Hướng mở từ chăn nuôi

06/10/2014 17:39

(Baonghean) - Nhân dân huyện Tương Dương chủ yếu chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, hiệu quả không cao. Tuy nhiên, với chủ trương phát triển chăn nuôi, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp ở huyện Tương Dương đã có bước phát triển cả về số lượng, quy mô, hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Cũng như nhiều hộ dân ở bản Tam Bông, xã Tam Quang, trước đây gia đình anh Lô Văn Tiến chăn nuôi lợn chủ yếu theo hình thức thả rông nên hiệu quả kinh tế không cao và hay bị dịch bệnh lại gây ô nhiễm môi trường. Sau khi đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, anh Tiến nhận thấy cách làm ăn manh mún thì chỉ đủ ăn, chứ chưa nói đến chuyện làm giàu. Năm 2009, anh Tiến quyết định vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn công nghiệp. Nhờ áp dụng những kiến thức từ các lớp tập huấn do Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện Tương Dương tổ chức, mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cao, trừ chi phí còn lãi ròng trên 300 triệu đồng/năm. Mô hình chăn nuôi lợn của anh Tiến đã mở ra cung cách làm ăn mới cho người dân trong xã. Đến nay, toàn xã Tam Quang đã có trên 40 hộ chăn nuôi lợn theo mô hình bán công nghiêp. Không chỉ hỗ trợ kinh nghiệm và cung ứng con giống, anh Tiến còn đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Chăn nuôi dể ở gia đình ông Vi Đức Tuấn ở bản Mon -  Thạch Giám.
Chăn nuôi dể ở gia đình ông Vi Đức Tuấn ở bản Mon - Thạch Giám.

Xu thế phát huy giá trị giống vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ trên thị trường đang được chính quyền và người dân Tương Dương chú trọng. Nuôi giống lợn bản địa (lợn đen), nuôi dê là hướng đi trong phát triển kinh tế của ông Vi Đức Tuấn, ở bản Mon, xã Thạch Giám. Năm nay là năm thứ 2 gia đình ông chuyển đổi sang chăn nuôi lợn đen hàng hóa. Bình quân mỗi năm, gia đình ông nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa trên 20 con lợn thịt và 3 con lợn nái sinh sản. Sản phẩm lợn nuôi được cung cấp cho thị trường TP. Vinh, Tương Dương, vừa cung ứng lợn giống cho các xã trong huyện. Cùng với chăn nuôi lợn, ông nuôi trên 30 con dê, 100 con bồ câu, trồng 5ha rừng cây lấy gỗ. Ông Tuấn cho biết, thuận lợi nhất là chăn nuôi tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn từ ngô, khoai, sắn; giống bản địa lại dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao. Mô hình kinh tế của gia đình ông Tuấn mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Từ mô hình của ông, xã, huyện tổ chức nhiều cuộc tập huấn cho bà con các bản trong xã để nhân rộng. Bản Mon, xã Thạch Giám có 120 hộ, trước đây số hộ nghèo trên 60%, nhờ phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi kết hợp với trồng rừng, số hộ nghèo giảm xuống còn 23 hộ. Hiện nay nhiều hộ dân ở Thạch Giám cũng đã phát triển chăn nuôi các giống bản địa. Ông Lô Xuân Quyết - Chủ tịch UBND xã Thạch Giám cho biết: “Trên địa bàn đang có nhiều gia trại chăn nuôi có hiệu quả như chăn nuôi dê, bò nhốt, lợn rừng,… Một trong những hướng đi mới của Đảng bộ đó là tập trung lãnh đạo xây dựng mô hình kinh tế điểm, sau đó nhân rộng ra toàn xã. Ngoài ra, huyện Tương Dương đã kết hợp với dự án phát triển miền Tây Nghệ An VIE/028, xây dựng mô hình “nuôi vịt bầu Quỳ”. Trải qua gần 1 năm thực hiện mô hình đã cho những kết quả rất khả quan, người nông dân đã quay trở lại gắn bó với giống vịt này. Dự án đang được triển khai ở 5 xã là Nga My, Yên Hòa, Tam Hợp, Lưu Kiền, Lượng Minh với tỷ lệ sống trên 90%.

Với sự vào cuộc tích cực của Đảng ủy, chính quyền các cấp, nhất là sau khi có Chỉ thị số 19 - CT/HU /2012 của BTV Huyện ủy Tương Dương về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế”, huyện Tương Dương đã có nhiều mô hình đem lại hiệu quả cao như: nuôi lợn rừng, nhím, dê, trồng rừng kết hợp chăn nuôi, nuôi gà và nông lâm kết hợp (VACR). Ông Lô Thanh Hài - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Phát triển chăn nuôi là chủ trương phù hợp để thoát nghèo và làm giàu cho các xã vùng sâu, vùng xa của huyện”.

Thanh Lê

Mới nhất

x
Hướng mở từ chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO