Hội thảo “Quyền được học nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi”
Hưởng ứng ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12) năm nay với chủ đề: “Gạt bỏ rào cản để xây dựng một xã hội hòa nhập và tiếp cận cho tất cả mọi người”, sáng nay 30/11, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh tổ chức Hội thảo với chủ đề “Quyền được học nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi”.
(Baonghean.vn) - Hưởng ứng ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12) năm nay với chủ đề: “Gạt bỏ rào cản để xây dựng một xã hội hòa nhập và tiếp cận cho tất cả mọi người”, sáng nay 30/11, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh tổ chức Hội thảo với chủ đề “Quyền được học nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi”.
Tới dự có đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Đức Hoán - Trưởng ban Chính sách pháp luật Trung ương hội và đại biểu các ban, ngành liên quan.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường phát biểu tại hội thảo
Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có gần 230.000 người khuyết tật và trẻ mồ côi, trong đó trên 203.000 người chịu khuyết tật các loại như: Khuyết tật vận động gần 60.000 người (chiếm 29,41%); Khuyết tật nghe nói 33.500 người (16,41%); khuyết tật nhìn 28.215 (13,84%); khuyết tật thần kinh, tâm thần 34.290 (16,82%); khuyết tật trí tuệ 13.292 (6,52%); khuyết tật khác 34.657 (17%).
Với mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Hội thảo đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể: giai đoạn 2012 -2015 có 3.000 người khuyết tật trong trong tỉnh còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh; 60% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục …
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh: Người khuyết tật cần được hòa nhập và có quyền được lao động học tập, làm việc để đảm bảo cuộc sống bản thân và gia đình. Trách nhiệm của xã hội và cộng đồng là phải tạo điều kiện để họ được lựa chọn theo khả năng, có cơ hội việc làm; đồng thời tạo việc làm phù hợp cho người khuyết tật còn góp phần giảm bớt TNXH.
Cũng trong Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng, nhu cầu học nghề, độ tuổi nào loại tật nào thì được học nghề gì; thời gian đào tạo và chính sách sử dụng sau học; vấn đề về tuyển dụng; tạo điều kiện về sản xuất kinh doanh như đất, vốn, dự án và những vấn đề liên quan khác.
Thanh Nga