Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015
Ngày 30/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015.
Cùng dự có nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo Bộ, ngành liên quan để cùng làm rõ nhiều vấn đề mà xã hội và báo giới quan tâm trong thời gian qua.
Mở đầu buổi họp báo đầu năm 2015 nhưng cũng là cuộc họp cuối cùng của năm âm lịch Giáp Ngọ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên tóm tắt một số nét lớn về kết quả phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày.
Theo đó, các thành viên Chính phủ nhận định rằng nhìn chung tháng đầu năm 2015 có khí thế phấn khởi, niềm tin dâng cao đối với một số lĩnh vực. Chính phủ đánh giá các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/1/2015 của Chính phủ, rất kịp thời đồng bộ, mang lại hiệu quả tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt, nhiều chỉ tiêu so với cùng kỳ đạt rất cao, tất nhiên so sánh cũng tương đối vì tháng giêng 2014 là tháng Tết. Tình hình chung về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội… có chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì cuộc họp báo - Ảnh: VGP |
Tuy nhiên, trong tháng 1, giá dầu giảm liên tục. Chúng ta đã dự báo, báo cáo Quốc hội khi giá dầu thô được tính với giá bán 100 USD/thùng nhưng tới giờ này giá dầu thô chỉ còn có 44,41 USD/thùng. Cứ giảm khoảng 1,5 triệu tấn dầu thô thì kéo tăng trưởng GDP giảm 0,2%. Có thể đánh giá rằng giảm dầu thô chỉ mất nguồn thu nhưng bù lại góp phần kéo giảm chi phí đầu vào sản xuất, tăng trưởng bù lại. Phiên họp Chính phủ kết luận, chúng ta không điều chỉnh tăng trưởng, kiên định thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng 6,2% trong năm nay.
Vấn đề thứ hai, CPI trong tháng giảm 0,2%, tức là giảm liên tục, có người e ngại dẫn đến giảm phát nhưng Chính phủ thống nhất rằng không có dấu hiệu giảm phát, vẫn giữ mục tiêu lạm phát đã đề ra là 5%.
Vấn đề thứ ba, ngân sách có thể bị giảm do dầu thô nhưng các khoản thu khác có thể cân đối, nên không thay đổi mục tiêu về ngân sách.
Như vậy, có mặt khó khăn chưa dự báo được như giá dầu thô, vì giá dầu thô không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn liên quan nhiều yếu tố khác như chính trị thế giới, nhưng tình hình chung là phấn khởi, bức tranh tương đối sáng, niềm tin tăng lên.
Về giải pháp cho tháng kế tiếp, cần thực hiện 8 nhóm giải pháp mà Nghị quyết 01/NQ-CP đã nêu. Tháng tới là tháng Tết, trước hết cần tập trung lo Tết cho người nghèo, các đối tượng chính sách, người có công, người lao động gặp khó khăn. Các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ, huy động các nguồn lực từ nguồn của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, đến nay là 24 tỷ, để chăm lo cho các nhóm đối tượng này. Truyền thống dân tộc ta cứ mỗi độ xuân về thì những người có điều kiện, có lòng hảo tâm lại đóng góp những nghĩa cử cao đẹp. Thủ tướng cũng đã đồng ý xuất cấp gạo hỗ trợ người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Vấn đề thứ hai, trong 8 nhóm giải pháp, cần tập trung tăng cường đấu tranh chống buôn lâu, gian lận thương mại. Có chuyên gia nói là phải tuyên chiến với buôn lậu, có giải pháp đồng bộ hơn, huy động nhân dân tham gia bởi nếu buôn lậu không giảm thì ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và nhiều vấn đề khác như sức khỏe, đời sống nhân dân. Hôm qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo 389 về vấn đề này.
Vấn đề thứ ba cần tập trung cho tháng tới là vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết. Đây là vấn đề khó nhưng phải làm, làm quyết liệt hơn, xử phạt nghiêm minh hơn những sai phạm.
Thứ tư, phải tăng cường các giải pháp làm giảm TNGT, xử lý kiên quyết hơn, đồng bộ hơn, nghiêm minh hơn với xe quá tải làm hỏng đường. Thủ tướng, Chính phủ đã giao Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, đưa ra chế tài mạnh mẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa.
Vấn đề nữa là tăng cường, giữ vững cho được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đó là những điểm nổi lên, Chính phủ đã dành nhiều thời gian để bàn. Tất nhiên còn nhiều việc khác, có vấn gì các nhà báo cần nắm thêm thì mời các Bộ trưởng, Thứ trưởng có thông tin đầy đủ hơn. Sau đây xin dành thời gian cho các nhà báo đặt câu hỏi.
Thế Dũng (PV báo Người lao động): Vừa qua có sự cố rất đáng tiếc, đáng buồn là máy bay trực thăng UH-1 rơi ở TPHCM. Báo cáo ban đầu nguyên nhân do đâu? Có những lo ngại về máy bay quá niên hạn như vậy liệu có đảm bảo an toàn hay không?
Trong thông cáo báo chí của VPCP đưa ra, Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh các bộ, ngành cần tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng, đồng thời phát huy mặt lợi thế của mạng để làm công tác tuyên truyền, ngăn chặn thông tin độc hại xấu. Vừa qua tại cuộc họp tổng kết của VPCP, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc phải tận dụng cả trên Facebook, VPCP đã triển khai kế hoạch này như thế nào, đồng thời những thông tin trên mạng vừa qua thì chúng ta có những biện pháp kỹ thuật gì để ngăn chặn?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Trước hết, chúng ta rất chia sẻ, đau buồn với tai nạn máy bay trực thăng vừa qua làm 4 chiến sỹ rất giỏi của chúng ta hy sinh. Đây là tai nạn rất đáng tiếc. Chúng ta còn nhớ một tai nạn trước đó trên một loại máy bay khác làm hy sinh rất nhiều chiến sỹ và nay lại xảy ra vụ tai nạn này.
Sau một thời gian ngắn Bộ Quốc phòng đã cử 1 đoàn kỹ thuật quân sự cấp cao phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, tìm hiểu nguyên nhân. Sáng nay tôi có trao đổi với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và có thống nhất một nhận định chung đây là do lỗi kỹ thuật chứ không có vấn đề nào khác. Những ngày qua, báo chí có đặt nhiều dấu hỏi liệu có phải máy bay chúng ta cũ, sử dụng lâu rồi, dùng như thế có an toàn không? Và chúng ta có mạnh dạn ngưng không sử dụng các loại máy bay đó hay không?
Tôi đã xin ý kiến Bộ Quốc phòng những thông số để chúng ta cùng chia sẻ: Chiếc máy bay bị rơi sáng ngày 18/1 vừa rồi là loại UH-1 số hiệu 7912 sản xuất năm 1970, chúng ta thu chiến lợi phẩm sau chiến tranh. Máy bay này được sửa chữa lớn lần 2 tại Hoa Kỳ ngày 1/7/2012. Theo quy định tính tuổi thọ theo trạng thái máy bay, giờ hoạt động từ đầu là 4.800 giờ, thời gian sử dụng sau sửa chữa là 187 giờ, tức thời gian sử dụng còn lại rất lâu. Còn động cơ quy định tuổi thọ theo trạng thái, quy định sau sửa chữa là 2.400 giờ. Thời gian đã sử dụng còn lại từ đầu đến ngày 15/1 là 2.163 giờ, có nghĩa xét về kỹ thuật máy bay hoàn toàn sử dụng đúng chứ không có vấn đề gì, không phải chúng ta sử dụng cũ như một số người lo lắng. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Quốc phòng đã cho dừng tất cả các chuyến bay để xem xét. Tới đây có kết quả chính thức sẽ thông báo đến các bạn nhưng chúng ta có thể hiểu rằng tai nạn máy bay là một rủi ro hàng không.
Về việc họp tổng kết VPCP năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015, Thủ tướng có chỉ đạo VPCP phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường thông tin tới người dân. Theo Hiến pháp quy định, Thủ tướng bằng mọi biện pháp chuyển tải thông tin điều hành, quản lý của mình tới người dân trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng hiện nay còn mảng chúng ta chưa tham gia là mạng xã hội. Thủ tướng thấy rằng chúng ta cần phải tham gia đưa thông tin cho hàng chục triệu người đang sử dụng mạng xã hội. Trong thẩm quyền, chúng tôi đang tập trung chuẩn bị đề án để báo cáo thông qua, sau đó triển khai thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng đường lối, chủ trương, chính sách, phương châm, phương pháp, pháp luật của Việt Nam cũng như đảm bảo làm thế nào đưa thông tin kịp thời, chính xác, trung thực để người dân hiểu, yên tâm hơn. Khi nào chúng tôi làm có kết quả thì báo cáo công khai Đề án để triển khai.
Từ Nguyên (PV Thời báo VNEconomy): Doanh nhân là xương sống của nền kinh tế, nhưng thực tế trong thời gian gần đây chúng ta rất lấy làm tiếc khi nhiều doanh nhân đứng đầu những doanh nghiệp lớn vướng vào vòng lao lý. Thậm chí gần đây có thông tin đồn thổi trong dư luận là sẽ có một doanh nhân đứng đầu một ngân hàng lớn tiếp tục bị điều tra. Tôi xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trước thực trạng này, và liệu việc kinh doanh làm ăn của những doanh nghiệp lớn có gì bất thường không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Thực ra đây là câu chuyện buồn, kể cả các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng không bao giờ muốn điều đó xảy ra. Đối với các doanh nghiệp, họ là những người làm công việc rất quan trọng, có thể gọi là những chiến sĩ thời bình. Cho nên chúng ta không bao giờ muốn họ vấp ngã, không bao giờ muốn doanh nghiệp của họ bị đổ vỡ. Tuy nhiên, pháp luật vẫn là trên hết, mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật, khi vi phạm pháp luật, đứng ở vị trí nào cũng bị xử lý. Quan điểm của Chính phủ là chúng ta làm hết sức, chúng ta tham gia thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở, tạo điều kiện khắc phục tối đa, không hình sự hóa các vấn đề kinh tế. Thực ra, khi không còn biện pháp nào ngăn chặn được, cơ quan luật pháp mới bắt đầu tiến hành xử phạt nghiêm minh. Mặc dù không muốn nhưng chúng ta không còn cách nào khác.
PV báo điện tử VOV: Bộ Tư pháp mới đây có đề nghị bổ sung về xử phạt tiền từ 75-100 triệu đối với hành vi đăng phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường giá cả hàng hóa. Đề xuất này của Bộ Tư pháp khiến anh em làm báo chí khá hoang mang. Bộ Tư pháp đưa ra mức xử phạt như thế và chọn một lĩnh vực đặc thù khiến cho báo chí rất băn khoăn vì có quá nhiều người có quyền xử phạt báo chí. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Rất tiếc là chúng tôi cũng chưa nhận được văn bản, bởi vì theo anh Hà Hùng Cường thì đây mới là dự thảo văn bản. Theo định hướng, chúng ta cố gắng làm thế nào đó đưa ra quy định để điều chỉnh hành vi, để đảm bảo cho xã hội tốt hơn.
Mức chế tài như thế nào, quy định thế nào, giả định ra làm sao, để ai, trong hoàn cảnh nào, đối tượng điều chỉnh như thế nào thì chúng tôi chưa tiếp cận nên chưa trả lời được.
Mời Bộ trưởng Hà Hùng Cường khái quát về chuẩn bị của mình để báo chí yên tâm hơn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời báo chí - Ảnh: VGP |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành, Chính phủ đã ban hành 54 Nghị định trong đó 53 Nghị định liên quan tới xử phạt vi phạm hành chính.
Sau khi ban hành chùm văn bản này, có rất nhiều ý kiến của báo chí nói là ngoài Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản ra thì một số Nghị định khác cũng quy định những hành vi vi phạm, quy định về chế tài xử phạt. Một số ý kiến cho rằng có quá nhiều cơ quan có quyền xử phạt báo chí.
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành khác báo cáo xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nghiên cứu những Nghị định có liên quan. Còn bản thân Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản thì chúng ta biết rồi.
Nghiên cứu để có thể làm sao đó tách bạch những thông tin sai sự thật, có thể trên báo chí và cả những thông tin không phải trên báo chí, thậm chí tin nhắn hay có thể tin miệng.
Bộ Tư pháp phối hợp với bộ, ngành liên quan triển khai dự thảo Nghị định mới, sửa đổi bổ sung các Nghị định có liên quan, theo hướng tập trung, tách biệt ra hành vi nào là sai phạm của báo chí để đưa vào khuôn khổ của Nghị định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí. Khi đó cũng thu hẹp được người có thẩm quyền xử phạt báo chí. Vấn đề này đã được dư luận báo chí hoan nghênh.
Còn mức xử phạt bao nhiêu thì được quy định khống chế trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Hành vi cụ thể bạn nêu ra thì tôi xin lỗi chưa đi vào chi tiết. Đây mới là dự thảo được đưa lên để xin ý kiến.
Cầm Văn Kình (PV Báo Tuổi trẻ): Xin hỏi Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, vừa qua có đề xuất của Bộ Công Thương về việc lập kho tạm trữ 1,5 triệu tấn dầu, vậy nguồn tiền dự kiến từ đâu, phương án xử lý với rủi ro thế nào?
Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng về bút phê Bộ trưởng đã chỉ đạo xử lý, văn bản sắp tới không có bút phê thì xử lý thế nào? Nếu không có bút phê có phương án thay thế nào không? Việc Thứ trưởng có bút phê ảnh hưởng đến kết quả đấu thầu thì xử lý thế nào?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Xăng dầu là mặt hàng hết sức thiết yếu, nhạy cảm với nền kinh tế nói chung cũng như đời sống người dân Việt Nam. Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ đảm bảo cung ứng và an ninh năng lượng, trong đó có mặt hàng về xăng dầu.
Hiện nay đang thực hiện điều hành xăng dầu theo Nghị định 83 của Chính phủ, bước đầu đưa mặt hàng xăng dầu vận hành theo đúng quy luật kinh tế thị trường. Có thể khẳng định với việc Nghị định 83 có hiệu lực, giá xăng dầu bước đầu đã vận hành theo thị trường. Như chúng ta biết, thời gian qua, chúng ta đã bám sát giá cả thị trường thế giới, qua các đầu mối bán xăng dầu đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
Tôi lưu ý các phóng viên dùng từ “độc quyền” trong phân phối xăng dầu hiện nay là không chính xác. Hiện nay, Việt Nam có 19 đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam. Các đầu mối này phải đảm bảo hậu cần, kho bãi, các thiết bị, kể cả xăng dầu trong hệ thống phân phối… đã được Bộ Công Thương, địa phương đồng ý giám sát kiểm tra, đảm bảo an ninh năng lượng xăng dầu với sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Nhà nước tùy theo các yếu tố cũng có dự trữ quốc gia. Còn liên quan đến câu hỏi phóng viên, việc dự trữ nằm trong kế hoạch của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải có kế hoạch kinh doanh của mình, thông tin cụ thể hơn tôi sẽ cung cấp thêm sau.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Với câu hỏi của nhà báo tôi xin trả lời như sau. Thứ nhất về quy trình xử lý văn bản của Bộ GTVT chúng tôi đã có quy chế quy định cụ thể về thủ tục xử lý văn bản đến và đi. Công văn đến Văn phòng, Văn phòng sẽ phân loại theo phân cấp, phân công của Bộ trưởng, các Thứ trưởng. Thuộc lĩnh vực phụ trách của Thứ trưởng nào thì văn phòng sẽ chuyển cho Thứ trưởng đó, thuộc lĩnh vực của Bộ trưởng phụ trách thì Bộ trưởng sẽ xử lý.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại cuộc họp báo - Ảnh: VGP |
Văn bản của các cơ quan, đơn vị, DN gửi đến, Bộ trưởng và các Thứ trưởng đều phải có bút phê để giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị xử lý văn bản. Đây là việc làm bình thường như tất cả các cơ quan khác. Trong văn bản của Bộ ban hành từ tháng 1/2014 có ghi rõ “bút phê của lãnh đạo Bộ chỉ là thông tin chuyển văn bản đến các cơ quan, đơn vị, tuyệt đối không phải căn cứ ưu tiên trong việc xét thầu, mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu… hoặc giải quyết các công việc liên quan.
Thứ hai, Thủ trưởng các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu, giải quyết các công việc hết sức chặt chẽ theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về những tham mưu, quyết định của mình”.
Như vậy, việc Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường có bút phê vào công văn đề nghị của DN gửi đến là đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo thông tin một số báo điện tử đưa, bút phê của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường không đúng nội dung văn bản DN gửi đến mà Thứ trưởng đã phê. Thứ hai, trong văn bản đó có bút phê của giám đốc BQLDA 3. Tức là, khi công văn đến, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chuyển Tổng cục Đường bộ, BQLDA 3 xử lý sau đó Giám đốc BQLDA3 có ghi là chuyển Phòng QLDA 1 để xử lý. Chỉ có thế thôi, nhưng một số báo lại ghi là “Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng cục Đường bộ, Ban 3 xử lý” là không đúng. Dòng chữ của Giám đốc BQLDA 3 “Lãnh đạo Ban thực hiện theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ” là không có.
Vì vậy, căn cứ theo báo cáo và đề nghị của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, căn cứ vào văn bản đang lưu tại Bộ GTVT, chúng tôi đã có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát, Bộ Công An xem xét, điều tra để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Về vấn đề tin nhắn, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã có báo cáo với Ban cán sự Đảng về việc những tin nhắn các báo đưa là hoàn toàn sai sự thật. Căn cứ vào báo cáo của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, chúng tôi đã có báo cáo với Ban Bí thư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Cục Cảnh sát, Bộ Công an điều tra, làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Hoàng Tuân (PV Tạp chí Ngày nay, UNESCO): Tôi có 2 câu hỏi xin hỏi Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT. Bộ Y tế làm nhiều việc nhưng trong truyền thông, có biện pháp nào để người dân, dư luận hiểu được những vất vả khó khăn của ngành. Câu thứ hai, Bộ NN&PTNT có cách nào để người dân yên tâm mua sắm các sản phẩm rau thịt củ quả?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Câu hỏi của nhà báo rất hay và người trả lời hay nhất cho tôi chính là các nhà báo, giúp chúng tôi chính là các nhà báo. Thời gian qua, Bộ Y tế đã có những đổi mới về truyền thông, nhưng điểm hạn chế là dư luận vẫn chưa thấy được những thành tựu mà ngành Y qua nhiều thế hệ làm được cho đất nước, có khi những sai sót nhỏ trở thành sự kiện lớn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh: VGP |
Ngành Y là ngành rất nhạy cảm vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe của 90 triệu người dân, từ lúc nằm trong bào thai đến khi nằm trong lòng dất, liên quan đến sự đau đớn, lòng trắc ẩn của con người. Thứ hai, khi có bất cứ sự cố gì xảy ra như tai nạn giao thông, tự tử, ngộ độc, thậm chí uống rượu, hút thuốc lá, kể cả những thiên tai, thảm họa như sập cầu, sập hầm… cuối cùng cũng đến ngành Y tế. Đêm Giao thừa, trong khi mọi người đang quây quần đầm ấm bên gia đình thì người thầy thuốc vẫn giành giật sự sống cho người bệnh… Trong khi tai biến y khoa rình rập mọi nơi mọi lúc, đó là sự nghiệt ngã của tạo hóa mà trình độ y học chưa thể đạt được tuyệt đối. Ngay cả tại Mỹ, nơi có nền y học hiện đại nhất, một năm cũng có 170.000 người chết do tai biến y khoa. Đó là những khó khăn của ngành. Thi vào học ngành Y đòi hỏi rất khó, học rất lâu, khi ra trường phải có thề lời thề Hippocrates.
Từ khi lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa nhiều bác sĩ giỏi về xây dựng nền y học hiện đại, đạt nhiều thành tựu. Việt Nam là 1 trong 10 nước đạt nhiều thành tựu về giảm tử vong mẹ, tử vong con, về chống suy dinh dưỡng, về tuổi thọ… Ví dụ tỷ lệ tử vong mẹ của Việt Nam thấp hơn Indonesia, Philippines… dù họ phát triển kinh tế hơn. Nhiều thành tựu y học chúng ta không kém thế giới, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người nghèo được Nhà nước chi trả 100% chi phí mua BHYT. Nhiều đoàn khách quốc tế cũng không hình dung là chúng ta có thể làm được việc đó. Đặc biệt, mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, vừa rồi có đoàn báo chí LHQ thăm và làm việc tại Điện Biên nói Việt Nam còn nhiều thách thức nhưng các nước muốn phát triển về y tế cơ sở thì phải đến Việt Nam.
Điều thấm thía nhất của chúng tôi là phải chủ động cung cấp thông tin minh bạch cho báo chí. Bộ đã thường xuyên cung cấp thông tin, qua họp báo hoặc giao lưu trực tuyến qua các đơn vị như Cổng TTĐT Chính phủ, hoặc qua các chương trình, sự kiện… Thời gian qua, dư luận, báo chí đã hiểu, đồng hành để chúng tôi phấn đấu tốt hơn. Một điều khác không dễ xử lý là các tình huống sự cố, các cuộc khủng hoảng truyền thông, cần các nhà báo giúp đỡ. Có những lúc Bộ trưởng Y tế đã phải trực tiếp phát biểu trên báo, ví dụ trong vụ Công ty Bio-Rad hối lộ các quan chức y tế 2,2 triệu USD. Bộ đã thông báo, chuyển công an điều tra, giúp các nhà báo trực tiếp gặp những chủ đầu tư – những người phải chịu trách nhiệm về thiết bị mà họ đã mua…
Chúng tôi lắng nghe ý kiến trên mạng, qua Facebook, khi có sai sót, vi phạm thì làm nghiêm để loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”. Đường dây nóng của Bộ đã tiếp nhận hơn 10.000 ý kiến, trong đó hơn một nửa là có địa chỉ, qua đó đã xử lý hơn 130 cán bộ, từ đuổi việc đến cách chức… Trang web và 2 tờ báo của Bộ cũng cung cấp thông tin nhiều hơn.
Nói chung, truyền thông là một thế mạnh của thế kỷ 21, chúng tôi nghĩ các nhà báo sẽ giúp tôi trả lời câu hỏi của bạn tốt hơn. Nhưng dù sao, ngành Y tế cũng phải làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, làm hài lòng người dân hơn. Chúng tôi đã đề ra 2 khẩu hiệu cho thời gian tới. Một là “quyết tâm đồng lòng giảm tải, làm hài lòng người bệnh”. Hai là “tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân”. Nhiều bệnh viện đã cam kết không còn bệnh nhân nằm ghép, chúng tôi sẽ kiểm tra giám sát.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Vấn đề VSATTP là vấn đề nhân dân rất quan tâm, đáp ứng mong đợi đó của nhân dân, và các bộ, ngành, các cấp chính quyền đã có nhiều nỗ lực. Riêng Bộ NN&PTNT xác định năm 2015 là năm đảm bảo VSATTP trong nông nghiệp và chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị để ngày 5/2, tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai kế hoạch hành động, thực hiện chủ trương này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát - Ảnh: VGP |
Trong những ngày vừa qua, tôi đã làm việc với thành phố Hà Nội và tháp tùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với TPHCM để tăng cường các hoạt động đảm bảo ATTP cả lâu dài và đặc biệt trước Tết Nguyên đán. Bởi riêng 2 thành phố này chiếm gần 1 nửa dân số đô thị của cả nước, những người chủ yếu mua lương thực thực phẩm từ bên ngoài.
Trong kế hoạch của chúng tôi trong năm 2015, có nhiều giải pháp nhưng tập trung vào 5 nhóm: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là bà con nông dân, sử dụng đúng các loại vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu, kháng sinh và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong nuôi trồng thủy sản. Thứ hai là hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức thực thi nghiêm túc các quy định luật pháp. Thứ ba, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi đã có Cục Quản lý chất lượng ở Bộ và các tỉnh đều có chi cục. Năm 2015 chúng tôi sẽ tập trung làm cho bộ máy này hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả hơn, kết hợp với các cơ quan chuyên ngành khác. Thứ tư, chúng tôi tổ chức hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các quy trình sản xuất, làm ra các nông sản an toàn hơn và đặc biệt hình thành các chuỗi sản xuất để có thể giám sát từ nơi sản xuất đề nơi tiêu dùng. Thứ năm là tăng cường hệ thống thanh kiểm tra giám sát.
Từ nay đến Tết còn chưa đầy 20 ngày nên những công việc lâu dài cần được triển khai nhưng trước hết phải tập trung vào hai nhóm việc: Một là gia tăng việc giám sát tại những nơi mua bán các loại thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối. Chúng tôi cũng đã thống nhất với 2 đầu mối và chúng tôi cũng sẽ trao đổi, có ý kiến với các tỉnh trong cuộc họp trực tuyến ngày 5/2 tới. Thứ hai là phải tổ chức hướng dẫn, giám sát trên đồng ruộng, việc làm này chủ yếu ở các địa phương cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đô thị. Và chúng tôi đã hình thành 2 ban điều phối về xây dựng các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm an toàn cho 2 thành phố và sẽ tổ chức vận hành 2 ban điều phối này trong những ngày tới.
Theo chinhphu.vn