Hồi ức và ước nguyện của một người lính Thành cổ Quảng Trị

(Baonghean.vn) - Là chiến sỹ đơn vị C10 – D15 – E284 –F367 pháo cao xạ 37ly, từng trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng trị trong “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, ông Nguyễn Văn Ngội luôn tự hào về chiến công của đơn vị. Nhưng ông và các đồng đội còn rất đỗi băn khoăn khi đơn vị mình chưa được ghi danh ở Bảo tàng Thành cổ.

Lần đầu dùng pháo phòng không diệt bộ binh địch

Cuối năm 1971, tôi (Nguyễn Văn Ngội, xã Quỳnh Tam – Quỳnh Lưu) chưa đầy 18 tuổi nhưng vẫn xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, cuối tháng 3/1972  tôi được biên chế vào đơn vị C10 – D15 – E284 –F367 pháo cao xạ 37ly, vượt qua ngầm Bến Than ở thượng nguồn sông Bến Hải sang chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị ác liệt.

CCB Nguyễn Văn Ngội kể lại những ngày tháng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Công Kiên
CCB Nguyễn Văn Ngội kể lại những ngày tháng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Công Kiên

Các địa danh mà đơn vị tôi trực tiếp chiến đấu gồm: Cam Lộ, Đông Hà, Ái Tử, La Vang, sân bay Tà Cơn, Đầu Mầu, Sê Bôn ( Làng Vây)... Nhưng để lại trong ký ức tôi kỷ niệm sâu sắc nhất vẫn là 81 ngày đêm vô cùng ác liệt bảo vệ thành cổ Quảng Trị (từ 28/6 -16/9/1972).  .

Chỉ huy chiến dịch điều Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 284 Pháo phòng không 37ly vượt sông Thạch Hãn sang ở phía Tây Nam để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tôi ở Đại đội 10 - đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng năm 1971. Lệnh xuất quân rời căn cứ Ái Tử vào lúc 7 giờ tối ngày 29/6/1972, xe pháo phải đi vào ban đêm vì ban ngày máy bay 0V-10 thường xuyên bay do thám.

Thành cổ Quảng Trị nhìn từ trên cao (chụp năm 1967). Ảnh tư liệu
Thành cổ Quảng Trị nhìn từ trên cao (chụp năm 1967). Ảnh tư liệu

 Đêm đó may mắn các đợt rải thảm của B52 và F4H thưa hơn, chúng tôi vượt sông Thạch Hạn ở thượng nguồm nước chỉ ngang thắt lưng. Chúng tôi không thể đào công sự vì ở đây toàn đất cát, đào lên cát lại trầy xuống nên phải cho cát vào bì chồng lên để làm công sự, chặt cây dứa gai để ngụy trang.

15 giờ ngày 4/7/1972 một đại đội thủy quân lục chiến của địch tràn vào nơi đại đội chúng tôi đang chốt giữ.  Đồng chí Nguyễn Văn Hệ - Đại đội trưởng (quê Hải Hưng) hô dõng dạc: “Các đồng chí thân mến! Lúc này hơn  lúc nào hết Tổ quốc và nhân dân giao phó cho chúng ta thà hy sinh quyết giữ bằng được từng mảnh đất thiêng liêng. Còn người, còn pháo còn chiến đấu, tất cả giở hết bao cát làm công sự hạ nòng pháo xuống tà âm để bắn bộ binh”.

Tôi được phân công ở vị trí pháo thủ số 2, quay hướng về phía bọn địch đang tiến vào. 3 khẩu pháo đồng loạt  nhả đạn vào đội hình địch khiến chúng không kịp trở tay, chạy tán loạn và la hét ầm ĩ: “Bay ơi Việt cộng có loại súng gì mà to quá trời”.  Đây cũng là lần đầu tiên quân đội ta dùng pháo phòng không 37ly để bắn bộ binh địch nên chúng không tài nào tiến lên được, thương vong nhiều nên phải rút lui và gọi máy bay B52, F4H đến ném bom.

Cứu đồng đội trên sông Thạch Hãn

Pháo kích 105ly ở ngoài biển cũng cấp tập bắn vào trận địa, đơn vị chúng tôi chìm trong bom đạn, một khẩu đội bị một quả bom tia la-de ném trúng, 1 đồng chí hy sinh, 3 đồng chí bị thương. Cuộc ném bom và pháo kích kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ, chúng lại bổ  sung 2 đại đội thủy quân lục chiến tiếp tục tràn vào trận địa.

Quân giải phóng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu
Quân giải phóng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu

Chúng tôi tiếp tục chiến đấu, đến 3 giờ sáng ngày 5/7 không còn một viên đạn, bọn chúng biết ta hết đạn liền ồ ạt tấn công, tình thế hết sức ác liệt, quân số chỉ còn 25 người chống chọi số lượng gấp 10 lần với máy bay, pháo kích yểm trợ. Cấp trên ra lệnh tạm thời rút quân, trước khi rút chúng tôi tháo hết bộ phận khóa nòng pháo chon sâu xuống đất và để lại một trung đội chiến đấu cầm cự để đại đội rút lên đường 1 phía nhà thờ La Vang.

Địch bắn pháo sáng liên tục, chúng tôi theo đường 1 qua Thành cổ , vượt sông Thạch Hạn, cầu đã sập nên phải bơi qua. Có một đồng chí không biết bơi (tôi không nhớ họ tên, vì ở chiến trường ác liệt, cùng một đơn vị không biết tên nhau là chuyện bình thường). Tôi lại bơi qua sông để đưa đồng chí ấy sang bên này, gần đến nơi thì kiệt sức.

Tôi thử đứng xuống xem đã bén đất hay chưa nhưng lại thấy chới với và chìm dần, càng chìm người đồng đội càng bám chặt. Rất may tôi thấy một thanh sắt ở đầu cầu bị đánh sập chìa ra liền nắm lấy, dùng toàn bộ sức lực còn lại đưa đồng đội vào bờ. Nghỉ một lát, chúng tôi tiếp tục đi về phía đầu cầu thì gặp được anh em trong trung đội.

CCB Nguyễn Văn Ngội chăm sóc vườn cây. Ảnh: Công Kiên
CCB Nguyễn Văn Ngội chăm sóc vườn cây. Ảnh: Công Kiên

Đồng chí Song - Trung đội trưởng lệnh cho anh em vào lô cốt đầu cầu sông Thạch Hãn để nghỉ ngơi, sáng mai tìm về sở chỉ huy gần Ái Tử nhận vũ khí, quân trang tiếp tục chiến đấu cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và có mặt tại dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.

Ước nguyện được ghi danh

 Chiến tranh đã lùi xa hơn 43 năm, tôi định không kể lại những ngày tháng chiến đấu vô cùng ác liệt của tiểu đoàn trực tiếp bảo vệ Thành cổ trong 81 ngày đêm. Nhưng gần đây, đêm nào tôi cũng trăn trở không sao ngủ được, những ngày tháng ác liệt đó luôn hiện lên và hình như có linh hồn nào đó của đồng đội tôi đã hy sinh thôi thúc tôi phải viết lên sự thực.

CCB Tiểu đoàn
CCB Tiểu đoàn 15 - Trung đoàn 284 trong niềm vui hội ngộ. Ảnh NVCC

Bởi lẽ, trong Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị ghi danh các đơn vị tham gia chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ nhưng không có tên của C10 - D15 – E284. Anh Nguyễn Đức Vượng – nguyên Tiểu đoàn trưởng, nay là Thượng tá đang nghỉ hưu ở Hà Nội, làm Trưởng ban liên lạc của tiểu đoàn đã báo cáo với Bộ Quốc phòng nhưng vẫn chưa được bổ sung.

Anh em chúng tôi, những người còn sống sót trở về đa số là thương binh, bệnh binh, tuổi đời ít nhất như tôi cũng đã 65 còn lại đều 70 - 80 tuổi mong mỗi lần vào Thành cổ Quảng Trị thắp nén hương thơm cho đồng đội được thấy có tên đơn vị mình trong đoàn quân chiến đấu 81 ngày đêm rực lửa mới được mãn nguyện.  

   (Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngội, xóm 10,                          xã Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu, Nghệ An).

tin mới

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.