Hội thảo kỷ niệm 60 năm Hiệp định Giơ-ne-vơ tại Ấn Độ
Ngày 24/7, hội thảo kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (Geneva) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (20/7/1954 - 20/7/2014) do Đại sứ quán Việt Nam cùng Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA) phối hợp tổ chức đã diễn ra sôi nổi tại trụ sở IDSA.
Quang cảnh hội thảo. |
Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ phụ trách về phương Đông Anil Wadhwa, các chuyên gia nghiên cứu tại IDSA, giáo sư các trường đại học, một số cựu Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, cùng cán bộ Đại sứ quán và các phóng viên báo chí đã tham dự hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Tân đã nhắc lại tiến trình Hội nghị Giơ-ne-vơ và nhấn mạnh rằng Hiệp định Giơ-ne-vơ là thắng lợi lớn mang ý nghĩa quan trọng đối với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Lần đầu tiên Chính phủ Pháp và các nước tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ đã cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Hiệp định này có tầm quan trọng về pháp lý và tạo nền móng vững chắc cho nhân dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi hoàn toàn.
Thành công của Hội nghị Giơ-ne-vơ là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước, quyết tâm giành độc lập, khát vọng tự do và yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Đó cũng là thắng lợi đối với ngành ngoại giao cách mạng non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi lần đầu tiên tham gia một hội nghị quốc tế nhiều bên…
Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Tân, sau gần 30 năm thực hiện các cuộc cải cách toàn diện, với sự lãnh đạo sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Việt Nam đã thành công trong việc duy trì sự ổn định chính trị, ổn định xã hội, giảm nghèo, từng bước nâng mức sống về vật chất và tinh thần cho người dân.
Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đã có sự hội nhập sâu sắc hơn. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nước lớn và các nước láng giềng. V
Việt Nam đã tích cực tham gia các tổ chức quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM, LHQ…và đóng góp tích cực trong duy trì hòa bình, an ninh khu vực và trên thế giới. Uy tín và vị trí quốc tế của Việt Nam được củng cố vững chắc. Trải qua các cuộc chiến tranh, nhân dân Việt Nam hiểu giá trị của hòa bình. Tuy nhiên, Việt Nam hiểu hòa bình phải gắn liền với độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Đại sứ Nguyễn Thanh Tân đánh giá cao vai trò của Ấn Độ đối với hòa bình ở Đông Dương, cũng như trong Ủy ban quốc tế giám sát Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ. Năm 1954, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã tới thăm Hà Nội, sau đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã tới thăm New Delhi. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Ấn Độ. Trong những năm gần đây, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu vì lợi ích và thịnh vượng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, đoàn kết trong khu vực và toàn thế giới.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Anil Wadhwa nhấn mạnh kỷ niệm 60 năm Hiệp định Giơ-ne-vơ cũng là dịp để hun đúc quan hệ Việt Nam và Ấn Độ, mối quan hệ được xây dựng trên nền móng của sự tin cậy và hợp tác giữa hai nước trong các thời kỳ.
Ông Wadhwa nhận định Ấn Độ và Việt Nam có truyền thống quan hệ gần gũi lâu đời. Hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ và mối quan hệ đối tác chiến lược trong hòa bình, quan hệ song phương Ấn-Việt đang ở thời điểm phát triển mạnh mẽ. Các mối quan hệ lịch sử cùng với sự hội tụ về lợi ích chiến lược và an ninh đang mở rộng và làm sâu sắc các mối quan hệ kinh tế và văn hóa giữa hai nước.
Những thay đổi về địa-chính trị nhanh chóng trong khu vực đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam và Ấn Độ. Để khai thác hết tiềm năng theo cách thức hai bên cùng có lợi, đồng thời cùng nhau vượt qua những thách thức có thể đe dọa lợi ích chung, Ấn Độ và Việt Nam cần hợp tác với nhau. Việt Nam phải tin rằng Ấn Độ sẽ là người bạn “trong mọi hoàn cảnh” của Việt Nam.
Các cựu Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Ấn-Việt K.L Malhotra, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ Trần Quang Tuyến, Trưởng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Ấn Độ, Đại tá Phạm Thanh Lượng, cùng một số học giả đã trình bày các tham luận về ý nghĩa của Hiệp định Giơ-ne-vơ và tiến trình phát triển quan hệ Ấn Độ-Việt Nam.
Theo Vietnam+