Hưng Nguyên: Nhiều giải pháp ứng phó trong mùa mưa bão

19/09/2014 09:56

(Baonghean) - Mùa mưa bão đang đến gần, ngoài việc chuẩn bị phương án “4 tại chỗ” thì huyện Hưng Nguyên đang đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường chống lũ, kè chống sạt lở bờ sông. Đặc biệt, bà con các xã Hưng Nhân, Hưng Lợi… ở ngoài đê sông Lam đã chủ động bỏ vốn xây nhà chống lũ.

Tuyến đường chống lũ  nối từ xóm 2, xã Hưng Lĩnh vào trung tâm xã đã đưa vào sử dụng.
Tuyến đường chống lũ nối từ xóm 2, xã Hưng Lĩnh vào trung tâm xã đã đưa vào sử dụng.

Bỏ vốn xây nhà chống lũ

Tại xã Hưng Nhân (nằm ngoài đê 42) hiện có các nhà chống lũ cộng đồng kết hợp, bao gồm hệ thống nhà văn hóa, trường học, trạm y tế. Để chống lũ, từ năm 2012 cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ 10 triệu đồng/hộ nghèo và cận nghèo, ngoài ra huy động thêm sự ủng hộ, giúp đỡ từ cộng đồng, doanh nghiệp, đến thời điểm này, xã đã xây dựng được 63 nhà chống lũ. Nhiều nhà chống lũ đạt diện tích và chất lượng quy định, phù hợp phong tục, tập quán của địa phương. Trong năm 2012, gia đình anh Hoa Hồng Lĩnh có hoàn cảnh khó khăn đã được Hội kiến trúc sư Việt Nam và Công ty cổ phần Bê tông xây dựng Vinaconex Xuân Mai thiết kế và đầu tư xây dựng nhà lõi tránh lụt, bão. Ngôi nhà được thiết kế đạt tiêu chuẩn, kích thước 3x3m, cấu tạo gồm 4 cột bê tông cốt thép có chiều cao 3m, mái được lợp bằng tấm lợp dẻo onduline có khả năng chống chịu bão và vượt được lũ. Từ khung nhà lõi này người dân cũng có thể mở rộng không gian xây dựng để tăng diện tích sử dụng.

Nhiều hộ ở Hưng Nhân đã chủ động vay mượn tiền để đầu tư xây “nhà chống lũ” và “cồn tự cứu”. Gia đình anh Nguyễn Văn Hoàn đã đầu tư nhà chống lũ trị giá trên 150 triệu đồng. Căn nhà với diện tích trên 70m2 và được xây dựng thêm tầng 2 gồm 2 phòng khoảng trên 30m2. Theo anh Hoàn, diện tích 30m2 là đủ sinh hoạt cho cả gia đình, trong đó có cả diện tích để chứa lương thực, thực phẩm, bếp và các vật dụng thiết yếu khác. Đối với trâu, bò, lợn có thể gửi ở các gia đình sát nhà có “cồn tự cứu”. Tại xóm 6, với gần 100 hộ dân thì trên 80% đều có nhà chống lũ và “cồn tự cứu”. Chị Nguyễn Thị Hương ở xóm 6 tâm sự: Gia đình tôi đang rất khó khăn, căn nhà chỉ rộng chừng 40m2. Nhưng để chống lũ, đảm bảo an toàn tính mạng, của cải trong năm 2013, chúng tôi đã vay mượn trên 40 triệu đồng xây dựng “cồn tự cứu”. Quan sát chúng tôi thấy “cồn tự cứu” của gia đình chị Hương khá “đa năng”. Gọi là “cồn” nhưng thực tế sát phía sau nhà được đúc 4 cọc bê tông cốt thép, phía dưới nuôi trâu bò, lợn. Mặt bằng được đổ bê tông và xây tường bao lợp ngói, được thiết kế cầu thang lên, xuống từ phía hông nhà. “Cồn tự cứu” rộng chừng trên 30m2 nhưng được quy hoạch cho các thành viên trong gia đình trú ngụ và cả trâu, bò tránh lũ, nơi dự trữ rơm cho trâu, bò…

Ông Phạm Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân cho biết: Hưng Nhân có 945 hộ dân, 3.836 nhân khẩu, đến thời điểm này toàn xã có trên 70% người dân có các công trình nhà chống lũ, “cồn tự cứu” (chủ yếu người dân tự vay vốn để xây dựng). 30% số hộ dân còn lại thì làm “chạn” gác ngay trong nhà. Bà con Hưng Nhân đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để xây dựng hoàn thiện nhà chống lũ, “cồn tự cứu” và đặc biệt là các công trình nhà chống lũ cộng đồng để đảm bảo an toàn tính mạng, của cải vật chất trong mùa mưa lũ.

Ngoài Hưng Nhân, một số xóm ngoài đê của các xã Hưng Lợi, Hưng Lĩnh… hầu hết các hộ dân đều có phương án sống chung với lũ bằng việc xây “nhà chống lũ” và “cồn tự cứu”.

“Cồn tự cứu” của gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở xóm 6, xã Hưng Nhân.
“Cồn tự cứu” của gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở xóm 6, xã Hưng Nhân.

Đẩy nhanh tiến độ công trình ách yếu

Xã Hưng Lĩnh hiện có 4 xóm nằm ở ngoài đê 42 gồm: 1A, 1B, 2 và 3 với khoảng trên 2.700 nhân khẩu. Vào mùa mưa lũ, hầu hết các xóm ngoài đê đều bị cô lập. Những ngày này, các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn. Hiện, tuyến đường chống lũ, nối từ xóm 2 xuyên qua đê 42 dài gần 2 km vào UBND xã đã đạt trên 80% khối lượng. Ông Nguyễn Văn Cảnh – Xóm trưởng xóm 2, cho biết: Xóm có trên 175 hộ dân, 850 nhân khẩu. Trước đây, tuyến đường cũ, nền thấp nên vào mùa mưa lũ, một số đoạn bà con phải đi đò rất nguy hiểm đến tính mạng. Nay đường chống lũ được cơi nới, xây dựng cao hơn, mặt đường rải nhựa nên người dân đi lại rất thuận lợi trong mùa mưa lũ. Đặc biệt là trên tuyến đường chống lũ đã thi công xong cầu, nên người dân đã thoát cảnh “lụy đò”.

Tại tuyến số 3 và nửa tuyến số 4 đi qua các xóm 3 và xóm 4, công nhân đang tích cực hoàn thiện phần lát mái. Ông Vũ Thành Nam - Giám đốc Công ty CPXD 16 cho hay: Công ty thi công tuyến đường chống lũ số 3 và nửa tuyến số 4 với chiều dài 1,7 km. Mặc dù khó khăn về nguồn vốn, nhưng đơn vị vẫn huy động nhân lực và máy móc hoàn thiện các hạng mục ách yếu trước mùa mưa lũ. Đến thời điểm này đạt trên 70% khối lượng công trình. Cụ thể, là đã hoàn thiện phần nền đường và mặt đường rộng 6m, đảm bảo cho bà con lưu thông trong mùa mưa bão. Được biết, công trình đường chống lũ ở xã Hưng Lĩnh do Chi cục quản lý đê điều làm chủ đầu tư với tổng trị giá trên 39 tỷ đồng. Đến thời điểm này, đã hoàn thiện được trên 65% khối lượng. Cơ bản đã xong phần nền và mặt đường. Dự định đến hết năm 2015, công trình mới đưa vào sử dụng. Ông Lê Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã Hưng Lĩnh cho biết: Công trình đường chống lũ Hưng Lĩnh hiện tại cơ bản đã xong phần nền, nên ngay từ đầu mùa mưa lũ năm 2014 đã có thể sử dụng. Do được nâng cao nền và làm một số cầu thông tuyến đường chống lũ trung tâm từ xóm 2, nên bà con 4 xóm cũng có thể theo con đường chống lũ vào đê lánh nạn an toàn khi xảy ra sự cố.

Nhiều năm qua, bà con nhân dân xã Hưng Khánh phải chịu cảnh sạt lở bờ sông mất diện tích đất canh tác, đe dọa đất thổ cư. Trước thực trạng đó, từ năm 2012, Nhà nước đã hỗ trợ kịp thời xây dựng kè bờ sông Lam, đoạn qua xã Hưng Khánh với chiều dài gần 1,7 km, tổng trị giá gần 20 tỷ đồng. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Do tính chất quan trọng, nên chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ công trình đường cứu hộ Hưng Lĩnh. Riêng đoạn kè xã Hưng Khánh, do chỉ đạo quyết liệt nên kè đã được đưa vào sử dụng và phòng chống sạt lở ngay từ đầu mùa lũ năm 2014. Kè được thiết kế kè lát mái gồm 3 bộ phận chính. Mái kè chiều cao từ 5 - 6m, đổ khung bê tông đá hộc lát khan, chống được sự kéo trôi của dòng chảy và dòng bùn cát đáy.

Có thể nói rằng, đến thời điểm này, Hưng Nguyên đã và đang hoàn thiện các công trình chống lũ ách yếu. Khó khăn đặt ra hiện nay là các xã ngoài đê 42 ở Hưng Nguyên đang thiếu các nhà cộng đồng tránh lũ, vì vậy rất cần được Nhà nước quan tâm để người dân đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trong mùa mưa lũ.

Bài, ảnh: Văn Trường

Mới nhất
x
Hưng Nguyên: Nhiều giải pháp ứng phó trong mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO