HTX phi nông nghiệp: Hiệu quả từ đa dạng dịch vụ

08/05/2014 18:46

(Baonghean) - Đầu tư kinh doanh khách sạn, sản xuất bột đá trắng siêu mịn, đóng tàu thuyền, xuất khẩu lao động, làm vật liệu xây dựng, dịch vụ chợ,… là những lĩnh vực sản xuất - kinh doanh hiệu quả của mô hình hợp tác xã (HTX) phi nông nghiệp. Những hoạt động thiết thực này không những tạo thêm nguồn thu nhập cao nhờ mở rộng nhiều ngành nghề, giải quyết việc làm cho xã viên… mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển đa dạng của loại hình HTX ở Nghệ An.

Mục tiêu của HTX Sản xuất và Dịch vụ Sông Lam (TX Cửa Lò) là phát triển theo hướng đa ngành, nghề, bởi vậy từ khi thành lập (năm 1991) đến nay HTX Sông Lam liên tục đổi mới, phát triển thông qua việc mở rộng nhiều ngành, nghề mới để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Ông Lê Thanh Ty – Chủ nhiệm HTX Sản xuất và Dịch vụ Sông Lam cho hay: “Thời gian qua, HTX rất chú trọng đến việc phát triển nhiều ngành, nghề và tùy theo tình hình thực tế trên địa bàn hàng năm HTX định hướng đầu tư phát triển từng ngành, nghề mới. Từ chỗ chỉ có 3 ngành nghề (năm 2003), đến nay HTX đã phát triển 13 ngành, nghề và đều hoạt động có hiệu quả.

Do đổi mới việc quản lý điều hành sát đúng, tài chính quản lý chặt chẽ, khoán, quản công khai minh bạch, dân chủ và mở rộng ngành nghề phù hợp, nên hiệu quả kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước”. Nhờ định hướng phát triển đa ngành, nghề nên hiện nay HTX Sản xuất và Dịch vụ Sông Lam đã rất thành công trong lĩnh vực sản xuất đó là: đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, chế biến hải sản, sản xuất đá lạnh, gia công cơ khí, thi công các công trình công nghiệp, dân dụng, giao thông, thủy lợi, mộc dân dụng; Đồng thời thực hiện tốt vai trò kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, kinh doanh nhà hàng, nhà nghỉ, vật liệu xây dựng, kinh doanh điện năng, dạy nghề và liên kết xuất khẩu lao động…

Đặc biệt trong thời gian gần đây, HTX rất thành công trong việc tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn TX Cửa Lò thông qua công tác giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Hàng năm, HTX đã đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài từ 400 – 500 người và đến nay đơn vị đang quản lý 680 thuyền viên đang có mặt trên tàu đánh cá Đài Loan, Hàn Quốc. Với sự phát triển đa dạng đó, HTX Sản xuất và Dịch vụ Sông Lam đạt được nhiều kết quả cao trong sản xuất – kinh doanh, năm 2003 doanh thu của HTX chỉ là 3,2 tỷ đồng và hiện nay tổng doanh thu đã tăng hơn gấp 10 lần, đồng thời thực hiện rất tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ cộng đồng…

HTX may thêu Thống Nhất – TP Vinh.
HTX may thêu Thống Nhất – TP Vinh.

Bởi phát triển theo mô hình HTX phi nông nghiệp, nên phần lớn các HTX hoạt động theo hình thức này tập trung tại các thị, thành (tại một số huyện có HTX mây tre đan, dệt thổ cẩm…). TP. Vinh là một trong những đơn vị có số lượng HTX phi nông nghiệp lớn của tỉnh. Trong tổng số 49 HTX trên địa bàn có 25 HTX phi nông nghiệp (gồm 12 HTX CN – TTCN và XD, 5 HTX làm dịch vụ thương mại, 3 HTX dịch vụ chợ, 3 HTX vận tải và 2 quỹ tín dụng). Sự phát triển đa dạng, năng động của loại hình HTX kiểu mới đã đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là khẳng định được hướng đi mới và hiệu quả của mô hình HTX phi nông nghiệp tại địa bàn TP Vinh.

Ông Nguyễn Văn Chỉnh – Phó chủ tịch UBND TP Vinh cho biết: “TP Vinh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho HTX hoạt động và chỉ đạo các mô hình này vận hành theo đúng Luật HTX, kiện toàn bộ máy quản lý, xây dựng phương án sản xuất – kinh doanh phù hợp với nhu cầu của xã viên và xây dựng một số mô hình HTX kiểu mới như: may thêu Thống Nhất, Quyết Thành… Để tạo động lực cho HTX phát triển, TP Vinh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và đã giải ngân 5,7 tỷ đồng, hỗ trợ 9 HTX với 12 dự án vay vốn đầu tư sản xuất – kinh doanh. Ngoài ra còn có chính sách về khuyến công, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật”. Từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành liên quan và của TP Vinh, nhiều HTX phi nông nghiệp đã có cơ hội để phát triển.

HTX Quyết Thành là một mô hình của thành phố trong việc đầu tư sản xuất – kinh doanh đa ngành. Đơn vị đã huy động nguồn vốn của xã viên, vay ngân hàng để đầu tư 34 tỷ đồng mở rộng dây chuyền nghiền bột đá trắng và đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp khách sạn Quyết Thành cao 7 tầng tại phường Bến Thủy, tạo doanh thu lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Hay HTX may thêu Thống Nhất tại phường Hồng Sơn đầu tư gần 15 tỷ đồng xây dựng Tổ hợp TM dịch vụ, trên diện tích gần 700 m2 đường Trần Phú để duy trì nghề may thêu truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Thủy – Chủ nhiệm HTX may thêu Thống Nhất cho biết: “Năm 2013, dự án xây dựng Tổ hợp TM dịch vụ trong quá trình đầu tư hoàn thiện, nên chỉ sản xuất được gần 10.480 sản phẩm cờ, áo, quần và 23 bức tranh thêu, Năm 2014, HTX đặt ra mục tiêu doanh thu 1 tỷ đồng bao gồm các sản phẩm quần áo may mặc, tranh thêu và phát triển dịch vụ”… Cũng từ một HTX nông nghiệp, nhưng trong quá trình sản xuất không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, HTX Phong Toàn (phường Hà Huy Tập) đã mạnh dạn chuyển đổi sang ngành nghề mới, đó là đầu tư dịch vụ chợ. Bà Trần Thị Hương – Chủ nhiệm HTX Phong Toàn cho biết: “Do quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp của xã viên HTX Phong Toàn bị thu hồi, HTX đã mạnh dạn chuyển đổi hoạt động sang làm dịch vụ chợ và huy động nguồn vốn của 398 cổ đông là những người nông dân lao động bị thu hồi đất cùng đầu tư 21 tỷ đồng xây dựng chợ mới Phong Toàn với quy mô hơn 300 quầy hàng”.

Được đầu tư đồng bộ, chợ mới Phong Toàn xây dựng rất khang trang, đáp ứng kịp thời nhu cầu về giải quyết việc làm, kinh doanh buôn bán của xã viên, người dân vùng lân cận”. Hay tại HTX Nghi Liên, phát huy lợi thế là vùng đất ven thành phố, thời gian qua cũng đã mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm dịch vụ quản lý, khai thác chợ và từ chỗ khu vực chợ của xã chỉ có 22 xã viên, người lao động kinh doanh buôn bán, thì sau khi đầu tư xây dựng chợ mới đã giải quyết cho 200 người tham gia kinh doanh tại chợ…

Một mô hình HTX phi nông nghiệp cũng đã tạo được hiệu quả cao trong sản xuất – kinh doanh và góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy nghề truyền thống ở vùng cao là HTX dệt may thổ cẩm Hải Vân (Con Cuông). Cùng với việc thu hút nhiều lao động ở địa phương tham gia vào công tác may, dệt hàng thổ cẩm, thì HTX còn mở rộng hoạt động sản xuất, thu mua sản phẩm dệt thổ cẩm tại các huyện Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Thanh Chương với giá trị hàng tỷ đồng. Đặc biệt, tại Tân Kỳ, HTX làng nghề ngói Cừa cùng với việc việc duy trì phương pháp sản xuất truyền thống, còn mạnh dạn huy động nguồn vốn của xã viên đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ Tuynel đã tạo ra hiệu quả kinh tế cao và trong quá trình sản xuất, HTX luôn đầu tư mua sắm các thiết bị máy móc hiện đại để nâng cao năng lực hoạt động, như mua thêm máy dập ngói cải tiến, dây chuyền tạo phôi ngói… Nhờ đó, chất lượng và sản phẩm luôn được nâng cao. Năm 2013 đạt sản lượng gần 200 triệu sản phẩm và hàng năm doanh thu từ làng nghề này đạt trên 110 tỷ đồng, nạp thuế hơn 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Lãnh đạo Liên minh HTX Nghệ An cho hay: “Cùng với cơ chế, chính sách phù hợp và sự hỗ trợ, đầu tư kịp thời của các cấp, ngành liên quan, cộng với nỗ lực vươn lên của HTX phi nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh ta mô hình HTX kiểu mới phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức sản xuất – kinh doanh dịch vụ đa dạng. Hiện nay, trong tổng số 112 HTX phi nông nghiệp, có đến 79 HTX sản xuất – kinh doanh có hiệu quả và mỗi năm lợi nhuận bình quân đạt 168 triệu đồng/HTX. Như vậy, thành công của mô hình HTX phi nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào sự phát triển đa dạng của loại hình HTX ở Nghệ An”.

Hoàng Vĩnh.

Mới nhất
x
HTX phi nông nghiệp: Hiệu quả từ đa dạng dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO