Hướng đi cho nghề chiếu cói Hưng Hoà?

26/11/2012 14:35

(Baonghean) - Nghề trồng cói dệt chiếu ở Hưng Hoà được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2005.

Theo số liệu của UBND xã, hiện toàn xã có khoảng 800 hộ làm nghề chiếu cói, sử dụng 65ha thâm canh cói với sản lượng cói hằng năm khoảng 800 tấn. Những năm gần đây, diện tích trồng cói ở Hưng Hòa giảm mạnh, do các dự án Trường Cao đẳng Hàng Hải Vinalines, Dự án khu chung cư dành cho người thu nhập thấp… sử dụng mặt bằng tới 300ha và phần lớn là diện tích đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng cói ở Hưng Hòa. Trước việc sẽ được nhận tiền đền bù cho diện tích đất trồng cói bị thu hồi, nhiều hộ dân không còn mặn mà với nghề làm chiếu cói. Nhiều cánh đồng cói không được đầu tư chăm sóc, một số diện tích còn bị bỏ hoang.



Bà Nguyễn Thị Xuân (xóm Phong Thuận - Hưng Hòa) thu cói khô làm nguyên liệu dệt chiếu

Thực tế trên còn xuất phát từ việc nghề trồng cói, dệt chiếu rất vất vả, thu nhập không đáng là bao. Mỗi sào cói cho khoảng 1,5 tạ cói khô, nhưng công đoạn thu hoạch, phơi, cắt tỉa, lựa chọn khá nặng nhọc. Mỗi chiếc chiếu dạt (loại rộng 1m) chỉ có giá 20.000 đồng, người nào tích cực thì dệt mỗi ngày được 4 chiếc, thu nhập chưa đầy 100.000 đồng. Vì thu nhập thấp, không cạnh tranh nổi với các loại chiếu ngoại nhập nên nhiều người tìm sang các nghề khác hoặc đổ về nơi khác để kiếm việc làm. UBND xã cũng đã cử người đi học tập nghề làm chiếu ở các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình để phát triển, nhưng kinh phí eo hẹp nên cũng khó khăn trong thực hiện, triển khai.

Thiết nghĩ, thời gian tới, các ban ngành liên quan của thành phố cần hỗ trợ xã Hưng Hòa trong việc quy hoạch lại diện tích đất sản xuất nói chung và dất trồng cói nói riêng, từ đó bố trí lại lao động trong trong làng nghề chiếu cói, có chủ trương đầu tư máy móc, kỹ thuật để nâng chất lượng sản phẩm, liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ để làng nghề phát triển.

Mới nhất

x
Hướng đi cho nghề chiếu cói Hưng Hoà?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO