Hưng Nguyên khí thế mới dọc con đường lịch sử
Đã 81 năm, không còn những dấu tích đau thương, bi hùng ngày 12/9/1930 khi máu hòa bùn non trên cánh đồng Thái Lão với 217 người chết và 125 người bị thương vì bom giặc. Nhưng lịch sử mãi còn những trang vàng ghi lại tinh thần đấu tranh sục sôi của hàng vạn nông dân phủ Hưng Nguyên xưa, góp phần làm nên một đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh của phong trào cách mạng nước ta những năm tháng dưới ách thực dân, phong kiến.
(Baonghean) - Đã 81 năm, không còn những dấu tích đau thương, bi hùng ngày 12/9/1930 khi máu hòa bùn non trên cánh đồng Thái Lão với 217 người chết và 125 người bị thương vì bom giặc. Nhưng lịch sử mãi còn những trang vàng ghi lại tinh thần đấu tranh sục sôi của hàng vạn nông dân phủ Hưng Nguyên xưa, góp phần làm nên một đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh của phong trào cách mạng nước ta những năm tháng dưới ách thực dân, phong kiến.
Tháng 9 đã trở thành tháng thiêng liêng trong bao mùa thu cách mạng, để mỗi người dân quê hương Hưng Nguyên tâm nguyện ra sức phấn đấu xây dựng đời sống mới, xứng với sự hy sinh vì nước của thế hệ cha ông. Tỉnh lộ 558 - con đường rẽ Quốc lộ 46 dẫn từ Thị trấn Hưng Nguyên về các xã Hưng Tân, Hưng Thông, Hưng Xá... nay được mở rộng, rải nhựa phẳng phiu, là một trong những tỉnh lộ đẹp nhất tỉnh, tự bao giờ được mang tên gọi "Đường 12-9" trong tâm thức người dân Hưng Nguyên; tưởng như nghe được âm vọng hào khí bước chân rầm rập kéo về phủ lỵ của hàng vạn nông dân biểu tình thị uy phá nhà lao, đốt huyện đường, vây đồn lính khố xanh trên con đường này vào tháng 9-1930, khi chứng kiến khí thế làm ăn đổi mới hôm nay. Nối tiếp những thôn mạc trù phú là là sôi động dịch vụ - thương mại từ sự năng động của người dân đã hình hài nên dáng dấp phố thị dọc theo con đường lịch sử. Tại xã Hưng Xá, thời điểm trung tuần tháng 9/2011 này đang náo nức chuẩn bị vào vụ gặt của mùa vụ hè thu, dự kiến là xã thu hoạch sớm nhất huyện với năng suất, sản lượng lúa tăng so năm trước. Làng Chùa nghề bún bánh tiếp tục phát triển rộn rịp và chợ Hưng Xá trở thành một trong những chợ đầu mối của vùng là những điểm nhấn cho hình thức kinh doanh dịch vụ đa dạng, tạo nhiều xu thế thuận lợi cho việc phát triển ngành nghề dịch vụ - thương mại. Xã hiện có 136 người tham gia xuất khẩu lao động ra nước ngoài, hàng năm lượng tiền gửi về không nhỏ, góp phần để nâng tổng thu nhập xã hội của Hưng Xá 6 tháng đầu năm 2011 đạt trên 33,6 tỷ đồng. Nông thôn Hưng Xá hôm nay san sát nhà dân xây dựng khang trang, hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh phát triển; riêng 6 tháng đầu năm nay đã xây dựng đường giao thông mang tên Nguyễn Văn Trỗi trị giá 4,3 tỷ đồng, xây dựng đường điện trị giá 3,5 tỷ đồng, cầu qua sông 12-9 trị giá 2 tỷ đồng, công trình nước sạch 7 tỷ đồng và hơn nửa tỷ đồng nữa cho sân vận động, hệ thống mương tưới nội đồng. Bộ mặt nông thôn mới đã hiện hữu rõ nét trên quê hương Hưng Xá. Động lực từ các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... tiếp tục tạo cho xã thế và lực phát triển mà ngày càng thể hiện vai trò chủ thể năng động, sáng tạo của người dân với nhiều mô hình làm ăn mới. Như ở xóm 6, có hộ nông dân Võ Xuân Hồng, từng nổi tiếng với mô hình trại chăn nuôi bò được coi là lớn nhất của huyện Hưng Nguyên; nay vợ chồng ông chuyển sang chủ yếu trồng màu trên diện tích trang trại 2 ha. Đặc biệt ông Hồng đang tiến hành thực hiện mô hình trồng cỏ ngọt phục vụ làm nguyên liệu phục vụ chiết xuất đường RebA (dược liệu) với 8 sào; theo ký kết hợp đồng với Công ty CP Đầu tư phát triển Á Châu (Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung bộ), thì với một năm thu hoạch 4 vụ, năm thứ nhất vợ chồng ông Hồng sẽ lãi ròng khoảng 20 triệu đồng, năm thứ hai gần 30 triệu đồng từ 8 sào cỏ ngọt ấy...
Xây dựng, nâng cấp Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh
ở Thị trấn Hưng Nguyên.
Xã Hưng Thông quê hương của Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, phát huy truyền thống cách mạng, khắc phục nhiều khó khăn nhất định về điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội với quyết tâm mới từ tăng cường xây dựng mối đoàn kết trong Đảng bộ, chính quyền và toàn dân. Xã xác định nhiệm vụ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2011 là hết sức nặng nề, nên đang phát động tập trung cho các giải pháp cụ thể trong 6 tháng cuối năm 2011. Đó là thu hoạch lúa vụ hè thu đạt năng suất trên 45 tạ/ha; đẩy mạnh chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, vụ đông phấn đấu gieo trồng 60 ha ngô và rau màu các loại, đồng thời chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết về giống, vật tư, phân bón... để sản xuất một vụ đông thắng lợi. Hưng Thông cũng chú trọng phát triển về văn hóa - xã hội. Xã đang phấn đấu cho mục tiêu năm 2011 xây dựng được khoảng 83% số hộ đạt gia đình văn hóa, 1 đến 2 xóm đạt danh hiệu làng văn hóa; hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập có sử dụng một phần kinh phí; đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân... Hưng Thông cũng là xã chú trọng các phong trào hoạt động của Hội Nông dân. Ngoài không ngừng đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, là phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới để tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Bằng phát huy tốt dân chủ cơ sở, khơi dậy nội lực người dân, nhà ở và các công trình sinh hoạt của nông dân Hưng Thông được xây dựng khang trang, sạch đẹp, hệ thống giao thông nông thôn liên xã, cầu cống, kênh mương được bê tông hóa kiên cố... Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công trình Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đang được nâng cấp xây dựng, đáp ứng mong mỏi của người dân Hưng Thông để nhân lên niềm tự hào và quyết tâm đi lên trên con đường đổi mới.
Mô hình trồng cỏ ngọt ở Hưng Xá.
Phát triển sôi động không kém là địa phương Hưng Tân mà hào khí Xô Viết 1930 - 1931 là một trong những dấu ấn cách mạng in đậm trong mỗi con người nơi đây, tạo nên sức mạnh xuyên suốt của một vùng quê có những bước tiến mạnh và vững chắc qua các thời kỳ phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đóng góp vào những thành tựu phát triển của huyện nhà. Ông Nguyễn Hữu Thống - Phó Chủ tịch xã Hưng Tân, cho biết: "Vận dụng những lợi thế của địa phương, xã đang tiếp tục phát triển đa dạng các ngành nghề phù hợp để thu hút lao động có công ăn việc làm, từng bước nâng cao đời sống cho người lao động. Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, các dịch vụ cơ khí, gò hàn, điện tử và sử dụng công cụ máy móc, củng cố phát huy các nghề như: mộc, xây dựng, may đo... Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy sản xuất phát triển". Có thể nói, trong sức phát triển mới của các địa phương dọc con đường 12 - 9 lịch sử (tức Tỉnh lộ 558), Hưng Tân là xã rõ nhất sự dồn nén diện mạo "làng lên phố", có thể là từ sự năng động phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như thế. Và không thể không nói đến một "mũi nhọn" kinh tế nữa của Hưng Tân là phong trào phát triển gia trại tạo ra một mạng hệ thống cung cấp nông sản hàng hóa từ các mô hình chăn nuôi kết hợp. Hiện Hưng Tân có 147 mô hình gia trại của các hộ nông dân đã được xã tạo điều kiện dồn điền đổi thửa để thực hiện. Không đạt tiêu chí diện tích đất đai để được công nhận là trang trại, nhưng hầu hết các mô hình kinh tế gia trại của Hưng Tân đều có doanh thu hàng năm vượt các mô hình trang trại của một số địa phương khác. Như ở xóm 1 có một cụm 4 gia trại liền kề từ dồn điền đổi thửa của 4 hộ nông dân, mỗi hộ thu lãi ròng 150 - 200 triệu đồng/năm. Gia trại của chủ hộ Võ Ngọc Minh rộng khoảng 7.500m2; ông chủ sinh năm 1974 này cho biết vợ chồng ra đồng lập trại từ năm 2005 với 120 triệu đồng hoàn toàn vốn vay. Cái "liều" cũng là từ sự động viên của chính quyền bằng hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ con giống (lợn) và quyết tâm đổi đời của hai vợ chồng trẻ. Ban đầu chi chút từng đồng, vợ chồng bỏ sức đắp bờ xây chuồng trại, mô hình chăn nuôi lợn, cá, gà vịt quy mô dần... Nay sau 5 năm vợ chồng Minh đã trả hết nợ, còn xây được nhà ở khang trang, đầu tư vào gia trại giá trị đã đến khoảng 600 triệu đồng; nếu không bị lỗ do dịch cúm gia cầm năm 2008 thì trại còn quy mô nữa... Có thể nói, chính quyền Hưng Tân đã tạo được mối gắn bó với người nông dân bằng những quan tâm cụ thể, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính để giải quyết nhanh nhất, tốt nhất mọi thủ tục cho người dân... Tin vào cuộc sống mới, nông dân Hưng Tân ngoài năng động vươn lên làm ăn giỏi, đã tích cực xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, vệ sinh đường làng ngõ xóm, ổn định về an ninh trật tự, giáo dục con em truyền thống cách mạng của quê hương... tạo động lực tập trung cho phát triển kinh tế nâng cao đời sống về mọi mặt.
Đã hơn hai phần ba thế kỷ từ tinh thần cách mạng quật cường cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, nông dân Hưng Nguyên của các địa phương dọc con đường 12 - 9 lịch sử đã tự tin trên "con đường sáng", góp phần vào công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay của quê hương, đất nước. Mai này khi các công trình Quảng trường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, các di tích Văn hóa - Lịch sử trên địa bàn huyện hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp, Hưng Nguyên sẽ là một địa chỉ hấp dẫn khách trong, ngoài tỉnh về thăm và tìm hiểu đầu tư, thì trong đó chính là có phần của khí thế cách mạng mới vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng, làm sáng lên một diện mạo nông thôn mới. Khí thế đó, có thể nói đã được khởi phát từ hào khí cách mạng sục sôi năm xưa...
Đình Sâm