Hơn 1,2 triệu tấn lương thực - Dấu ấn ngành Nông nghiệp Nghệ An
(Baonghean) - Năm 2014, Nghệ An đạt tổng sản lượng lương thực có hạt trên 1,2 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Theo đánh giá chung, năm nay được coi là một trong những năm “đại thắng” của cây lương thực, cả về diện tích, năng suất và sản lượng trong cả 3 vụ sản xuất...
Sản xuất rau vụ đông tại Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Ảnh: V.Đ |
Theo tổng hợp của ngành Nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng cả năm 2014 đạt gần 244 nghìn ha trên kế hoạch 239 nghìn ha. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt cao nhất từ trước đến nay - trên 1.203.000 tấn trong khi kế hoạch đề ra là 1.171.300 tấn. Trong đó, riêng cây lúa gần 188 nghìn ha, năng suất bình quân 53,81 tạ/ha, sản lượng thóc đạt trên 1 triệu tấn trên kế hoạch gần 957 nghìn tấn. Đặc biệt, năng suất lúa vụ xuân đạt 66,1 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Không những thế, cơ cấu giống lúa tiếp tục có sự chuyển đổi tích cực, diện tích lúa lai giảm chỉ còn trên 59% so với 80% như trước đây; trên 35% diện tích là các giống lúa chất lượng, dễ tiêu thụ, giá trị cao như AC5, DT68, VTNA2, Bắc thơm, lúa thảo dược.. làm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Toàn tỉnh gieo trồng 55.657 ha ngô, sản lượng ước đạt trên 193 nghìn tấn.
Đặc biệt, năm 2014 là năm chúng ta có một vụ đông đạt kết quả cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, với gần 43 nghìn ha cây trồng các loại, đặc biệt trong đó một số địa phương có diện tích ngô vượt kế hoạch đề ra như Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành… Nhờ đó, loại cây trồng chủ lực vụ đông này dự kiến cho năng suất 46 tạ/ha, sản lượng trên 126 nghìn tấn, tăng 45 nghìn tấn so với vụ đông năm ngoái, có địa phương như Diễn Châu năng suất ngô đạt 55 tạ/ha, cao hơn cả năng suất ngô của vụ xuân, hay Nam Đàn, Thanh Chương 47 tạ/ha. Năng suất lạc đạt bình quân 22 tạ/ha, đưa sản lượng tăng gần 600 nghìn tấn so với năm 2013; trên 10 nghìn ha rau vừa được mùa, vừa được giá, tiêu thụ thuận lợi.
Trên cánh đồng bãi của xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương), màu xanh của bí xanh, dưa chuột vào mùa thu hoạch trải dài ngút mắt. Bà Nguyễn Thị Thân (Thôn Hồng) vừa thoăn thoắt hái bí, vừa vui vẻ cho biết: Năm nay, bí và dưa chuột vừa được mùa, vừa được giá. Vốn đã có “truyền thống”, việc sử dụng thuốc BVTV ở vùng này luôn được hạn chế đến mức tối đa, thế nhưng trong vụ đông năm nay thì lại hầu như không phải dùng đến thuốc. Thời tiết thuận lợi, mấy sào bí xanh và dưa chuột của gia đình bà cứ thế xanh tốt, đã cho thu hoạch từ cả tháng nay. Không chỉ được mùa, mà tiêu thụ cũng rất dễ dàng, tư thương vào lấy tận ruộng hoặc đưa ra chợ huyện bán, mỗi cân dưa chuột hiện có giá 8.000 đồng, bí 5.000 đồng, mỗi sào cho thu nhập vài chục triệu đồng.
Ông Lê Đình Thanh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương phấn khởi: Không chỉ vụ đông, mà cả 3 vụ sản xuất trong năm nay của Thanh Chương đều rất được mùa. Vụ xuân 2014, với gần 8.400 ha lúa, Thanh Chương có sản lượng gần 568 nghìn tấn lương thực. Mức năng suất lên tới 67,6 tạ/ha đã đưa vụ xuân năm nay trở thành một trong những vụ sản xuất được mùa nhất từ trước đến nay ở Thanh Chương. Vụ hè thu được xác định là một vụ sản xuất khó khăn cả về nguồn nước, cả về nguy cơ gặp mưa lụt cuối vụ, nhưng Thanh Chương cũng đã bội thu, năng suất lúa các loại đạt bình quân 42 tạ/ha. Có được những kết quả đó, cũng theo ông Lê Đình Thanh, trước hết nhờ huyện đã đưa vào cơ cấu giống phù hợp, ưu tiên những loại giống có thời gian sinh trưởng càng ngắn càng tốt để đảm bảo gặt trước 30/8 nhằm tránh mưa lụt tiểu mãn tháng 9.
Bằng những biện pháp kịp thời, quyết liệt, Thanh Chương đã khống chế thành công dịch sâu cuốn lá phá hoại trên địa bàn toàn huyện, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Hiện tại đang là thời điểm bà con nông dân Thanh Chương tập trung thu hoạch vụ đông. Gần 5 năm nay, địa phương mới có một vụ đông có diện tích ngô tăng “đột biến” như thế này. Toàn huyện trồng được 3.700 ha ngô trên kế hoạch 3.200 ha, và nếu những năm gần đây, trên địa bàn hầu như không có ngô trên đất hai lúa thì năm nay đã có tới 500 ha, tập trung nhiều ở các xã Thanh Liên, Cát Văn, Thanh Tiên… Năng suất ngô bình quân dự kiến đạt tới 47 tạ/ha, cao hơn mọi năm từ 3- 5 tạ. Bên cạnh đó, nhiều xã tập trung trồng rau, khoai lang hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế rất cao như Thanh Lĩnh, Thanh Văn, mỗi sào cho thu nhập 8 - 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Vụ xuân 2014, Yên Thành gieo cấy 12.667 ha lúa, cũng là một trong những vụ xuân có năng suất cao nhất từ trước đến nay - 71,6 tạ/ha, cao hơn vụ xuân 2013 tới 5,6 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 94 nghìn tấn. Theo ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, thì để có được kết quả đó, trước hết là nhờ cơ cấu bộ giống phù hợp. Trong vụ xuân, Yên Thành có 2.000 ha lúa chất lượng cao, huyện tập trung đưa các giống lúa vừa cho năng suất, vừa có chất lượng như AC5, TBR 225, VT 404... vào sản xuất. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, hạn chế được tác hại của dịch đạo ôn lá ở giai đoạn đầu vụ. Không chỉ sản xuất vụ xuân được mùa, mà vụ hè thu năm nay của Yên Thành cũng là một vụ mùa bội thu, với 12.500 ha diện tích lúa cho năng suất bình quân 50,51 tạ/ha. “Đặc biệt năm nay, chúng tôi đã có một vụ đông rất thắng lợi.
Từ lâu lắm rồi, Yên Thành mới có một vụ đông có diện tích ngô không những đạt mà còn vượt kế hoạch đề ra - 1.700 ha/1.500 ha kế hoạch, trong đó trên 1.000 ha trên đất hai lúa. Đây là kết quả rất đáng khích lệ vì nếu diện tích ngô trên đất màu thường ổn định thì ngô trên đất 2 lúa rất khó khuyến khích người dân phát triển, dù địa phương đã có các cơ chế phù hợp. Bên cạnh đó, diện tích rau cũng đạt trên 1.100 ha, tăng hơn 100 ha so với kế hoạch đề ra. Năm nay, rau được mùa, được giá, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha cho bà con”- ông Nguyễn Văn Dương chia sẻ. Có được những thành công đó, trước hết, nhờ Yên Thành đã có sự chỉ đạo quyết liệt sớm ngay từ đầu năm, đầu vụ. Cơ cấu giống hợp lý theo hướng vừa đảm bảo năng suất và chất lượng. Sau chuyển đổi ruộng đất, đồng ruộng không còn manh mún, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh và đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Trong lĩnh vực sản xuất cây lương thực, tỉnh ta thắng lợi ở cả 3 vụ, “thắng” cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Đây là năm đầu tiên Nghệ An đạt được sản lượng lương thực có hạt trên 1,2 triệu tấn, trong đó riêng lúa trên 1 triệu tấn. Là ngành sản xuất đặc thù, còn nhiều phụ thuộc vào tự nhiên, năm nay chúng ta triển khai sản xuất trong điều kiện có nhiều khó khăn, rét đậm rét hại xảy ra đầu năm, trong mùa hè nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp thua nhiều năm gây hạn và sau hạn là đợt mưa lũ lớn ngày 12- 13/6 gây ngập úng lúa hè thu. Trong điều kiện đó, công tác tổ chức chỉ đạo sản xuất được triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt, thích ứng với biến đối khí hậu.
Ngành chuyên môn và các địa phương đã có sự phối hợp khá nhuần nhuyễn để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy hoạch, cơ cấu giống, lịch thời vụ cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất phù hợp với từng mùa vụ, từng loại giống cây trồng. Trong cả năm, toàn tỉnh đã có trên 30.000 ha lúa chất lượng cao. Đặc biệt, nhiều biện pháp kỹ thuật đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh như SRI, IPM, VietGap… nhờ đó hạn chế được sự phát sinh gây hại của sâu bệnh. Công tác BVTV được chú trọng. Các cơ quan chuyên ngành BVTV từ tỉnh đến cơ sở đã đưa ra được những dự tính dự báo, khuyến cáo ngày phun thuốc chính xác; chính quyền địa phương các cấp tập trung chỉ đạo phun trừ quyết liệt và nhanh gọn, nhất là ở những thời điểm có dịch; bà con nông dân chấp hành khá tốt cả về quy trình và thời điểm phun trừ theo khuyến cáo.
Phú Hương