Hướng đi nào cho “ốc đảo” Hữu Khuông
Nằm giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, chung quanh là mặt nước bao la và núi rừng trùng điệp, các bản làng của xã Hữu Khuông (Tương Dương) trở thành những “ốc đảo”. Kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế là những nguyên nhân chính “giam hãm” người dân Hữu Khuông trong vòng đói nghèo, lạc hậu...
(Baonghean) - Nằm giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, chung quanh là mặt nước bao la và núi rừng trùng điệp, các bản làng của xã Hữu Khuông (Tương Dương) trở thành những “ốc đảo”. Kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế là những nguyên nhân chính “giam hãm” người dân Hữu Khuông trong vòng đói nghèo, lạc hậu...
Xin được bắt đầu bài viết bằng những con số báo động: Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Hữu Khuông hiện nay là 522/537 (chiếm 97,2%). Với con số này, có lẽ đây là xã đang nắm giữ “kỷ lục” về tỷ lệ hộ nghèo ở Nghệ An mà chúng tôi từng biết tới. Bởi lẽ, trước đây chúng tôi đã từng biết đến xã Nhôn Mai (Tương Dương) có tỷ lệ hộ nghèo là 92%, hay Xiêng My (Tương Dương), Keng Đu (Kỳ Sơn) nằm ở con số trên dưới 90% chắc hẳn đã đứng tốp đầu, nhưng vẫn bị Hữu Khuông bỏ lại với khoảng cách khá xa. Được biết, 15 hộ (tỷ lệ 2,8%) còn lại ở Hữu Khuông đều thuộc diện cán bộ, công nhân viên và giáo viên.
Có mặt ở đây vào mùa mưa mới thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả của bà con các dân tộc Khơ mú, Thái và Mông đang hàng ngày phải đối mặt. Những trận mưa tưởng chừng như không ngớt làm cho nước khe, suối thường xuyên dâng cao, chảy xiết, cuốn trôi những chiếc cầu tạm và đe dọa sự an toàn tính mạng. Đêm đến, bản Con Phen (trung tâm xã), nơi đứng chân của UBND xã, trạm y tế và các trường học nhưng không hề có một ánh đèn.
Ông Lô Văn Chuyến- Bí thư Đảng ủy xã giải thích: “Là xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện nhưng 7/7 bản của Hữu Khuông vẫn chưa được hưởng nguồn điện lưới, bà con chủ yếu thắp sáng bằng thủy điện mini. Bây giờ đang là mùa mưa, sợ nước cuốn trôi và thiếu an toàn nên bà con phải cất hết tua-bin, chờ đến mùa khô mới đem ra suối lắp đặt lại”.
Đường vào "ốc đảo" Hữu Khuông
Xã Hữu Khuông hiện tại được thành lập trên cơ sở tập hợp các bản thuộc diện di vén (không phải diện tái định cư) của xã Hữu Khuông cũ và bản Huồi Pủng của xã Hữu Dương. Nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây vẫn chưa có gì khác ngoài nương rẫy. Địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế dẫn đến hiệu quả thấp.
Đây là những con số biểu thị tổng diện tích sản lượng trồng trọt của toàn xã trong năm 2011: lúa rẫy: 330 ha (264 tấn); lúa nước: 22 ha (55 tấn); ngô: 130 ha (96 tấn). Tổng sản lượng của các loại cây trồng vừa nêu, chia bình quân số dân toàn xã là 2.393 người, chúng ta có thể tự tìm ra được lời giải thích cho con số 97,2% tỷ lệ đói nghèo. Dù có lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc, đến nay, tổng đàn trâu bò của Hữu Khuông cũng chỉ mới ở mức khoảng hơn 2.000 con, đàn lợn cũng chưa đạt đến mức 2.000 con.
Chăn nuôi ở Hữu Khuông cơ bản vẫn còn theo hình thức thả rông nên đàn trâu bò và đàn lợn thường xuyên đối mặt với nguy cơ dịch bệnh và bị chết rét trong mùa Đông nhiệt độ xuống thấp. Đó là chưa kể đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây lan nguồn dịch bệnh sang người. Những con số kể trên chứng tỏ rằng cuộc sống ở Hữu Khuông vẫn còn mang nặng tính tự cung tự cấp, hầu hết người dân nơi đây vẫn chưa có tư duy phát triển kinh tế hàng hóa.
Thầy Trần Anh Tuấn (giáo viên tiểu học) cho biết: “Nguồn lương thực, thực phẩm của các thầy cô giáo chủ yếu phải mua từ Thị trấn Hòa Bình. Mỗi khi về nhà hoặc ra công tác tại trung tâm huyện, phải tranh thủ mua gạo, cá khô, trứng lên để dùng lâu dài. Nếu bận không về được phải gọi điện nhờ người nhà mua và gửi lên. Ở đây, mua một cân gạo, con gà, hoặc quả trứng rất khó, vì bà con chỉ làm và nuôi vừa đủ cho nhu cầu gia đình trong các dịp lễ, tết, làm vía, hầu như chưa ai có suy nghĩ làm ra để bán”.
Chị Lương Thị Vân Anh- người vừa được phân công về làm Phó Chủ tịch xã Hữu Khuông được mấy tháng. Vân Anh quê ở bản Chà Coong, xã Hữu Dương (cũ), hiện gia đình đã chuyển về khu tái định cư xã Thanh Sơn (Thanh Chương). Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Huế, cô gái sinh năm 1985 này đăng ký tham gia chương trình 600 trí thức trẻ tình nguyện và được phân công về vùng quê cũ. Theo Vân Anh, vấn đề mang tính mấu chốt của kinh tế - xã hội Hữu Khuông trong thời điểm hiện nay kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo, đặc biệt thiếu hẳn hai yếu tố hàng đầu là điện và đường. Chưa có điện lưới, người dân không có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, nâng cao trình độ hiểu biết và học hỏi KHKT.
Chưa có điện lưới, người dân phải chịu nhiều thiệt thòi trong sản xuất và sinh hoạt. Đến thời điểm hiện nay, để đến Hữu Khuông chỉ có cách duy nhất là đi thuyền máy ngược lòng hồ Bản Vẽ. Tuyến đường bộ Yên Tĩnh - Hữu Khuông đang được thi công nhưng yếu tố địa hình và nguồn vốn không cho phép hoàn thành trong một sớm, một chiều. Về giao thông nội vùng, từ trung tâm xã về các bản cũng chỉ có cách đi thuyền máy và cuốc bộ. Bản xa nhất của xã là Chà Lâng đi bộ mất khoảng nửa ngày đường. Đến đây, chúng tôi nhớ đến cảnh vừa chứng kiến 2 người phụ nữ bản Con Phen gùi những tấm pờ- rô xi măng (của chương trình hỗ trợ làm chuồng trại, phát triển chăn nuôi) qua con suối, một cách nhẫn nại giữa dòng nước xiết.
Có thể nói, giao thông cách trở chính là yếu tố kìm hãm sự phát triển và giao lưu kinh tế - xã hội của Hữu Khuông, kìm giữ người dân nơi đây trong cung cách làm ăn tự cung, tự cấp. Bên cạnh đó, do xã mới được tái lập nên bộ máy chính quyền cấp xã và các thôn bản hoạt động chưa đều tay, trình độ đội ngũ cán bộ còn hạn chế. Hầu hết cán bộ trẻ mới ra trường chưa có kinh nghiệm và cán bộ thôn bản mới lên chưa qua các lớp đào tạo cơ bản nên công tác tham mưu, chỉ đạo và xây dựng phương án, kế hoạch chưa đảm bảo tính hiệu quả.
Về việc tìm hướng thoát nghèo cho Hữu Khuông, nữ trí thức trẻ Lương Thị Vân Anh cho hay, khi biết được phân công về đây nhận làm Phó Chủ tịch xã, chị đã xây dựng đề án phát triển nghề nuôi cá lồng và đàn lợn địa phương. Đề án của chị đã thông qua và được Hội đồng tuyển dụng đánh giá cao. Cơ sở thực tiễn của đề án này là dựa vào mặt nước của lòng hồ Bản Vẽ để phát triển nghề nuôi cá, trước hết là đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, sau đó mở rộng thị trường ra các xã trung tâm rồi tiếp tục xây dựng thương hiệu để mở rộng xuống các huyện vùng xuôi và Thành phố Vinh.
Giống lợn đen địa phương hiện đang trở thành loại thực phẩm đặc sản trong các nhà hàng nên việc nhân giống, phát triển về số lượng sẽ đem lại cho bà con một nguồn thu đáng kể. Hiện tại, tổ chức Oxfam Hồng Kông đang triển khai dự án hỗ trợ nuôi cá lồng và phát triển đàn lợn địa phương cho xã Hữu Khuông. Bà con nhân dân đã được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, làm lồng và chuồng trại. Ngoài ra, tận dụng yếu tố địa hình để phát triển các loại loại gia súc (trâu, bò, dê) theo hướng kinh tế hàng hóa, mở rộng khai hoang diện tích lúa nước (hiện toàn xã mới có hơn 20 ha) cũng là một hướng đi quan trọng để giúp người dân Hữu Khuông nâng cao mức sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Qua trao đổi, ông Lô Văn Chuyến- Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, để giúp Hữu Khuông thoát nghèo, xã cần sớm được hỗ trợ việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ và điện lưới quốc gia. Cùng với đó là hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh, tập huấn để nâng cao khả năng áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cho bà con nhân dân. Đội ngũ cán bộ phải không ngừng nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của công việc. Đặc biệt, bà con nhân dân phải khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, xây dựng ý thức vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, đổi mới cung cách làm ăn từ tự cung, tự cấp sang hướng thị trường hàng hóa...
CÔNG KIÊN