Hưng xá "Đòn bẩy" từ dồn điền, đổi thửa
(Baonghean) - Là một miền quê thuần nông, nhưng diện tích nông nghiệp lại chỉ xấp xỉ 170 ha, trong đó, chiếm phần lớn là diện tích đất vùng bãi ngoài đê nên bấy lâu nay, Hưng Xá vẫn thường được nhắc đến là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.
Máy gặt đập liên hợp trên những cánh đồng ở Hưng Xá. |
Thế nhưng, những ngày cuối tháng 8, chúng tôi tìm về Hưng Xá, để rồi ngỡ ngàng nhận ra sự trù phú óng vàng trên những cánh đồng lúa hè - thu đang bước vào thời kỳ gặt rộ. Hưng Xá giờ đây trở thành điểm sáng trong nhiều phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của huyện nhà. Ông Lê Xuân Quế - Chủ tịch UBND xã Hưng Xá vừa dẫn chúng tôi thăm đồng bãi, vừa phấn khởi chia sẻ: “Chỉ trong vòng một năm triển khai, Hưng Xá đã về đích trong công tác dồn điền, đổi thửa, được đánh giá là xã đi đầu về công tác này trên toàn huyện. Trước khi dồn điền, đổi thửa, xã có 1.616 thửa ruộng manh mún, cao thấp, nhưng đến cuối năm 2013 chỉ còn 902 thửa, trung bình mỗi hộ từ 4 - 5 nhân khẩu nhận 1 thửa. Giờ đây, máy móc vào tận ruộng, bà con canh tác rất thuận lợi!”
Sự thuận lợi ấy hiện hữu trên những thửa ruộng bát ngát, diện tích trung bình mỗi thửa hơn 1.000m2. Trên cánh đồng Mộ Tâm, chúng tôi tình cờ gặp gỡ gia đình anh Lê Văn Sỹ (xóm 2, Hưng Xá) khi vợ chồng anh đang tiêu khiển máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng của mình. Dáng vẻ rắn rỏi, nhanh nhẹn, anh Lê Văn Sỹ đúng là điển hình của một nhà nông thời đại mới, khi tự nguyện nhận hơn 4 ha ruộng xấu, ruộng khó trên địa bàn xã để canh tác. Vụ đông xuân 2014, ngay trên chính cánh đồng cằn cỗi ấy, sản lượng 3,5 tạ/ sào lúa đã minh chứng rõ nhất cho tinh thần lao động miệt mài và quan điểm sản xuất hiện đại của gia đình anh. Khoát tay ra trước mặt là đồng bãi mênh mông đang rộn rã tiếng máy gặt, anh Sỹ tâm sự đầy quả quyết: “Nhiều người bảo tôi gàn dở, không ít người tỏ ra ái ngại khi gia đình tôi xung phong nhận hơn 4 ha ruộng cằn của xã. Nhưng bấy giờ, trong đầu tôi đã hình thành ý tưởng, với diện tích canh tác lớn sẽ thuận tiện sử dụng máy móc nông nghiệp, hạn chế sức người, khả năng cải tạo chất đất là rất lớn và trong tương lai không xa, gia đình tôi sẽ thay đổi cơ cấu sản xuất theo hướng trang trại VAC. Nếu mình cần cù lao động, đất sẽ không phụ mình!”.
Tuy nhiên, những bước đi đầu tiên của tiến trình dồn điền, đổi thửa ở Hưng Xá không phải lúc nào cũng gặp được sự đồng thuận như của gia đình anh Lê Văn Sỹ. Không thể kể xiết vô vàn khó khăn mà những người cán bộ cơ sở phải đối mặt, nhất là định kiến tư tưởng của người dân luôn ngại sự thay đổi, xáo trộn. Mặt khác, thời điểm năm 1993, thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ, xã Hưng Xá đã tiến hành chia đất sản xuất ổn định cho các hộ dưới hình thức chia theo nhân khẩu, tuy nhiên, quá trình canh tác thủ công khiến cho chất đất cũng như diện tích ngày càng manh mún, xuống cấp. Nan giải nhất là xóm 5, khi diện tích canh tác toàn xóm chỉ hơn 168.000m2 nhưng bị chia nhỏ thành 429 thửa! Tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, công khai, cùng có lợi, chính quyền xã Hưng Xá đã xác định xóm 5 là xóm điểm trong công tác dồn điền, đổi thửa, với ý nghĩa “đả thông” địa bàn khó để tạo biến chuyển những địa bàn có phần thuận lợi hơn. Sau chuyển đổi, 110 hộ dân xóm 5 giờ đã yên tâm canh tác trên 120 thửa ruộng, trung bình mỗi hộ nhận 1-2 thửa. “Trái ngọt” ấy là thành quả của biết bao ngày tháng dân vận, chị Võ Thị Hà - Bí thư Chi bộ xóm 5 nhớ lại: “Chúng tôi đã lồng ghép nội dung dồn điền, đổi thửa này trong hoạt động của các tổ chức, đoàn thể như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên… Không kể hết vất vả, khó khăn trong việc vận động, khó đến nỗi, khi đồng ý nhận ruộng chuyển đổi rồi, đến thời điểm gieo cấy, bắc mạ, nhiều hộ vẫn chần chừ không đi. Phải đến khi thấy rõ cái lợi, cái tiện trăm đường, toàn thể nhân dân mới phấn khởi xuống đồng!”
Cái lợi trăm đường mà chị Võ Thị Hà nhắc đến, chính là những thuận lợi về giao thông, thủy lợi khi tiến hành dồn điền, đổi thửa. Hiện nay, hệ thống giao thông nội đồng đã vươn tới tận từng chân ruộng, bờ vùng, bờ thửa được quy hoạch vững vàng, rộng rãi, không còn cảnh người nông dân kẽo kẹt gánh gồng trên những con đường gập ghềnh, trồi sụt. Giờ đây, nông dân Hưng Xá đã hoàn toàn cơ giới hóa nông nghiệp vào từng công đoạn canh tác, vận chuyển. Niềm vui liên tiếp đến với người dân xã nhà khi 6 tháng đầu năm 2014, xã đã tiến hành nghiệm thu và đưa vào sử dụng tuyến mương tưới từ cống đê 42 đến xóm 3, tuyến mương tiêu ở xóm 5, xây dựng mương tiêu hạ tầng khu vực quy hoạch đất ở tại xóm 2 và xóm 3… Thành công từ dồn điền, đổi thửa tạo ra niềm tin, đồng lòng, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, xây dựng nông thôn mới khang trang. Ông Lê Xuân Quế - Chủ tịch UBND xã Hưng Xá khẳng định: “Hiện nay, Hưng Xá mới đạt 14/19 tiêu chí NTM, nhưng chính quyền và nhân dân xã nhà tin tưởng rằng, thành công từ cuộc cách mạng ruộng đất này sẽ tạo ra sức bật mạnh mẽ, phấn đấu về đích NTM vào năm 2015”.
Bài, ảnh: Phương Chi