Hồn liệt sỹ xanh thắm rừng thiêng
(Baonghean.vn) - Khu rừng Ma - rừng thiêng, nơi biết bao đồng bào, đồng đội chúng tôi nằm lại nơi này, mùa mưa thân xác treo trên cây, mùa khô vùi vào đất, không ai có bia mộ...
LTS: Trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, lớp lớp từng đoàn quân của hậu phương lớn miền Bắc vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong đoàn quân điệp điệp, trùng trùng ấy có những nhà giáo làm nhiệm vụ chi viện cho giáo dục cách mạng miền Nam. Riêng tỉnh Nghệ An có khoảng 200 giáo viên cùng hòa vào đoàn quân “đi B”. Tại đây, các cán bộ giáo dục có mặt ở hầu khắp các chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng Tháp Mười, vùng giáp ranh giữa ta và địch hay trên đất bạn Campuchia.
Bài viết dưới đây là dòng cảm xúc chân thực của ông Ngô Đức Tiến - một cựu nhà giáo từng có nhiều năm lao động, cống hiến, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Dòng tâm sự như một nén tâm hương gửi tới anh linh các anh hùng liệt sỹ.
Mùa mưa năm 1970, sau mấy tháng ở bãi khách của Tiểu Ban Giáo dục miền, được qua một đợt học tập về tình hình và nhiệm vụ mới, được nghe các báo cáo của các anh, chị mới từ các chiến trường miền Tây, miền Đông Nam Bộ và cả Sài Gòn - Gia Định... có cả những anh chị nằm vùng, khi lên phổ biến kinh nghiệm hoạt động ở vùng ven còn mang khăn che mặt, chỉ nhìn rõ hai con mắt... chúng tôi rất háo hức.
Những chiến sỹ lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam khi tuổi đời mới vừa tròn 18, 20. Ảnh: Tư liệu |
Đường hành quân từ căn cứ Trung ương Cục bấy giờ dạt sang vùng rừng núi tỉnh Công-pông Chàm trên đất Campuchia phải đi từ miền núi xuống đồng bằng. Đoàn chúng tôi gồm có 6 người, 2 giao liên và 4 anh em chúng tôi. Cứ đêm đi ngày nghỉ, khoảng 5 giờ chiều xuất phát, đi suốt đêm đến sáng rõ mặt người thì đến trạm giao liên dừng nấu cơm ăn, mắc võng nghỉ ngơi, khoảng nửa chiều lại dậy nấu ăn chuẩn bị hành quân đêm. Đi hơn mười ngày qua các phum, sóc (làng, bản) trên vùng cao chúng tôi bắt đầu hành quân xuống đồng bằng.
Bấy giờ đang mùa nước nổi, giao liên đưa chúng tôi xuống vùng Móc Câu - Mỏ Vẹt bằng xuồng. Càng đi xuống vùng gần biên giới Việt Nam, càng gần vùng địch, tình hình càng khó khăn ác liệt, giao liên vừa chèo xuồng chở chúng tôi đi vừa phải nghe ngóng phía trước xem có địch phục kích không.
Khi đi đến bờ sông Tiền, đoạn có mấy làng Việt kiều Vĩnh Phước, Vĩnh Lợi... phải nằm chờ ngoài bìa rừng hơn một tuần mới vượt sông được vì có một toán ngụy quân đang đi dã ngoại đóng quân trong các làng Việt kiều. Nói là bãi khách nhưng chỉ là một khu rừng ngập nước, có một số cây ô môi to cao vượt lên mặt nước, còn lại là cây thấp lúp xúp.
Ban ngày chúng tôi ngồi trên chiếc xuồng nhỏ cùng bà con giăng câu, thả lưới, bắt ốc, hái bông súng, bông điên điển nấu ăn, nhưng hễ thấy máy bay trực thăng hay OV10 thì lặn xuống chém vè (núp) trong các cụm lục bình hoặc các cụm điên điển, thỉnh thoảng ngoi lên thở.
Sau mấy ngày địch rút quân, chúng tôi được giao liên chở vượt qua sông Tiền sang sông Hậu. Khoảng nửa đêm đang thiu ngủ thì bỗng ngửi thấy mùi kinh khủng từ khu rừng phía trước, đúng là mùi tử khí. Anh Tư Ný giao liên nói với chúng tôi: Xuồng ta đang đi gần khu rừng Ma, nơi đang quàn nhiều xác người treo trên cây nên các anh "ba sẵn sàng" chịu cực chút vì đi vòng qua rừng Ma an toàn hơn, bên "quốc gia" không mấy khi đi rình rập bắt bớ ở khu rừng này.
Rồi anh giao liên cho biết ở vùng biên giới phía trên Móc Câu - Mỏ Vẹt, bà con Việt kiều làm nghề đánh bắt cá, làm ruộng trên những cánh đồng hoang và thường ở tập trung dọc các bờ kinh rạch. Mùa mưa nước ngập lên đến đâu thì kê nhà lên cao đến đó, sống bám vào sông nước nhưng khi chết vào mùa mưa thì đưa về khu rừng Ma. Xác chết được bó lại bằng chiếu hoặc bao đựng cát của Mỹ rồi đem ra rừng Ma treo lên cây, chờ đến mùa khô nước rút hạ xuống vùi xuống đất, đắp thành mộ.
Sau Mậu Thân 1968, địch càn quét mạnh, các cơ sở của ta ở các tỉnh gần biên giới đều tạm lánh qua đây. Bộ đội, cán bộ dân chính của ta hy sinh cũng được chở về quàn tại đây với dân. Năm trước có anh bộ đội đặc công nước ôm mìn đánh tàu địch trên sông Tiền hy sinh, mấy ngày sau xác nổi đoạn gần đồn Gòi, bà con vớt xác đưa về đây, rồi chị Chín y tá T2 bị địch phục kích trên đường công tác, bà con đem xác chị kéo lên đồn đấu tranh rồi cũng đưa về quàn tại đây...
Các cán bộ "đi B" vui mừng, xúc động xem lại các hồ sơ, tài liệu, kỷ vật. Ảnh: Thanh Lê |
Qua khỏi khu rừng Ma, đi xuồng đến sáng hôm sau thì đến Tam Bê Tam Bản, nơi có hai làng người Việt sinh sống. Trong kế hoạch, đoàn chúng tôi sẽ xuống An Giang rồi về Ban Tuyên huấn T2, nhưng đến đây lại nhận được tin cả cơ quan T2 đã lên vùng rừng phía đất Campuchia, chúng tôi được phân công ở lại K1 làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp đào tạo giáo viên, mở lớp bình dân cho cán bộ, nhân viên khu 1.
Hai năm hoạt động ở vùng này, tôi nhiều lần qua lại khu rừng Ma. Mùa mưa thường đi xuồng ban đêm, mùa khô đi bộ trong tán rừng, hễ đến gần khu rừng này là nghe tiếng quạ đen kêu vang cả góc trời, tiếng chuột chạy từng đàn. Không biết bao nhiêu đồng bào, đồng đội chúng tôi nằm lại nơi này.
Ngày đoàn chúng tôi chia tay, các anh, các chị ở K1 chúng tôi xin được đến rừng Ma - khu rừng thiêng thắp hương lần cuối. Khi buộc bắp hương cháy dở vào cây ô môi đầu rừng chúng tôi không cầm được nước mắt. Sau Hiệp định Paris 1973, chúng tôi trở về Tiểu Ban Giáo dục miền ở Tây Ninh, rồi 30/4/1975 về tiếp quản Sài Gòn - Gia Định, trong niềm vui chiến thắng lại nhớ nôn nao những năm tháng gian khổ ở vùng biên giới sông Tiền, sông Hậu.
Năm 2015, tôi được bạn bầu bố trí cho vào thăm chiến trường xưa, khi đi qua Cửa khẩu Mộc Bài, đến vùng đất Móc Câu - Mỏ Vẹt xưa, ngồi trên chiếc xe chạy bon bon trên Quốc lộ 1 đến đoạn gần cầu Néc Lương tôi và anh Thái Duy Trấp, anh Lê Anh Tương xin dừng lại, nhìn những phum, sóc của nước bạn thanh bình, yên ả bên những dòng kinh xanh, chúng tôi lại bồi hồi nhớ đến các má, các ba Việt kiều cưu mang, che chở chúng tôi trong những năm khói lửa, nhớ đến khu rừng Ma - rừng thiêng, nơi biết bao đồng bào, đồng đội chúng tôi nằm lại nơi này, mùa mưa thân xác treo trên cây, mùa khô vùi vào đất, không ai có bia mộ... Tôi nghĩ, chắc những ai từng hành quân từ sông Tiền qua sông Hậu trong những năm chống Mỹ cứu nước đều hơn một lần đi qua khu rừng Ma - rừng thiêng. Bất giác tôi nhớ đến câu thơ của ai đó, đại ý: Những hồn liệt sỹ vô danh/Sóng xanh biển cả, cây xanh núi ngàn.
Các nhà giáo "đi B" chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Mỹ Hà |