Hướng mở phát triển kinh tế miền Tây

13/11/2014 07:54

(Baonhgean) - Dự án sữa tươi sạch TH True Milk do Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH (Trang trại TH) thuộc Tập đoàn TH thực hiện từ năm 2009, triển khai trên địa bàn miền Tây Nghệ An, tập trung ở huyện Nghĩa Đàn. Tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 1,2 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Đơn vị xây dựng xong giai đoạn 1 với mức đầu tư 350 triệu USD và đi vào hoạt động, doanh thu năm 2013 đạt gần 3.000 tỷ đồng, năm 2014 dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN

Với ý tưởng xuyên suốt "Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch", dự án là một chuỗi sản xuất đầu - cuối hoàn toàn khép kín, quy mô tầm khu vực. Tham vọng của nhà đầu tư là đem đến một dòng sản phẩm mang tính đột phá trên thị trường các sản phẩm từ sữa của Việt Nam. Chuyển đổi vùng đất miền Tây Nghệ An chuyên canh tác nông nghiệp truyền thống thành vùng sản xuất nông nghiệp theo dây chuyền công nghiệp cũng là một tác động to lớn của dự án.

Cán bộ kỹ thuật Công ty sữa TH giới thiệu công nghệ máy vắt sữa. Ảnh: Đào Tuấn
Cán bộ kỹ thuật Công ty sữa TH giới thiệu công nghệ máy vắt sữa. Ảnh: Đào Tuấn

Sau 4 năm đi vào thực hiện, đến nay dự án đã hoàn thành đầy đủ các hạng mục công trình phục vụ cho giai đoạn 1 với diện tích 8.100 ha, gồm: khu quản lý hành chính trang trại, đồng nguyên liệu có diện tích 2.200 ha (chủ yếu trồng cỏ mombasa và cây cao lương), nhà máy chế biến thức ăn cho bò công suất 800 tấn/ngày, nhà máy nước sạch lọc 3.000m3 nước/ngày; 2 cụm trại (7 trại) với đàn bò trên 35.000 con, nhà máy chế biến sữa tươi sạch có tổng công suất 500 tấn/ngày. Ngoài ra còn có nhà máy xử lý nước thải, nhà máy chế biến phân vi sinh, lò thiêu hủy đạt tiêu chuẩn quốc tế, phòng thí nghiệm kiểm định chất lượng sữa và theo dõi sức khỏe đàn bò. Nét nổi bật của dự án là việc sử dụng các thiết bị hiện đại như: cánh tay robot tưới tự động, máy vắt sữa, chip theo dõi bò, máy đếm phân tử sữa bò bằng bước sóng khúc xạ,... Về phần mềm, dự án nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Afimilk của Israel.

Định hướng phát triển thời gian tới của dự án là tăng quy mô các công đoạn trong chuỗi sản xuất một cách đồng bộ. Đây là bài học kinh nghiệm rút ra từ giai đoạn 1, nhằm hướng tới một mô hình sản xuất công nghiệp bài bản, chuyên nghiệp và thân thiện hơn với môi trường. Tập đoàn TH cũng đang triển khai mô hình liên kết với bà con nông dân trồng cây nguyên liệu cung cấp cho trang trại, phục vụ nhu cầu thức ăn của đàn bò dự kiến tăng trưởng đạt 137.000 con vào năm 2017. Với sự hỗ trợ của nhà đầu tư về giống, kỹ thuật canh tác, điều chỉnh thời vụ, mô hình này sẽ đưa người dân miền Tây Nghệ An đến gần hơn với khoa học kỹ thuật.

Mong muốn của lãnh đạo tỉnh Nghệ An khi mở cửa miền Tây cho Dự án sữa tươi sạch TH là xây dựng nông thôn mới theo mô hình liên kết giữa 4 nhà: nhà nông - nhà đầu tư - nhà nước - người tiêu dùng. Từ đó, hy vọng mở ra lối đi mới cho người nông dân trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích canh tác để tăng sản lượng, tăng giá trị quy đổi; Có thể là chuyển đổi ngành nghề, nâng cao trình độ và ý thức trách nhiệm lao động để đảm nhận các vai trò trong dây chuyền sản xuất của dự án, hoặc xa hơn nữa là đáp ứng yêu cầu tuyển dụng lao động của các nhà đầu tư nói chung. Đó cũng là tầm nhìn chung của tỉnh Nghệ An trong thu hút đầu tư, mở cửa các dự án: đổi mới, hiện đại hóa nhưng phải có sự gắn kết với địa phương và cộng đồng, phải có sự sàng lọc để phát huy nguồn lực về con người và tài nguyên vốn có của Nghệ An. Bởi lẽ, đó cũng chính là những giá trị để Nghệ An trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, như chính ông Rami Hamad - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH đã công nhận: "Đất đai, môi trường và con người mà các bạn đang nắm giữ rất tuyệt vời. Sử dụng tốt những gì vốn có, các bạn sẽ thành công!".

Thục Anh

Mới nhất

x
Hướng mở phát triển kinh tế miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO