Hướng đi nào cho rau nhà lưới TP. Vinh

23/04/2013 21:52

Việc đầu tư và đưa rau vào trồng trong nhà lưới để có rau sạch hơn, giảm bớt dư lượng thuốc hóa học trên rau là một bước đột phá của thành phố Vinh trong thời gian gần đây. Nhưng do thiết kế nhà lưới chưa phù hợp, quy trình thâm canh và đầu ra cho rau chưa rõ nên hai vụ rau vừa qua các hộ trồng rau trong nhà lưới đang lúng túng trong trồng, chăm sóc, quản lý dịch hại và bán sản phẩm…Rau nhà lưới sâu vẫn nhiều

(Baonghean) - Việc đầu tư và đưa rau vào trồng trong nhà lưới để có rau sạch hơn, giảm bớt dư lượng thuốc hóa học trên rau là một bước đột phá của thành phố Vinh trong thời gian gần đây. Nhưng do thiết kế nhà lưới chưa phù hợp, quy trình thâm canh và đầu ra cho rau chưa rõ nên hai vụ rau vừa qua các hộ trồng rau trong nhà lưới đang lúng túng trong trồng, chăm sóc, quản lý dịch hại và bán sản phẩm…

Rau nhà lưới sâu vẫn nhiều


Mô hình lưới kín là sự lựa chọn của TP Vinh khi đưa dự án trồng rau nhà lưới vào sản xuất từ cuối tháng 12 năm 2012 trên diện tích 25 ha ở một số xã của TP Vinh như Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Liên. Rau nhà lưới kín là loại rau được trồng trong nhà bao quanh hoàn toàn bằng lưới, cả trên mái lẫn xung quanh, có cửa ra vào cũng như được phủ kín bằng lưới, với mục đích ngăn chặn côn trùng thâm nhập (chủ yếu các loại bướm, bọ cánh cứng, nhóm côn trùng bay được).

Khung nhà lưới được làm bằng khung sắt hàn, dưới là cột bê tông chống đỡ. Loại nhà lưới này ở các vùng rau TP Vinh có ưu điểm là kín nên ngăn ngừa được côn trùng phá hoại, từ đó giảm được tối đa lượng thuốc trừ sâu, sản phẩm an toàn hơn đối với người sử dụng. Trời mưa giảm được lượng mưa đổ trực tiếp xuống rau nên khả năng tăng vụ cho rau. Tuy nhiên, hạn chế của nhà lưới này là chỗ: mùa nắng do không được thông gió, nhiệt độ trong nhà lưới cao hơn ngoài từ 1-200C nên rau không phát triển được, đặc biệt là rau cải, rau dền. Tại vùng rau sạch Kim Trung - Nghi Ân, anh Nguyễn Văn Thái ở xóm 6, Nghi Ân cho biết: Nhà lưới chỉ 200m2 nên rất nóng nực, rau trồng xong bị thối phải nhổ bỏ. Lưới bao lại không kín ở dưới nên côn trùng vẫn xâm nhập vào.

Xóm 10, Nghi Kim hiện đã làm được 2.200m2 nhà lưới với hàng chục hộ tham gia. Chị Nguyễn Thị Tịnh ở xóm 10 có 2,5 sào rau nhà lưới; theo phổ biến của xã, của xóm, ngoài hỗ trợ 100.000 đồng/m2, nhà chị đầu tư 13,5 triệu đồng để làm nhà lưới. Chị cho biết: Nhà lưới làm xong từ tháng 11/2012, đến nay đã làm 2 vụ rau cải. Vụ đầu rau vụ đông, bán ở chợ Vinh được 2 triệu đồng, vụ thứ hai không hiểu sao mà rau rữa hết, phải nhổ bỏ làm đất lại. Việc trồng rau nhà lưới nói chung chưa có hiệu quả.



Bà Xuân (xóm 8, xã Nghi Ân) đang nhổ bỏ lứa bắp cải bị sâu.

Quan sát thấy trong các nhà lưới ở Nghi Kim, ngoại trừ cà chua cho nhiều quả, hiện đang được bà con bán với giá 7.000 đồng/\kg, còn các gia đình khác đều chưa có thu hoạch bởi rau bị hỏng và đang làm lại đất trồng vụ mới. Nhà lưới dày, bao kín nên trong lưới rất nóng nực, bà con đã vén hết lưới lên, do vậy bướm lại bay vào, tạo điều kiện cho sâu phát triển.

Còn tại vùng rau Kim Bình - xã Nghi Ân, nhà bà Phạm Thị Xuân ở xóm 8 trồng 200m2, nhà lưới mới làm xong được 2 tháng, bà cho hay: “Ở đây rau cải và mồng tơi, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng thuốc vi sinh, khi không dùng thì sâu vẫn nhiều, sâu xuất hiện từng đợt”. Nhìn sang bên cạnh, bắp cải của nhà anh Phạm Văn Quang bị sâu ăn trụi lá, bắp bé tí như củ su hào. Nhà anh chị Phạm Văn Vinh, Phạm Văn Hải - xóm 8, đang vớt vát những ngọn mồng tơi ít ỏi để đi bán cho biết: “Trồng một lứa cải ngọt bị bọ nhảy ăn hết, nên chưa có thu hoạch, còn bắp cải lại sâu xanh ăn hết”.

Lo lắng về đầu ra

Hiện nay bà con các xã ngoại thành TP Vinh đã bỏ ra không ít tiền ngoài hỗ trợ của Nhà nước để làm nhà lưới. Nhà nhiều thì hơn 10 triệu đồng, nhà ít thì 6 triệu đồng. Nếu mỗi nhà làm từ 200m2 rau nhà lưới thì thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng, còn các hộ bỏ ra 6 triệu đồng. Theo dự án này thì doanh nghiệp Phú Tứ ngoài việc hỗ trợ giá giống, hướng dẫn kỹ thuật, triển khai làm nhà lưới còn thu mua sản phẩm cho bà con, nhưng hiện nay việc thu mua chưa rõ thế nào. Bà con vẫn phải tự đem rau đi bán tại chợ Vinh và chợ Nghi Ân. Theo người trồng rau cho biết: Doanh nghiệp tư nhân Phú Tứ đã hỗ trợ giống rau cho bà con nhưng công tác xử lý đất chưa ổn, thuốc của Phú Tứ (vi sinh) đã phun nhưng rau vẫn có sâu. Nguyên nhân có sâu còn do lưới dày, quá nóng nực nên bà con vén lưới lên.

Ông Cao Văn Tứ - Giám đốc doanh nghiệp Phú Tứ cho rằng việc thu mua rau chưa nhiều (thực ra đã có mua nhưng chỉ mua từng kg) là do rau chưa đủ số lượng. Tuy nhiên, người trồng rau Nghi Ân lại cho rằng: Chưa nghe ông Tứ nói mua rau, việc mua bán thế nào cũng không rõ. Doanh nghiệp chưa mua nên giống đưa về muộn, lại không phổ biến cho dân nên người dân đã mạnh cây nào trồng cây ấy. Nguyên nhân sâu xa là do doanh nghiệp Phú Tứ vẫn chưa xin được các địa điểm để bán rau sạch do vướng mắc về thủ tục. Chính vì vậy người trồng rau dù đầu tư lớn nhưng rau sạch bán vẫn như giá rau “bẩn”, họ đang đi bán lẻ từng bó mà chưa có hợp đồng ký kết giữa hai bên để sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Hiện nay, doanh nghiệp Phú Tứ đang thay đổi cách bao lưới. Thay vì bao từng nhà, mỗi nhà 200m2 thì giờ đây lưới chỉ được bao quanh cả vùng rau. Điều này chỉ phù hợp đối với những thửa đất vuông vắn, các nhà liền kề đều tham gia nhà lưới. Còn đối với những hộ làm riêng biệt, họ vẫn đang phải chịu cảnh lưới bít nóng nực trong diện tích chỉ 200m2. Trong khi đó, theo một tài liệu đáng tin cậy của Sở NN&PTNT Thành phố Hồ Chí Minh thì nhà lưới kín quy mô tối thiểu từ 500-1.000m2 , chứ không phải là 200m2 như TP Vinh đang làm.

Quy trình canh tác rau trong nhà lưới hiện nay nông dân vẫn chưa nắm được. Bà con vẫn bỏ NPK, urê đều đều, khiến cho người mua rau vẫn e ngại về độ “sạch” của rau. Vì vậy, mong mỏi về rau sạch và đầu ra cho rau sạch ở TP Vinh vẫn là mong mỏi của người tiêu dùng lẫn người trồng rau ở TP Vinh.


Bài, ảnh: Châu Lan

Hướng đi nào cho rau nhà lưới TP. Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO