Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao
Trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 8/1, tại Hà Nội, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã điểm lại những nét chính trong hoạt động đối ngoại năm 2014 và phương hướng công tác năm 2015 của Bộ Ngoại giao; thông báo hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời các câu hỏi của phóng viên về các vấn đề báo chí quan tâm.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng |
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về vụ tấn công khủng bố tại Pháp ngày 7/1/2015, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức và cho rằng vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Pari (Pháp) ngày 7/1/2015 là hành động dã man không thể chấp nhận được. Việt Nam xin gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc tới Chính phủ Pháp, người dân Pháp và gia đình các nạn nhân và tin tưởng rằng những kẻ chủ mưu sẽ sớm bị trừng trị thích đáng. Ngày 8/1/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có điện chia buồn và thăm hỏi gửi tới Tổng thống Pháp Fracois Hollande, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có điện chia buồn và thăm hỏi gửi Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Cùng ngày Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có điện chia buồn gửi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabiusabius.
Liên quan đến trường hợp 136 công dân Việt Nam, sau vụ việc cảnh sát Malaysia giải cứu tại một hộp đêm vào ngày 3/1 vừa qua, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ với các cơ quan chức năng của Malaysia khẩn trương xác minh vụ việc, cũng như danh tính của những người liên quan. Phía Malaysia đã ghi nhận sự quan tâm của phía Việt Nam và cho biết, họ đang trong quá trình điều tra. Được biết, những phụ nữ này đã được chuyển đến Trung tâm bảo trợ xã hội của Malaysia . Sau khi xác minh được nhân thân của những người này thì phía Việt Nam và Malaysia sẽ làm việc theo hướng để đưa những công dân này về nước. Việt Nam cũng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân về nước.
Liên quan đến các quy định về xuất nhập cảnh, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, ngày 16/6/2014, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú người nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Luật này được xây dựng trên cơ sở tổng kết hơn 20 năm thực hiện pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào năm 2000 và duy trì những quy định đáp ứng được yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước, đồng thời đưa ra nhiều quy định mới phù hợp hơn với tập quán quốc tế. Hiện Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện luật này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cũng như cư trú tại Việt Nam .
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc và biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước, Phó Phát Ngôn Phạm Thu Hằng cho biết: Năm 2015, Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, nhân dịp này, hai bên sẽ trao đổi điện mừng của lãnh đạo cấp cao hai nước, tổ chức các hoạt động kỷ niệm tại hai nước nhằm củng cố và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam –Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc cũng nhất trí duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, tăng cường các cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Đảng, giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương, đặc biệt là thúc đẩy giao lưu nhân dân, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại cùng có lợi, cân bằng và bền vững.
Trả lời câu hỏi về giàn khoan Hải Dương - 981 đang đi trên vùng biển quốc tế vào Biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng của Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Là một nước thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, góp phần vào công việc chung vì hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các vấn đề ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 và tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam kiên quyết đấu tranh đối với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
Theo Tin tức