"Hộp đen" - Giải pháp giảm tai nạn giao thông
(Baonghean) - Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS) trên các loại phương tiện cơ giới đường bộ là một trong những yếu tố quan trọng làm giảm tai nạn giao thông đường bộ. Để công tác này phát huy hiệu quả hơn nữa, thì cần tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải qua thiết bị GPS, xử lý nghiêm các vi phạm …
Kiểm tra việc trích xuất dữ liệu từ GPS trước khi cho xe xuất bến tại Bến xe Vinh. |
Ông Phan Hữu Mân – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ kinh doanh vận tải Bình Minh (TP. Vinh) cho biết: “Thực hiện chủ trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS, HTX đã tuyên truyền, vận động xã viên thực hiện nghiêm túc, tất cả xe vận tải hành khách của HTX đều lắp đặt thiết bị GPS theo đúng quy định. HTX có 121 xe ô tô vận tải hành khách, trong đó có 51 xe ô tô khai thác tuyến ngoại tỉnh, 60 xe khai thác tuyến cố định nội tỉnh, nhờ có thiết bị GPS đã giúp cho HTX giám sát, quản lý tốt hơn công tác vận tải hành khách của xã viên”. Hay nhà xe Đức Bình khai thác tuyến Đô Lương – Đà Nẵng – Hà Nội cũng thực hiện nghiêm túc việc lắp đặt thiết bị GPS và qua đó đã giám sát được lịch trình của phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông.
Ngày 1/7/2013 là thời hạn “chốt” việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS đối với phương tiện vận tải khách. Được biết, trên địa bàn tỉnh có 25 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định gồm 610 xe, có 2 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe bus gồm 68 xe, có 7 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi gồm 855 xe, 10 đơn vị kinh doanh vận tải khác theo hợp đồng là 46 xe… và các phương tiện vận tải khách đều đã thực hiện tốt việc lắp thiết bị giám sát hành trình. Trong đó, một số doanh nghiệp như: Văn Minh, Thành Vinh, Thạch Thành. Bình Minh… có số lượng xe lớn nên đã ký kết hợp đồng với các đơn vị cung cấp thiết bị và thực hiện nghiêm túc việc bảo dưỡng, nên thiết bị GPS hoạt động ổn định. Việc gắn thiết bị này giúp cho ngành Giao thông quản lý tốt công tác vận tải khách của các đơn vị, doanh nghiệp, nhà xe trên địa bàn và qua đó, có những giải pháp phù hợp để xử lý các trường hợp vi phạm.
Hiện tại việc quản lý thiết bị giảm sát hành trình được thực hiện bởi các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng GPS, hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp cung cấp thiết bị và tất cả dữ liệu đều được ngành Giao thông, Cục đường bộ quản lý. Ông Võ Xuân Thanh – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Nghệ An cho biết: “Thực hiện yêu cầu của Sở Giao thông – Vận tải, các phương tiện đều phải có thiết bị GPS và thiết bị này đều đang hoạt động, trước khi xuất bến thì phải trích xuất đầy đủ dữ liệu thì Bến xe Vinh mới làm thủ tục xuất bến, tránh tình trạng một số đơn vị, chủ xe lắp thiết bị GPS nhưng không hoạt động và chỉ để đối phó khi kiểm tra…, Mỗi ngày tại Bến xe Vinh có 300 lượt phương tiện xuất bến đều đã được kiểm tra việc trích xuất dữ liệu từ GPS”. Nhờ chấp hành nghiêm túc việc lắp đặt thiết bị GPS và trích xuất dữ liệu đầy đủ mà tại Bến xe Vinh công tác quản lý gặp rất nhiều thuận lợi. Khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có những chủ xe tự ý ký kết hợp đồng vận tải khách đi ngoại tỉnh trong nhiều ngày liền, nên bỏ tuyến và thông báo với Bến xe Vinh là đưa xe đi sửa chữa, hoặt lấy lý do lái xe bị ốm… gây khó khăn cho công tác phục vụ vận tải hành khách cũng như rất khó xử lý các nhà xe, chủ phương tiện, nhưng sau khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và yêu cầu trích xuất dữ liệu thì không xẩy ra tình trạng đó nữa. Các chủ phương tiện, lái xe đã chấp hành theo đúng lịch trình, tuyến đường đã đăng ký hoạt động, thậm chí là kiểm soát được việc xe có vào bến hay không, hoặc sang khách dọc đường…
Vừa qua, Bộ Giao thông – Vận tải đã thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông vận tải đường bộ tại Nghệ An, qua đó đã đánh giá cao các đơn vị, doanh nghiệp vận tải thực hiện tốt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, thông qua kiểm tra thiết bị GPS cũng đã phát hiện một số đơn vị, doanh nghiệp có lái xe phạm lỗi về thời gian lái xe liên tục, hay điều khiến xe quá tốc độ, các lái xe không thực hiện đăng nhập tên lái xe khi khi đổi lái xe… như tại Công ty Thành Vinh, đoàn của Bộ Giao thông – Vận tải đã phát hiện các lái xe của 5 xe chạy tuyến Vinh – Hải Phòng có tổng cộng 599 lần vi phạm về tốc độ (tốc độ xe chạy lớn nhất là 89 km/h) và có nhiều lỗi vi phạm về thời gian lái xe liên tục, như xe 37B – 00279 có 234 lần lái xe vi phạm tốc độ và 14 lần vi phạm về thời gian lái xe liên tục.
Qua tìm hiểu được biết, do bắt buộc tất cả các phương tiện vận tải khách phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng thời gian quy định (ngày 1/7/2013), nên một số đơn vị, doanh nghiệp, nhà xe không lựa chọn được các đơn vị cung cấp thiết bị có uy tín dẫn đến việc GPS chỉ hoạt động được trong thời gian ngắn, hoặc thường xuyên trục trặc kỹ thuật, xẩy ra sự cố. Cũng qua đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông – Vận tải về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông vận tải đường bộ tại Nghệ An, đã phát hiện thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe 37V – 3679 của doanh nghiệp Thạch Thành có thông tin về số lần quá tốc độ không đúng theo QCVN 31: 2011/BGTV.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các loại phương tiện cơ giới đường bộ đã mang lại hiệu quả rất rõ, là một trong những yếu tố quan trọng làm giảm tai nạn giao thông đường bộ. Để công tác này phát huy hiệu quả hơn nữa, cần tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải qua thiết bị GPS, xử lý nghiêm, quyết liệt các vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe, hành trình chạy xe, đình chỉ hoạt động, thu hồi phù hiệu đối với các xe có thiết bị GPS không hoạt động hoặc không đúng quy chuẩn.
Hoàng Vĩnh