Hưng Long (Hưng Nguyên): Thoát nghèo từ nghề mây tre đan
Không ai biết nghề đan lát xuất hiện ở xã Hưng Long (Hưng Nguyên) có tự khi nào, chỉ biết nói đến nghề đan lát thì Hưng Long nổi tiếng từ xưa đến nay.
Trong đó, xóm 12 được xem là làng nghề có truyền thống lâu năm nhất. Người dân Hưng Long xem đồng ruộng là người bạn thân thiết, quanh năm chân lấm tay bùn, những ngày rỗi rãi họ lại cùng nhau làm ra những sản phẩm quen thuộc như nong, nia, rổ rá, sọt... mang đến các chợ quê trong huyện, trong tỉnh buôn bán. Nơi đây từng là trụ sở HTX nổi tiếng bởi nghề đan lát mây tre đan xuất khẩu sang thị trường Liên Xô cũ.
Và chính nghề truyền thống này đã đảm bảo cuộc sống cho bao thế hệ ở vùng quê này. Những gia đình như: Nguyễn Văn Công, Lê Văn Thời, Nguyễn Đình Lộc, Nguyễn Quốc Phương, Nguyễn Thị Cử.... được xem là những gia đình làm nghề truyền thống lâu nhất, họ đã nhanh chóng thoát được nghèo và cũng làm giàu từ nghề truyền thống đan lát này.
Sản phẩm làng nghề đan lát Hưng Long. |
Ông Hoàng Nghĩa Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Long cho biết: Trước đây, bà con chỉ đan bu kiềng, sọt... bán ở Thành phố Vinh và vùng lân cận. Nhưng người tiêu dùng hiện nay không mặn mà lắm với rổ, rá tre mà chuyển sang dùng đồ nhựa, đồ nhôm.
Vì vậy, để khôi phục làng nghề, xã đã mở lớp tập huấn nghề mây tre đan, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển, mở rộng nghề đan lát với các sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, địa phương cũng tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho người dân.
Hiện nay, nghề đan lát vẫn duy trì và phát triển mạnh, thu hút 400 lao động tham gia. Thu nhập bình quân mỗi ngày 40 ngàn đồng/lao động. Nhờ có nghề này mà nhiều hộ thoát nghèo.
Ở Hưng Long, xóm 12 là phát triển mạnh nhất nghề này. Là xóm ngoài đê, hàng năm người dân chịu nhiều thiên tai lũ lụt, vì vậy nghề đan lát được bà con chọn làm nghề thoát nghèo bền vững. 3 năm qua, theo nhu cầu của thị trường, xóm phát triển thêm được nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: giỏ hoa, lẵng hoa các loại, vòng hoa...
Tính ra, thu nhập của người lao động đạt từ 1 - 1,5 triệu đồng/ tháng. Đan lát là nghề phụ nên tận dụng được thời gian rảnh rỗi và nguồn lực lao động trong gia đình (từ các em học sinh đến ông bà già đều có thể tham gia). Chị Phan Thị Thanh - người gắn bó với nghề đan lát cho biết: Ngoài làm nông nghiệp, thì nghề đan lát đem lại nguồn thu chính cho gia đình. Nhờ có tay nghề khá cộng với bản tính chịu khó, mỗi tháng chị cũng kiếm thêm khoảng hơn 1,5 triệu đồng. Ở quê, với thu nhập như thế cũng là tạm ổn để có thể yên tâm đầu tư cho các con ăn học.
Đến thăm cơ sở mây tre đan Hoàng Minh Khánh và Nguyễn Thị Yến (xóm 12) vào những ngày cuối năm, mới thấy hết không khí làm việc khẩn trương, tấp nập: tất cả đang hối hả hoàn thành những mẻ hàng bàn giao cho khách đúng thời gian.
Nhận thấy nếu chỉ dừng lại ở những sản phẩm đơn giản thì rất khó tiếp cận với thị trường khó tính là người tiêu dùng, vợ chồng anh Khánh đã quyết định đi tham quan một số cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ phía Bắc để vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa tiếp cận với cách thức làm ăn theo cơ chế thị trường.
Sau khi có đủ tiềm lực cùng những mối đặt hàng, anh Khánh chị Yến mạnh dạn mở cơ sở sản xuất và nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm vươn xa ra thị trường ngoại tỉnh. Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh chị có 5 thợ chính với mức lương trung bình trên 1,5 triệu đồng/lao động/tháng.
Những lΩng hoa, giỏ hoa, các giá đèn trang trí.... ở làng nghề Hưng Long giờ đây đã vượt ra ngoài tỉnh đến với các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Trung.
Ông Hoàng Mạnh Hùng - xóm trưởng xóm 12 xã Hưng Long khẳng định: Là xóm có 1/4 dân số theo đạo công giáo, thời gian qua, nhờ khôi phục, phát triển nghề truyền thống, đời sống kinh tế - văn hóa xã hội của bà con ngày càng khởi sắc.
Đặc biệt, tỷ lệ các em đậu đại học, cao đẳng và các trường THCN của xóm ngày càng tăng. Tệ nạn xã hội giảm hẳn, đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển vững chắc, Hưng Long rất cần sự quan tâm của xã, nhất là định hướng của huyện Hưng Nguyên trong việc mở rộng phát triển thành làng nghề trong thời gian gần nhất.
Thanh Thủy