Hội thảo "Báo chí với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc"
Vừa qua, tại Bình Định, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo “Báo chí với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc”.
Tại hội thảo, các báo cáo của nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà quản lý và nhà báo đã đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí trong nước đã đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, cổ vũ việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời nhấn mạnh báo chí Việt Nam cần quan tâm hơn nữa trong việc giới thiệu, quảng bá các di sản văn hoá dân tộc phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế du lịch, làm cho bạn bè quốc tế hiểu biết thêm nhiều di sản văn hoá có giá trị để các Tổ chức Văn hoá quốc tế công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Theo Giáo sư Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam: Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy việc ra đời của Luật Di sản văn hóa dân tộc. Nhờ báo chí mà sự xâm hại các di sản văn hóa được ngăn chặn; các lễ hội dân gian hàng năm được tiến hành trong không khí trang nghiêm, hấp dẫn và phấn khởi; giúp các cơ quan Nhà nước biết, tạo sự chuyển biến và quan tâm đến việc bảo vệ, đầu tư kinh phí để bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc.
Trong thời gian tới, báo chí cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá nhiều hơn về các di sản văn hoá dân tộc đã được Nhà nước và quốc tế công nhận.
Việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa quan trọng, nhằm huy động đông đảo lực lượng báo chí tham gia giới thiệu và quảng bá việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, nhất là trong khi các ngành chức năng đang đề nghị UNESCO công nhận Di sản Bài chòi miền Trung là di sản văn hoá thế giới; qua đó góp phần làm sáng tỏ hơn về công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa tại các địa phương, tìm ra bài học hay và kinh nghiệm hữu ích trong việc trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Theo Dulich.vn