình 15 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ đạt trên 20 triệu đồng như gia đình anh Phạm Viết Nam ở xóm 8 (trồng 7 sào dâu, nuôi 12 - 15 lứa/năm), anh Phạm Sỹ ở xóm 9 (trồng 5 sào dâu), anh Lê Kỳ ở xóm 10 (trồng 4 sào dâu)... Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc cung ứng trứng tằm và đầu ra sản phẩm đều qua tay tư thương, vì thế không tránh khỏi các trường hợp ép giá; trứng tằm trôi nổi không qua kiểm định của các cơ quan chức năng nên khó bảo đảm về chất lượng "…
Sự trở lại của nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Khánh Sơn là điều đáng mừng, không chỉ có ý nghĩa phục hồi lại một làng nghề truyền thống mà còn là bước phát triển kinh tế hộ phù hợp ở địa phương, đem lại mức thu khá so với bình quân thu nhập của vùng nông thôn. Đây cũng là chủ trương đúng đắn cần được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ bà con tìm hướng khắc phục khó khăn. Trước hết là giúp bà con nguồn tằm giống bảo đảm chất lượng, có chính sách quy hoạch làng nghề rõ nét hơn với vùng chuyên canh cây dâu, đưa các giống dâu có năng suất cao, khả năng chống sâu bệnh tốt vào trồng rộng rãi. Và hơn nữa, duy trì hoạt động của hợp tác xã dâu tằm tơ Nam Sơn với mô hình kết hợp nhiều loại dịch vụ để phục vụ và khuyến khích bà con duy trì nghề tằm tơ truyền thống.
Ngọc Anh