Bắt đầu từ hôm nay, 10-7, các doanh nghiệp tiến hành thu mua tạm trữ 500 nghìn tấn gạo vụ hè - thu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thời hạn mua tạm trữ kéo dài đến hết ngày 10-8. Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân giao cho các thương nhân mua số lúa gạo tạm trữ trên. Các thương nhân mua lúa gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa gạo tạm trữ, thời gian tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa ba tháng, từ ngày 10-7 đến 10-10.
Với thực trạng hiện nay, giá lúa xuống thấp, hơn ai hết, nông dân đang chịu nhiều thiệt thòi thì thu mua tạm trữ là một chính sách đúng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chính sách thu mua này đạt hiệu quả và thật sự mang lại lợi ích cho người nông dân. Thực tế đã không ít lần xảy ra hiện tượng, dù đã có chỉ đạo cụ thể nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn thu mua một cách nhỏ giọt, cầm chừng. Thậm chí, nhiều khi nông dân bán hết lúa gạo với giá thấp, tiền hỗ trợ của Nhà nước mới đưa xuống. Một thực tế khác là không có doanh nghiệp xuất khẩu gạo nào trực tiếp thu mua lúa cho nông dân mà đều thông qua thương lái. Thương lái cũng mua với giá đặt hàng của các nhà máy xay xát và tất nhiên phải có lợi nhuận. Các nhà máy xay xát sau khi tính hiệu quả kinh doanh, có lời mới bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tại khâu này, giá lúa mới được tính theo giá hỗ trợ của Chính phủ. Chính vì vậy, người được hưởng lợi trong chính sách thu mua tạm trữ xét cho cùng không phải là người nông dân mà chính là các thương lái và doanh nghiệp.
Về lâu dài, để chủ động được việc tiêu thụ lúa gạo do mình làm ra với mức giá bảo đảm có lãi, giữa nông dân và doanh nghiệp cần có hợp đồng bao tiêu sản phẩm chặt chẽ. Mô hình"Cánh đồng mẫu lớn" đang được thực hiện tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thí điểm tại một số tỉnh phía bắc đang là một hướng đi đúng trong việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo có lợi nhất cho người nông dân. Tuy nhiên, trong điều kiện chuỗi liên kết đó chưa được thực hiện phổ biến, rộng khắp thì thu mua tạm trữ lúa gạo ở những thời kỳ cao điểm của từng vụ thu hoạch là chính sách hết sức cần thiết, bởi người dân phần lớn không có kho chứa để bảo quản lúa gạo. Song, để chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo phát huy hiệu quả, trong suốt quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng cần có sự giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp cần thu mua trực tiếp và dứt điểm theo đúng giá hỗ trợ của Chính phủ. Có như vậy, nông dân mới được hưởng lợi từ chủ trương, chính sách đặc biệt này.