Hướng đi nào cho điền kinh Nghệ An
Từng giành được rất nhiều HCV và kỷ lục quốc gia ở nội dung đi bộ nam, nhưng 3 năm trở lại đây, điền kinh Nghệ An dường như quay trở về vạch xuất phát khi lứa VĐV kế cận không thể tiếp bước đàn anh. Hướng đầu tư nào cho điền kinh trẻ Nghệ An vẫn là một câu hỏi cần được sự quan tâm hơn nữa.
(Baonghean) - Từng giành được rất nhiều HCV và kỷ lục quốc gia ở nội dung đi bộ nam, nhưng 3 năm trở lại đây, điền kinh Nghệ An dường như quay trở về vạch xuất phát khi lứa VĐV kế cận không thể tiếp bước đàn anh. Hướng đầu tư nào cho điền kinh trẻ Nghệ An vẫn là một câu hỏi cần được sự quan tâm hơn nữa.
Bế tắc trong tuyển chọn
Hiện toàn đoàn điền kinh Nghệ An có 37 VĐV, chia thành 4 tổ chuyên môn là cự ly ngắn nữ, cự ly ngắn nam, cự ly trung bình và đi bộ. Trong đó, có đến 30 VĐV dưới 20 tuổi được xếp theo lứa các VĐV trẻ và VĐV dự tuyển. Tuy nhiên, trong những năm qua, thành tích của đội tuyển điền kinh trẻ vẫn chưa thể vượt được những năm trước đây. Tại giải Vô địch điền kinh các lứa tuổi trẻ quốc gia vừa diễn ra giữa tháng 3 vừa qua, đội điền kinh trẻ Nghệ An chỉ có 10 VĐV tham gia và giành được 2 HCV, trong khi năm ngoái cũng ở giải này, đoàn của tỉnh cử 16 VĐV tham gia và thu về 5 HCV ở tất cả các lứa tuổi.
Theo chia sẻ của HLV Nguyễn Văn Bằng, Trưởng bộ môn điền kinh thuộc Trung tâm huấn luyện TDTT tỉnh thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do công tác tuyển chọn VĐV còn gặp nhiều khó khăn, khiến đội ngũ VĐV trẻ chưa thể bắt kịp được thành tích của các VĐV trước đó. Từ năm 2012, Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh không cho mở các lớp tạo nguồn (các lớp huấn luyện VĐV nghiệp dư) nên công tác tuyển chọn hết sức bế tắc.
Nếu như năm 2011 trở về trước, bộ môn điền kinh mỗi năm mở 10 lớp huấn luyện tạo nguồn và hầu hết các VĐV được chọn vào đội dự tuyển đều từ các lớp tạo nguồn này, thì từ năm ngoái, việc tuyển chọn VĐV dự tuyển chỉ được thực hiện từ các giải điền kinh phong trào trong toàn tỉnh. Còn lại, phương thức tuyển chọn hầu như là “mò kim đáy bể”, khi các HLV không thể về từng xã, từng huyện để tuyển chọn VĐV dự tuyển. Và nếu có phát hiện ra các VĐV nghiệp dư từ các giải điền kinh phong trào thì việc thuyết phục các em tham gia vào đội dự tuyển cũng rất khó. “Như vừa qua, tại Giải chạy việt dã toàn tỉnh, chúng tôi đã phát hiện ra 3 em tuổi đời rất trẻ và có những tố chất phù hợp, nhưng mới chỉ 1 em đồng ý với giấy gọi tập trung đội dự tuyển”, HLV Nguyễn Văn Bằng cho biết thêm.
VĐV Nguyễn Văn Tư và Dương Công Tín, hai “hy vọng vàng” của bộ môn đi bộ nam.
Cũng vì nguyên nhân lực lượng mỏng mà trong năm 2013 này, bộ môn điền kinh Nghệ An chỉ đăng ký thi đấu ở 4 giải lớn là Giải vô địch các lứa tuổi trẻ quốc gia, Giải điền kinh quốc tế TP. Hồ Chí Minh mở rộng, Giải vô địch trẻ quốc gia và Giải vô địch quốc gia. Sau khi Giải vô địch các lứa tuổi trẻ quốc gia vừa kết thúc, có 4 VĐV trẻ của đội điền kinh Nghệ An được gọi tập trung đội tuyển trẻ quốc gia để tham dự Giải vô địch điền kinh trẻ Đông Nam Á sẽ diễn ra vào tháng 6 tới, đó là VĐV Lương Thị Nhất (môn đi bộ), Mai Quốc Việt (400m vượt rào), Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Thảo (400m tiếp sức).
Khó khăn về kinh phí
Với môi trường tập luyện 1 – 2 buổi mỗi ngày, 37 VĐV của đội tuyển điền kinh Nghệ An đều sống ở Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh và nhận được hỗ trợ từ ngân sách phát triển thể thao của tỉnh. Trong đó, số tiền hỗ trợ VĐV được đóng khung theo 3 cấp: VĐV cấp kiện tướng (hoặc có HCV giải Vô địch QG hằng năm) nhận được mức hỗ trợ cao nhất là 230 nghìn đồng/ ngày. Hai cấp còn lại là VĐV cấp 1 và VĐV dự tuyển nhận được lần lượt 170 nghìn và 120 nghìn đồng/ ngày. Ngoài ra, mỗi VĐV đạt các huy chương ở các giải đấu cấp quốc gia đều có tiền thưởng, nhưng so với mặt bằng chung thì số tiền hỗ trợ VĐV tại Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh vẫn là quá thấp.
Trong đội tuyển điền kinh Nghệ An, đi bộ là bộ môn có tiềm lực và được đầu tư phát triển nhất, nhưng ở bộ môn này, cũng đã có trường hợp VĐV phải “dứt áo ra đi” vì số tiền hỗ trợ quá thấp. Đó là trường hợp của VĐV Nguyễn Xuân Dũng, từng đạt thành tích vô địch và phá kỷ lục quốc gia 3 năm liên tiếp từ 2007 – 2009. Từ khi Dũng rời đội tuyển, lứa VĐV kế cận cũng không thể vượt lên được thành tích mà VĐV này tạo ra.
Hiện bộ môn đi bộ nam chỉ còn hi vọng vào hai cái tên là Nguyễn Văn Tư và Dương Công Tín. Còn ở nội dung đi bộ nữ, VĐV trẻ Lương Thị Nhất cũng là một VĐV đầy tiềm năng khi liên tiếp giành HCV ở các giải trẻ toàn quốc trong 2 năm trở lại đây. Một điều đáng nói là hiện Nhất vẫn đang nhận hỗ trợ theo chế độ VĐV cấp 1 do chưa đạt đến cấp kiện tướng (do các giải trẻ không có nội dung thi đấu 5000m để công nhận cấp kiện tướng).
Trao đổi với chúng tôi, HLV Nguyễn Văn Bằng chia sẻ thẳng thắn: “Vẫn biết vấn đề kinh phí và đầu tư cho thể thao của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng giá như các em được quan tâm hơn nữa, chế độ dành cho VĐV được cải thiện thì các em sẽ chuyên tâm vào tập luyện và cố gắng thi đấu hơn nữa, mang về thành tích cao cho thể thao tỉnh nhà”.
Thái Anh