Hưng Nhân với phương án "sống chung với lũ"
Hưng Nhân là xã nằm ngoài đê của huyện Hưng Nguyên, hàng năm xã phải hứng chịu từ 2-4 đợt lũ. Đã bao đời nay người dân ở đây đang tìm cách chung sống với lũ lụt. Được sự hỗ trợcủa cấp trên cùng sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và người dân, ước mơ đó đang trở thành hiện thực.
Hưng Nhân là xã nằm ngoài đê của huyện Hưng Nguyên, hàng năm xã phải hứng chịu từ 2-4 đợt lũ. Đã bao đời nay người dân ở đây đang tìm cách chung sống với lũ lụt. Được sự hỗ trợcủa cấp trên cùng sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và người dân, ước mơ đó đang trở thành hiện thực.
Dưới cái nắng oi ả của ngày đầu hè, cùng với ông Nguyễn Kim Phối, phó phòng nông nghiệp huyện, chúng tôi về Hưng Nhân. Nổi bật trong khuôn viên của ủy ban xã là ngôi nhà 2 tầng sơn màu xanh.
Đây là ngôi nhà cộng đồng tránh lũ đầu tiên trong tỉnh, được hình thành bởi 70% nguồn vốn của Quỹ Phòng chống thiên tai miền Trung, 20% từ ngân sách của tỉnh và 10% vốn đối ứng của xã. Với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng. Chủ tịch xã Nguyễn Công Hoan đưa chúng tôi đi tham quan công trình. Ngôi nhà gồm 2 tầng, mỗi tầng 400 m2, tầng dưới có 3 phòng, trong đó có 1 phòng dùng để cấp cứu bệnh nhân bão lụt.
Nhà cộng đồng tránh lũ ở Hưng Nhân (Hưng Nguyên).
Tầng trên là hội trường, trong nhà bố trí bếp nấu ăn, bể chứa nước ngọt, bàn ghế để cho người dân nghỉ ngơi khi sơ tán lụt. Theo thiết kế, nhà đủ chỗ cho 400 người sơ tán. Trong phương án phòng chống bão lụt năm nay của xã đây là địa điểm để sơ tán người già trẻ em trong bão lụt. Cùng với trạm xá xã, trường học nhà cộng đồng tránh lũ sẽ giảm áp lực sơ tán dân trong bão lụt, giúp người dân bám trụ để sống chung với lũ.
Theo ông Hoan, là xã ngoài đê nên ý thức chung sống với lũ lụt đã hình thành trong mỗi người dân. Tùy điều kiện kinh tế mà ý tưởng đó được thể hiện dưới các hình thức khác nhau. Rồi ông lấy dẫn chứng: Trước đây khi kinh tế còn khó khăn người dân Hưng Nhân đã biết đắp cồn tự cứu. Mỗi xóm chọn 1 vị trí đất cao, đắp lên chừng 2m xung quanh ghép cỏ chắc chắn. Mỗi cồn rộng 150 - 200 m2 chứa trâu bò cả xóm. Đến nay ở xóm 1 vẫn đang còn 1 cồn. Sau những năm 90, khi kinh tế phát triển, người dân có điều kiện xây nhà kiên cố, hình thức chòi vượt lũ ra đời.
Tùy theo điều kiện kinh tế, trong lúc xây dựng nhà cửa, bà con kết hợp xây một chòi cao rộng 10- 15m2 có cầu thang để trâu bò lên xuống. Đây là nơi chứa rơm rạ, lúa má, gia súc, gia cầm khi lụt về. Độ cao của chòi thiết kế lấy đỉnh lũ lịch sử năm 78 - 88 cộng thêm 1 mét. Năm 2005 việc xây chòi tự cứu đã được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ xã. Đến nay 55% số hộ trong toàn xã đã có cồn tự cứu.
Năm 2011 xã đã xây dựng đề án sống chung với lũ. Đề án đã được huyện phê duyệt trình tỉnh và tỉnh đang có kế hoạch trình Trung ương xin kinh phí để triển khai, xem đây là mô hình mẫu để rút kinh nghiệm triển khai ra các xã ở vùng lũ. Theo đề án nhà văn hóa cộng đồng ở các xóm sẽ được nâng cấp xây 2 tầng kiên cố để khi báo động cấp 2 là sơ tán dân lên. Việc quản lý, tổ chức sinh hoạt được giao cho các đoàn thể như Đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh...
Với cách làm này sẽ giảm áp lực đưa dân đi xa. Song song với việc xây dựng cơ sở vật chất chương trình bồi dưỡng kỹ năng sống chung với lũ cho từng hộ dân cũng được chú trọng. Từ việc khuyến cáo dự trữ nước, gạo thực phẩm đến việc đi lại trong mùa mưa bão cũng được tập huấn kỹ. Để giảm thiểu tai nạn, hệ thống điện trong khu vực xã đang phải nâng cấp từ nguồn vốn WB4. Hệ thống điện ở từng nhà cũng đã có quy định cụ thể: ổ cắm phải lắp đặt cao tránh ngập nước gây rò điện, đối với nhà 2 tầng trở lên phải có 2 hệ thống cầu giao, nước dâng đến đâu cắt điện đến đó.
Chương trình chung sống với lũ còn được thể hiện trong kế hoạch điều hành của bộ máy chính quyền xã. Những công việc cụ thể được sắp xếp theo mực nước dâng, sơ tán gia súc gia cầm, sơ tán người, tài sản được sắp xếp theo từng mức nước ...
Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành cùng với kinh nghiệm của người dân, sự lãnh đạo sát sao của chính quyền, phương án sống chung với lũ của Hưng Nhân sẽ thu được kết quả trong mùa lụt sắp tới - đó là kinh nghiệm để nhân rộng cho các địa phương trong vùng lũ.
Công Sáng